V.League 2005: Ám ảnh trọng tài

Thứ Ba, 21/06/2005, 22:04

Kết thúc lượt đi V.League 2005, BTC đã "trảm" 6 trọng tài và 5 giám sát. Kèm theo đó, ông Trưởng BTC Dương Nghiệp Khôi đã trình bày hàng loạt biện pháp để đảm bảo công tác trọng tài ở lượt về V.League. Vậy mà, dường như công tác trọng tài chẳng có chuyển biến tích cực, thậm chí tình hình ngày càng xấu đi…

Ở lượt về, qua mỗi vòng đấu ít nhiều đều có những lời than phiền, ì xèo từ các đội bóng về cung cách cầm còi của một số vua áo đen. Và tới vòng 16 V.League vừa qua thì công tác trọng tài trở nên nổi cộm với 2 chữ vấn nạn.

"Thua hận" 2-3 trước HAGL trên phố núi Pleiku, tướng Dũng của Bình Dương quyết định nộp 2 triệu cho BTC để khiếu nại về cung cách điều hành của tổ trọng tài điều khiển trận đấu, dẫu rằng ông Dũng thừa hiểu việc này cũng chẳng thay đổi được kết quả trên sân.

Trả lời báo chí, HLV Vương Tiến Dũng khẳng định trọng tài chính Phạm Hữu Lộc đã bỏ qua, không thổi 2 quả phạt đền của Bình Dương. Đồng thời, ông Dũng cũng cho rằng, việc phân công trọng tài của trận đấu Bình Dương và HAGL là bất hợp lý bởi 2/4 thành viên của tổ trọng tài điều khiển trận đấu là người Bình Định, trong khi CLB Bình Định và HAGL có mối quan hệ "bang giao" thân thiết.

Thậm chí, đi xa hơn nữa, ông Dũng đã xâu chuỗi qua các lượt trận hàng loạt tiếng còi bất thường của trọng tài nhằm vào đội bóng của ông để đi đến kết luận: Phải chăng có sự liên kết giữa một số trọng tài để "răn đe" Bình Dương cần phải "biết điều", "chơi đẹp" với họ nếu muốn vô địch. Một HLV lão làng trong giới bóng đá Việt Nam như ông Dũng liệu có "bắt bệnh" sai?

Và ở đây cũng cần phải nhắc tới quá khứ của "nhân vật chính": Trọng tài điều khiển trận đấu HAGL - Bình Dương: Phạm Hữu Lộc. Trước lượt trận thứ 9 V.League 2005, ông Lộc là một trong số những trọng tài đã nhận được tin nhắn lạ của trọng tài Lương Trung Việt trong nghi án môi giới, mua chuộc trọng tài bán độ.

Ở các mùa trước, ông Lộc luôn được coi là thần tài của Thể Công bởi mỗi khi có ông cầm còi đội bóng quân đội luôn được hưởng những lợi thế nhất định. Đơn cử là ở vòng 2 V.League 2003, ông Lộc đã bị BTC giải treo còi vì đã cho Thể Công hưởng một quả 11m tưởng tượng trong trận "derby" với Hàng không Việt Nam.

Chưa hết, ở vòng 17 V.League 2004, trọng tài trận đấu giữa Thể Công và Đồng Tháp, ông Lộc tiếp tục "lờ" hành vi đánh nguội của thủ môn Vũ Dũng (Thể Công) với cầu thủ Boris (Đồng Tháp), cũng như công nhận bàn thắng gỡ hoà 1-1 của Phương Nam vào lưới Đồng Tháp trong một tình huống khá nhạy cảm. Thế nhưng, với một số đội khác, ông Lộc lại là một nỗi ám ảnh đáng sợ mà trường hợp của NHĐA là một ví dụ... 

Quay trở lại với vòng 16 của V.League 2005, không chỉ mình ông Dũng của Bình Dương, mà ở sân Hàng Đẫy, HLV Lê Thụy Hải của Đà Nẵng cũng kêu trời về cách cầm còi ép khách của ông vua áo đen Lê Văn Tú trong trận Hòa Phát - Đà Nẵng. Cũng may là cuối cùng Đà Nẵng cũng thắng đội chủ nhà, chứ không thì có thể BTC sẽ còn nhận thêm được 2 triệu đồng và 1 lá đơn khiếu nại nữa.

Ở một cung bậc thấp hơn, trận đấu giữa Thép Miền Nam - CSG và Bình Định tại vòng 16, công tác trọng tài cũng không đảm bảo yêu cầu khi để tuột trận đấu khỏi tầm kiểm soát bởi sự nhu nhược trước những pha vào bóng hết sức thô bạo của cầu thủ cả hai đội.

Bầu trời V.League 2005 lại vần vũ bởi những đám mây đen trọng tài. Vì sao cái chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" ấy mà vẫn là chuyện không hề cũ và là nỗi ảm ánh thường trực của các đội bóng?

Chừng nào các đội bóng thôi than khổ và cũng thôi cái kiểu chơi đẹp với trọng tài để được yên thân? Chừng nào những ông vua áo đen nhúng chàm bị cách ly khỏi đời sống bóng đá? Chừng nào BTC dám mạnh tay với trọng tài để khỏi mang tiếng "con hư tại mẹ"?

Bảo Hân
.
.
.