Tuyệt tác "Mona Lisa" và những kiểu cách "ăn theo"

Chủ Nhật, 07/08/2011, 09:59
"Mona Lisa" là bức tranh chân dung được mọi người xem là đạt nhất, được lưu lại hoàn hảo nhất qua 5 thế kỷ, được bình phẩm "sâu sắc và đủ mọi khía cạnh" nhất. Nhưng đồng thời, càng về sau, "Mona Lisa" cũng càng được nhiều người đủ mọi hoạt động (họa sĩ, nhà doanh nghiệp…) "ăn theo" bằng nhiều cách - kiểu nhất…
Leonardo da Vinci (1452 - 1519) được các giới nghiên cứu lịch sử, khoa học, văn hoá và mỹ thuật coi là một vĩ nhân, là ngọn cờ đầu, là linh hồn của thời kỳ phục hưng. Ông là một nghệ sĩ toàn diện, nhà bác học, nhà phát minh kiệt xuất của thời đại đó. Đặc biệt, ông có nhiều kiệt tác hội họa, mà tiêu biểu nhất là bức "Mona Lisa" (còn có tên "La Joconde hay La Gioconda") vẽ vào khoảng các năm 1503 - 1506. Đây là bức tranh chân dung được mọi người xem là đạt nhất, được lưu lại hoàn hảo nhất qua 5 thế kỷ, được bình phẩm "sâu sắc và đủ mọi khía cạnh" nhất. Nhưng đồng thời, càng về sau, "Mona Lisa" cũng càng được nhiều người đủ mọi hoạt động (họa sĩ, nhà doanh nghiệp…) "ăn theo" bằng nhiều cách - kiểu nhất…

Mãi mãi không được yên vì "nụ cười mỉm" của mình

Về bức chân dung, về nàng Mona Lisa Joconde và cả bản thân Leonardo da Vinci cho tới nay đã tốn không ít giấy mực của các nhà bình luận đủ mọi lĩnh vực khác nhau. Một trong các "bình luận viên" đầu tiên là J.Vasari (1511 - 1574) - họa sĩ danh tiếng, kiến trúc sư và nhà phê bình, nghiên cứu nghệ thuật, tác giả cuốn sách rất ăn khách thời đó "Tiểu sử của các nhà hội họa, điêu khắc và kiến trúc nổi tiếng".

Ông viết: "Leonardo đã nhận vẽ bức chân dung cho người vợ của Francesco del Jocondo là nàng Mona Lisa… Hình ảnh này đã tạo cơ hội cho những ai muốn hiểu rằng, nghệ thuật có khả năng phỏng theo được thiên nhiên như thế nào, dễ dàng nhận thấy trong đó, bởi vì trong tranh đã đưa ra tất cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, những gì chỉ phù hợp với sự tinh tế của hội họa… Bức chân dung có vẻ như là về thần linh hơn là về con người, và được coi là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt diệu, bởi vì chính cuộc sống đã không thể nào khác".

Quảng cáo "Mona Lisa" trên giày.

Riêng về "nụ cười mỉm" của người trong tranh thì được rất nhiều người bình luận sâu và rộng hơn. "La Joconde" đã là "cuộc thử nghiệm tới vinh quang" rất sớm của họa sĩ. Các họa sĩ chuyên nghiệp là những người hâm mộ đầu tiên của nó… Như họa sĩ tài danh nức tiếng Rafael đã từng "bị ốm" bởi chiêm ngưỡng bức chân dung này của Leonardo. Sự bí ẩn trong nụ cười của nàng đã làm tốn không biết bao giấy mực qua nhiều thời đại.

Nhà văn, phê bình nghệ thuật Anh Walter Pater (1839 - 1894) trong tác phẩm "Những bức tranh tưởng tượng" đã viết về "Mona Lisa": "… vẻ đẹp được nhào nặn từ dưới lớp da thịt, hiện hữu qua các tế bào, của những ý nghĩa kì lạ và mộng tưởng lập dị với đam mê mạnh mẽ…".

Bác sĩ tâm thần, người đặt nền móng khoa phân tâm học, người áo Sigmund Freud (1856 - 1939) thì viết: "… là hiện thân hoàn hảo nhất cho sự đối lập thống trị đời sống tình cảm của người phụ nữ… Nụ cười Mona Lisa nằm trên đỉnh cao của cái tốt đẹp và xấu xa, lòng trắc ẩn và sự tàn khốc, sức cám dỗ và sự ngây thơ, cái hời hợt và sự vĩnh hằng…; có lẽ "Mona Lisa" là bức chân dung cho tâm hồn Leonardo…".

