U.23 Việt Nam hậu BTV Cup: Đi tìm “miếng độc”

Thứ Ba, 05/11/2013, 08:37
Ngôi á quân BTV Cup gắn liền với hình ảnh một tập thể biết vượt qua sóng gió (sự cố HLV trưởng Hoàng Văn Phúc bị tạm đình chỉ sau vòng đấu bảng) để chơi hưng phấn trong các trận bán kết và chung kết đã giúp U.23 Việt Nam gỡ gạc rất nhiều niềm tin của người hâm mộ. Có ý kiến cho rằng nếu cứ đá mạnh mẽ, kiên cường như 2 trận đấu này, U.23 Việt Nam hoàn toàn có khả năng “làm nên chuyện” tại SEA Games 27. Song theo chúng tôi, ĐT của chúng ta vẫn thiếu một phẩm chất quan trọng luôn gắn liền với những đội bóng có khả năng tiến sâu ở mọi giải đấu, đó là những “miếng độc” trong cách vận hành.

Trận bán kết thắng Sinh viên Hàn Quốc trên chấm luân lưu 11m và cả trận chung kết thua Bình Dương 0-1 (nhưng là thua “coi được”), các học trò của HLV Hoàng Văn Phúc đã chứng tỏ diện mạo của một đội bóng biết tổ chức. Một đội bóng có khả năng chuyển từ thế công sang thế thủ rất nhuyễn, và cũng là một đội bóng dám cầm bóng đá nhanh, phối hợp nhỏ trước những đối thủ dày dạn, quái chiêu hơn mình. Sau 15 trận đấu tập huấn cả thảy, nhào nặn ra một đội bóng có bài và các hạt nhân đều biết đá, biết chạy theo bài là thành công không thể phủ nhận của HLV Hoàng Văn Phúc.

Nhưng xem một đội bóng có bài và luôn đá đúng bài như thế, một chuyên gia bóng đá đặt vấn đề với chúng tôi: Vào đến SEA Games, nếu chúng ta bị bắt bài thì sao? Chuyên gia này cho rằng việc bị bắt bài cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng (nguyên nhân còn lại nằm ở tư tưởng và mối quan hệ giữa HLV trưởng với các cầu thủ - PV) khiến lối đá nhỏ, nhuyễn của ĐTVN dưới thời Phan Thanh Hùng đã phá sản hoàn toàn tại AFF Suzuki Cup 2012. Thế nên hơn bao giờ hết, chúng ta cần tôi luyện những “miếng độc” để tìm ra lối thoát trong trường hợp bị bắt bài.

Thực ra thì ở U.23 Việt Nam hiện nay cũng có những cầu thủ có khả năng tạo ra… miếng độc. Cứ xem cái cách Phi Sơn táo bạo cầm bóng, đâm thẳng vào hàng phòng ngự Atletico Bungo (Brazil) trước khi tung chân ghi bàn ở BTV Cup hay cái cách Văn Thắng quặt đi quặt lại quả bóng tới 3,4 nhịp trước khi xé lưới U.23 Santos (Brazil) trong một trận giao hữu trước đó là có thể hiểu rõ điều này. Cả Phi Sơn lẫn Văn Thắng đều là những mẫu cầu thủ có thể tạo ra những khoảnh khắc ngẫu hứng nhờ kĩ thuật đi bóng và những ý tưởng chơi bóng phong phú của mình. Nhưng có cảm giác rằng những pha bóng của cả hai cầu thủ này chỉ có thể thành công ở những trận đấu thiếu tính đối kháng như các trận đấu giao hữu hay những giải đấu giao hữu, chứ vào đến một sân chơi giàu tính cạnh tranh như SEA Games, khi phải đối đầu với những đối phương quyết liệt, không ngại va chạm thì những “miếng độc” của họ rất khó phát huy tác dụng. Đấy là còn chưa nói đến chuyện, nếu lạm dụng những “miếng độc” kiểu này, cầu thủ của ta rất dễ bị chấn thương.

Mong là những “đầu não” tư tưởng và chiến thuật của U.23 Việt Nam sẽ giúp đội bóng có thêm… “miếng độc”. Ảnh: H.M.

Trong khi chưa thể yên tâm với những “miếng độc” ở góc độ cá nhân, người ta cũng chưa thể yên tâm với những “miếng độc” ở góc độ tập thể. Lối đá nhanh – nhỏ - nhuyễn với những con người được đóng đinh ở từng vị trí đã được U.23 thể hiện rất rõ. Những sự xáo trộn, thay đổi có chăng chỉ nằm ở việc Mạc Hồng Quân được tung vào sân, và vào sân để đá tiền vệ chứ không phải tiền đạo khi ĐT cần gia tăng sức ép mà thôi.  

Ở đây cũng có một giả thiết phải đặt tới: Đã gọi là “miếng độc” thì người ta phải giấu, chứ không dại gì tung ra trong những giải đấu mà cả làng nội soi như BTV Cup. Hoặc cũng có thể phải vào đến trận địa SEA Games, khi va chạm với những trận đánh thực tế thì đội bóng của chúng ta mới “nảy” ra được những điều mà trước đó chính chúng ta không nghĩ đến. Những vấn đề này phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng và sự táo bạo (nếu có) của vị trí cầm quân.

Khi không có quá nhiều người kỳ vọng vào những “sản phẩm xuất chúng” của một HLV lành từ con người đến tư duy như HLV Hoàng Văn Phúc thì biết đâu đấy, chính vị HLV họ Hoàng lại làm cả làng bổ ngửa bằng những miếng độc, miếng lạ trong những bối cảnh cần “độc” và “lạ” thì sao?

“Miếng độc” của Calisto giúp BĐVN giật vàng khu vực

Chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 trên đất Thái, khi mà ai cũng nghĩ chủ nhà Thái Lan sẽ thắng dễ Việt Nam như đã thắng 2-0 ở vòng đấu bảng thì HLV Calisto đã làm người Thái bất ngờ bằng những miếng đánh siêu độc của mình. Cái miếng mà ở đấy Công Vinh không đá trung phong mà xuống đá tiền vệ cánh để thu hút đối thủ, còn Tấn Tài lại không chạy cánh, mà được kéo vào khu trung tâm, tạo ra một cú đấm trực diện nơi trung tuyến. Không ai nghĩ ông Calisto dám đẩy một cầu thủ như Tấn Tài vào khu trung tâm, nhưng chính những xáo trộn bước ngoặt ấy đã giúp ĐTVN thắng 2-1 đầy bất ngờ, và sau đó lên ngôi vua Đông Nam Á.

Chỗ khác biệt rất lớn giữa Calisto và Alfred Reidl - hai thầy ngoại hàng đầu của bóng đá Việt Nam trong khoảng chục năm qua đó là ông “Tô” luôn có những đòn lạ trong những trận đánh quyết định, trong khi ông Reidl lúc nào cũng “đá theo bài” nên rất dễ bị “bắt bài”. Nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng sở dĩ Calisto luôn có những cuộc vượt ngưỡng (chẳng hạn như đưa một CLB tầm tầm như Đồng Tâm Long An 2 lần vô địch V.League hay đưa ĐTVN lên ngôi vua ĐNA) còn ông Riedl cứ vào đến chung kết là bại trận xét cho cùng đều nằm ở chữ “miếng độc” mà một người thì có, một người thì không.

Diệp Xưa

Phan Đăng
.
.
.