Tuyệt tác ruộng bậc thang

Thứ Hai, 11/02/2013, 11:06
Mù Cang Chải có nhiều ruộng bậc thang, nhưng tập trung dày đặc và đẹp nhất, từng được công nhận di sản văn hóa quốc gia năm 2007 là ở 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình.

Mù Cang Chải mùa thu hoạch, từng thửa ruộng vàng ruộm, rực lên trong nắng. Lúa nối nhau, ngả theo những đám mây bồng bềnh ở lưng chừng đèo Khau Phạ, làm nên một bức tranh thiên nhiên mênh mang, tuyệt mỹ.

Mù Cang Chải có nhiều ruộng bậc thang, nhưng tập trung dày đặc và đẹp nhất, từng được công nhận di sản văn hóa quốc gia năm 2007 là ở 3 xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Zế Xu Phình.

Trước cả khi có tấm bằng chính danh mực son dấu đỏ mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao tặng, những thửa ruộng canh tác như một tập quán lâu đời của người Mông đã là cái cớ níu chân bao nhiêu du khách tới với vùng đất cách Hà Nội chừng 400km, nghe tên đã thấy ngút ngàn đèo heo gió hút.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Ngồi vót nan đan gùi bên chái nhà ọp ẹp, già Lý Gà Hô ở xã La Pán Tẩn móm mém: Có hiểu di sản gì đâu, nhưng từ ngày có cán bộ nhắc nhở, bọn trẻ con cũng tự bảo nhau phải trông coi, không cho trâu bò lợn gà leo lên ăn lúa, phá bờ ruộng.

Được chăm nom vun vén, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã nên thơ, lại càng diễm lệ hơn trong con mắt người muôn phương, và cả ống kính của các nhà nhiếp ảnh dưới xuôi lên. Xã La Pán Tẩn nhỏ bé lành hiền, năm 2012 tên tuổi đã ầm ào trên các mặt báo vì vụ sập mỏ thương tâm, gây nên cái chết oan uổng cho bao nhiêu con người vô tội. Ruộng ít, cả xã có 219ha, lại làm một vụ nên không xoay ra đủ các nghề kiếm sống thì người dân cũng chỉ còn biết ngửa cổ trông trời mà than dài thở vắn.   

Không chỉ Mù Cang Chải ở phía trời Tây Bắc, vùng Đông Bắc của Tổ quốc, huyện Hoàng Su Phì Hà Giang, ruộng bậc thang của 6 xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên, qua hàng trăm năm đằm mình dưới những đôi chân trần tần tảo của đồng bào La Chí, Dao, Nùng cũng đã được xướng tên trong bảng vàng di sản quốc gia.

Cả ở Mù Cang Chải và Hoàng Su Phì, mùa vụ bắt đầu tháng 4 kết thúc tháng 10, bà con tận dụng nguồn nước tự nhiên dẫn từ trên cao xuống thấp, để thỏa thuê gieo hạt cắm bông. Hiếm nơi nào, công cụ và phương tiện lao động hàng ngày của người dân lại trở thành vốn quý di sản, và đặc biệt hơn, chiếm được cảm tình bền vững của cả cộng đồng

N.H.S. (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.