Nhà lý luận và nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Anh gốc Áo E.H. Gombrich (1909 - 1990) nói: "những đường viền mờ đi mà màu sắc êm dịu khiến hình này nhập vào một hình kia, điều luôn kích thích trí tưởng tượng của chúng ta…, tính biểu cảm ở đây dựa vào hai yếu tố: khoé miệng và đuôi mắt. Nó đã được Leonardo cân nhắc kĩ càng bằng cách để chúng hoà vào một bóng tối êm dịu. Đó là lý do vì sao chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng nàng Mona Lisa đang nhìn chúng ta với tâm trạng như thế nào…".

Vậy nàng Mona Lisa là ai?

Trước đây, sau mấy chục năm "Mona Lisa" "ra lò" và trở thành nổi tiếng, nhiều người "đoán già đoán non" về người đẹp trong tranh này theo ý riêng của mình.

Từ khi bức tranh ra đời và Leonardo da Vinci ở đỉnh vinh quang, những người được thưởng thức tuyệt tác này đã đặt câu hỏi: Mona Lisa là ai? Có người cho rằng, nàng là vợ của một nhà buôn tơ lụa giàu có ở Florence, nhưng không phải. Bởi, vì cớ gì mà người họa sĩ danh tiếng này lại phải đi vẽ chân dung một người vợ không có gì đáng chú ý của một nhà buôn kia?

Có một thông báo có vẻ đáng tin cậy đầu tiên về bức chân dung nổi tiếng này thuộc về người thư ký của vị Hồng y giáo chủ xứ Aragon là Antonio de Bietis. Tuy nhiên, trong đó không có một lời nào về Mona Lisa Joconde. De Bietis thăm xưởng vẽ của Leonardo không lâu trước khi vị họa sĩ từ trần và đã viết vào nhật ký rằng ông đã thấy "bức chân dung của quý bà xử Florence được vẽ truyền thần theo yêu cầu của "Giuliano Medichi". Nhưng Mona Lisa Joconde cũng không có mối quan hệ gì với vị Công tước Medichi đó.

Về sau các nhà khoa học đã lựa chọn một số ứng viên cho vai trò người mẫu này của Leonardo. ứng viên có triển vọng hơn tất cả là người phụ nữ "được giải phóng" đầu tiên của châu Âu thời đó - Nữ công tước Mantuise Isabella d'Este mà Leonardo đã kết thân và họ thường viết thư cho nhau. Khi ngắm nhìn bức chân dung của bà do Leonardo vẽ bút chì có thể thấy được sự tương đồng với bức tranh nổi tiếng tại Bảo tàng Louvre Paris (Pháp). Nhưng cũng không phải Isabella d'Este cũng không phải một bà giai nhân quý tộc nào khác có thể 'bén rể" được trong công chúng!

Điều được mọi người tin chắc và công nhận là từ sự khẳng định của nhà nghiên cứu nghệ thuật Vasari: Mona Lisa (1479 - 1542) là vợ của một luật gia giàu có trong giới thượng lưu ở Florence là Francesco del Jocondo (do vậy mà bức chân dung còn có tên "La Joconde" theo tiếng Italia). Nàng đi lấy chồng lúc 16 tuổi. Người chồng hơn nàng nhiều tuổi. Hai năm sau cái chết của đứa con gái, nàng đã ngồi làm mẫu cho Leonardo vẽ theo "đơn đặt hàng" của chồng - lúc đó nàng chưa tới tuổi 25. Dù cho Leonardo để ra gần 4 năm vẽ bức tranh, nhưng không hiểu vì lý do gì mà người chồng vẫn không muốn mua nó.

Năm 1515 vua Pháp là Francois Đệ nhất (1494 - 1547) lên ngôi, sau khi chiến thắng trong chiến tranh với Italia, đã đưa người họa sĩ tài danh này về Pháp. Với 4.000 Florin vàng - một cái giá cực cao thời đó, vị vua đã sở hữu tuyệt tác này. Từ đó "Mona Lisa" vĩnh viễn ở Bảo tàng Louvre của "Thủ đô ánh sáng" cho tới nay, chỉ ngoại trừ 2 năm bị mất cắp 1911 - 1913.

Các họa sĩ truyền thần "Mona Lisa" trên đường phố.

Năm 1984 tại Bảo tàng Mỹ thuật Pordan (bang Maine miền Đông nước Mỹ) có một bức "Mona Lisa không mỉm cười". Bằng các phương pháp khoa học, các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng đây cũng là bức chân dung nàng Mona Lisa do Leonardo vẽ vào năm 1503. Ngoài nét "không mỉm cười" thì hai người đẹp này chỉ là một, vì nàng "mỉm cười" rồi sau đó lại "không mỉm cười" là điều đơn giản, không có gì khó với nét vẽ của bậc thiên tài.

