V.League thay đổi thể thức và nỗi lo tiêu cực

Thứ Ba, 19/05/2020, 09:59
V.League 2020 sẽ được thay đổi thể thức khi trở lại sau dịch COVID-19. Điều này có thể tiềm ẩn những nỗi lo tiêu cực.


Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 6, khoá 8 đã chính thức thông qua phương án tổ chức V.League 2020 theo thể thức mới. Theo đó, 11 vòng đấu của lượt đi chưa diễn ra vẫn đá theo kế hoạch ban đầu. Dựa vào kết quả của giai đoạn 1, V.League 2020 sẽ chia làm 2 nhóm để tiếp tục thi đấu ở giai đoạn 2, gồm 8 đội đứng đầu và 6 đội đứng cuối.

Nhóm đầu đá vòng tròn một lượt tranh ngôi vô địch, nhóm cuối xác định suất xuống hạng. Và kết quả của giai đoạn 1 chỉ được dùng để xếp hạng, không tính tiếp cho giai đoạn 2. Thể thức thi đấu mới này sẽ giảm được 7 vòng đấu so với phương án tổ chức ban đầu là đá lượt đi - lượt về.

V.League 2020 sẽ trở lại vào đầu tháng 6.Ảnh: HĐ

Lợi thế của phương án này là sẽ giúp giải đấu kết thúc trong tháng 10, tạo điều kiện cho ĐT Việt Nam có thể tập trung chuẩn bị cho hai giải đấu lớn là AFF Cup 2020 và Vòng loại World Cup 2022. Việc V.League lên phương án kết thúc sớm được xem là một sự hy sinh không nhỏ cho đội tuyển quốc gia trong bối cảnh mà chúng ta cần đến những danh hiệu, tạo cú hích cho cả nền bóng đá vào cuối năm.

Cũng với phương án thi đấu mới, VPF đã phân bố mật độ thi đấu khoa học, đảm bảo thời gian hồi phục, giúp cho cầu thủ hạn chế chấn thương. Ngoài các đội có thời gian nghỉ giữa giai đoạn để đảm bảo thời gian chuyển nhượng, giúp cho các câu lạc bộ chủ động trong việc bổ sung lực lượng chuẩn bị tốt cho các giai đoạn tiếp theo.

Thế nhưng, một nỗi lo của phương án này chính là tình trạng tiêu cực có thể xảy ra ở những đội đã đủ điểm trụ hạng hoặc hết động lực để tranh ngôi vô địch. Hoặc cơ hội tránh suất xuống hạng của đội đứng cuối nhóm B khi vào giai đoạn II cũng sẽ giảm đi do số trận đấu ít đi…

Trước vấn đề này, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã chia sẻ rằng, theo điều lệ giải chuẩn bị ban hành, số điểm cũng như các thông số như bàn thắng thua, thẻ vàng thẻ đỏ đều được giữ nguyên khi vào giai đoạn II, do vậy các đội sẽ phải thi đấu hết mình ở giai đoạn I để có được thứ hạng cao ở giai đoạn II.

Bên cạnh đó, việc một đội đã đủ điểm để vào giai đoạn II ở thể thức thi đấu mới này cũng giống như trường hợp một đội đã đủ điểm trụ hạng ở cuối mùa giải ở thể thi thức trước đây. Vì vậy dù ở thể thức thi đấu nào cũng có những tình huống giống nhau xảy ra.

Việc chống tiêu cực là điều mà VPF luôn đặt ra trong mọi trường hợp. Ngoài việc kết hợp với Bộ Công an, VPF còn có hai đơn vị nước ngoài theo dõi tất cả các trận đấu mà chúng tôi tổ chức để hỗ trợ phát hiện các hiện tượng tiêu cực.

Thực tế, theo thể thức thi đấu cũ, nhiều đội bóng đủ điểm trụ hạng, hoặc ở vị trí không thể cạnh tranh chức vô địch thường giảm động lực thi đấu các vòng cuối. Chính ban tổ chức cũng khó kiểm soát được thái độ thi đấu không hết sức. Bên cạnh đó, tâm điểm của sự chú ý sẽ chỉ dồn cho các đội nhóm cạnh tranh vô địch và nhóm trụ hạng. Do đó mà nhiều trận ở nhóm hết mục tiêu đá để đảm bảo thủ tục.

Cần phải thừa nhận rằng, mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm chứ không có sự tuyệt đối. Sự thay đổi của V.League có thể xem là phương án tối ưu trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh. V.League 2020 được trở lại vào thời điểm hiện tại là một sự may mắn.

Ban tổ chức từng tính toán nếu giải không thể khởi tranh trong tháng 6 do các vấn đề liên quan dịch COVID-19, V.League có thể sẽ phải chấp nhận thi đấu 1 lượt, có lên xuống hạng. Nếu V.League 2020 không thể trở lại trước thời điểm tháng 8-2020, giải đấu có thể sẽ bị huỷ.

V.League 2020 trở lại là sự mong mỏi không chỉ của cầu thủ, các câu lạc bộ mà còn của đông đảo cổ động viên. Thực tế, tình trạng tiêu cực từng xuất hiện ở nhiều mùa giải trước đây, kể cả phương án mới hay cũ vẫn không để đảm bảo được tuyệt đối. Hy vọng những nỗ lực của VPF trong công tác tổ chức có thể phần nào hạn chế vấn nạn này.

Thầy Park mở học viện bóng đá?

Người đại diện của HLV Park Hang-seo, ông Lee Dong-jun đang đẩy nhanh tiến độ mở một học viện bóng đá tại Việt Nam. Theo đó, học viện sẽ đào tạo các cầu thủ trẻ theo đúng triết lý của nhà cầm quân người Hàn Quốc và theo tiêu chuẩn quốc tế. Dĩ nhiên để mở một học viện bóng đá cần hội tụ nhiều yếu tố, nhưng với kinh nghiệm và uy tín của mình, thầy Park đã sẵn sàng thực hiện dự án mà lâu nay mình đang ấp ủ. 

Nếu kế hoạch này thành hiện thực, đó cũng không phải điều bất ngờ. Ông Park từng tiết lộ kế hoạch sau khi nghỉ hưu của mình trong chương trình VTV đặc biệt là: “Việt Nam là đất nước đã mang lại cơ hội cho tôi, vinh quang cho tôi. Tôi cũng không biết khi không còn làm huấn luyện viên nữa, tôi sẽ sống ở đâu. Ở Việt Nam thì tôi có nhà, ở Hàn Quốc tôi có mẹ, anh em và con cái. Tôi có nhiều việc muốn làm lắm.

Nhưng kết thúc cuộc đời huấn luyện viên, tôi có một mong ước là tôi sẽ tham gia vào việc phát triển bóng đá trẻ tại Việt Nam. Đó là nguyện vọng cuối cùng của tôi tại Việt Nam”.

HLV Park Hang-seo vừa gia hạn hợp đồng với VFF từ cuối năm 2019. Ông cũng có một đội ngũ trợ lý đắc lực người Hàn Quốc đang làm việc ở đội tuyển Việt Nam. Nếu mở học viện bóng đá tại Việt Nam, với uy tín của mình tạo dựng được trong hơn 2 năm qua, HLV Park Hang-seo đủ sức thu hút những chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc cũng như Việt Nam tới để giúp sức. (H.H)

Hưng Hà
.
.
.