Những cách thưởng thức và "ăn theo" tuyệt tác

Napoleon Bonaparte (1769 - 1821) vào cái thời "làm mưa làm gió" châu Âu, đã từng treo nàng "Mona Lisa" trong phòng ở của mình để chiêm ngưỡng nàng sau những giờ luận bàn việc "quốc gia đại sự" căng thẳng. Các vị trong Văn phòng Tổng thống Pháp Charler de Gaulle (1890 - 1970) nói rằng, những khi gặp phải những điều gì hóc búa, khó giải, ông đến Bảo tàng Louvre để ngắm nhìn tuyệt tác của Leonardo cho đỡ căng thẳng đầu óc. Khi trở về, ông thấy tươi tỉnh và phấn chấn giải quyết công việc.

Một vài con số dưới đây nói lên được sự hâm mộ của du khách năm châu và người dân Pháp khi tới Paris. Năm 1989 khách tới Louvre dể ngắm nhìn "Mona Lisa" là 2,95 triệu lượt người; năm 1990 là hơn 4 triệu; chỉ một năm sau đó (1991) con số này đã là 6,34 triệu! Tuy nhiên, việc "nhân bản" tuyệt tác cũng thật đáng nói. Theo các nhà điều tra - nghiên cứu - thống kê văn hoá nghệ thuật thì hiện trên thế giới có khoảng 200 bức "La Ioconde" nhân bản. Riêng "bà đầm thép" - Cựu Thủ tướng Anh Quốc M.Thatcher có tới 4 bức này! bởi vì, như bà thú nhận: "Tôi rất yêu người đẹp này!".

Ngay từ thế kỷ XVII, một họa sĩ vô danh đã vẽ "Mona Lisa khỏa thân" sơn dầu trên vải toan. Hiện tác phẩm này được trưng bày tại Bảo tàng Hàn lâm thành phố Bergamo (Italia), được nhiều người say mê nghệ thuật bình phẩm.

Năm 1965, nhà kinh doanh Yan Foser đã đưa "Mona Lisa" vào lòng chiếc đĩa rồi đóng vào những hộp cá sardine. Được quảng cáo, cá hộp của ông bán "đắt như tôm tươi".

Năm 2002 người thợ kim hoàn kiêm họa sĩ Robert Silvers làm bức ảnh khảm bạc nàng Mona Lisa. Ông đã "sáng tác" lời ca tụng bức chân dung của mình từ 513 chi tiết tuyệt mĩ bằng bạc. Người ta rất thích thú ngắm nhìn sự "sáng tạo ăn theo" khéo tay và độc đáo của ông.

Ở một số nước, các nhà kinh doanh năng động tháo vát đã có nhiều sáng kiến đưa "nụ cười mỉm huyền bí" của nàng Mona Lisa vào các sản phẩm của mình: áo phông, giày, tất, diêm, nịt vú, calavát, máy hút bụi… để cuốn hút khách hàng. Hãng giày dép, y phục, trang sức "Roberter" của Italia từng "nhờ" Mona Lisa quảng cáo giày, calavát cho mình. Một công ty nước khoáng của Italia cũng nhờ "nụ cười huyền bí" này quảng cáo nước khoáng của mình khi bán qua Ai Cập, Libya và các nước Bắc Phi.

Năm 1994, được chiến thắng của đội tuyển Trường Đại học Viscosin tại thế vận hội quốc gia, họa sĩ Đennis Wimer đã vẽ bức chân dung của Mona Lisa (có "cải tiến" nhiều về trang phục) lên tường nhà kho của trường. Nhưng phổ biến nhất là các "họa sĩ đường phố" vào những ngày đẹp trời thường biến các hè phố làm "xưởng vẽ dã chiến" của mình để "truyền thần" lại nàng Mona Lisa từ những bức ảnh chụp màu phóng to. Khách dạo phố - nhất là các nam thanh nữ tú rất thích thú nhìn ngắm rồi mua tặng nhau…

Vậy là, được "trường sinh bất tử" qua bao thế kỷ, nàng Mona Lisa Joconde xinh đẹp với "nụ cười mỉm huyền bí" đã ra "sống" với đời thực, hoà nhập với người dân trên trần gian này… Và, "quả thật là nàng ngày càng đóng góp nhiều cho nền kinh tế thị trường ngày nay" - có người đã nói vui với ý ngợi khen như vậy

Nguyễn Hữu Dy
.
.
.