Lễ hội Yên Thế, Bắc Giang:

Tưởng nhớ người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám

Thứ Tư, 18/03/2009, 09:01
Từ ngày 15 đến 17/3 hàng năm, tại thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang diễn ra lễ hội Yên Thế để tưởng nhớ người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân đã làm nên một cuộc khởi nghĩa lịch sử, thể hiện tinh thần yêu nước quật cường chống giặc ngoại xâm.

Năm 2009, đúng vừa kỷ niệm 125 năm khởi nghĩa nông dân Yên Thế, lễ hội Yên Thế đã được tổ chức long trọng, hội tụ nhiều nét văn hoá đặc sắc, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch.

Ngay chiều 15/3, trên các trục đường từ trung tâm thị trấn Cầu Gồ đến các địa phương trong toàn huyện, người dân háo hức rủ nhau đi trẩy hội Yên Thế. Đến trung tâm huyện Yên Thế, du khách sẽ có được cảm giác như sống lại không khí rực lửa chiến đấu của nghĩa quân áo vải diễn ra cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi qua những con phố như phố Hoàng Hoa Thám, phố Bà Ba (Bà Ba Cẩn, vợ Đề Thám), phố Cả Trọng, Cả Dinh (tên các con của Đề Thám)…

Nằm trên ngọn đồi cao là Đền Thề, nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh giặc. Chính hội, ngày 16/3, các hoạt động văn hoá như cuộc thi người đẹp mặc trang phục dân tộc đẹp, giải vô địch bóng đá thanh niên, các hoạt động văn hoá tinh thần thông qua các lễ hội làng xã… diễn ra trên địa bàn toàn huyện Yên Thế.

Tại khu trung tâm thị trấn Cầu Gồ, nơi xây dựng tượng đài của người anh hùng Đề Thám, cũng đúng ngày 16/3 đã diễn ra màn tế cờ đặc sắc do Nhà hát tuồng Việt Nam thể hiện, ôn lại khí thế quật cường, một lòng vì nghĩa lớn và quyết tâm đến cùng chống kẻ thù xâm lược của nghĩa quân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám.

Kết thúc màn tế cờ là hoạt động phóng điểu, một hoạt động khơi dậy nét văn hoá truyền thống của ông cha cùng lễ dâng hương. Đại diện Báo Công an nhân dân đã đến dự lễ hội Yên Thế, dâng lẵng hoa và thắp hương tại tượng đài người anh hùng áo vải Đề Thám hoà chung cùng không khí của ngày hội của bà con nơi đây.

Một điều dễ nhận thấy là hội Yên Thế năm nay thu hút rất đông du khách trong và ngoại tỉnh. Không có con số thống kê chính xác nhưng lượng du khách phải lên đến hàng vạn người.

Vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh trật tự đem lại một lễ hội an toàn, văn minh cho người dân là một điều vô cùng quan trọng. Theo Thượng tá Dương Văn Sắc, Trưởng Công an huyện Yên Thế, để đảm bảo an toàn cho lễ hội Yên Thế, lực lượng Công an huyện đã huy động 60 cán bộ, chiến sỹ tham gia bảo vệ lễ hội.

Đặc biệt, đảm bảo an toàn giao thông cho khách tham gia lễ hội là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Bởi dọc lối đi quanh khu vực tượng đài Hoàng Hoa Thám, số lượng hàng quán bán bánh kẹo, đồ lưu niệm… rất nhiều. Người dân dễ có thói quen tràn ra đường vừa mua bán, vừa đi lại.

Hai tuyến đường vòng tránh là tuyến đường Bà Ba và tuyến đường Đồn Hom có chiều dài khoảng 5.000m đã hoàn thiện phần mặt đường. Việc xây dựng hai tuyến đường trên đã khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày lễ hội.

Cũng theo Thượng tá Dương Văn Sắc, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, lực lượng Công an luôn túc trực 24/24h đảm bảo an toàn cho lễ hội. Vì vậy, các hoạt động như trộm cắp, tổ chức đánh bạc… hầu như không diễn ra. Hội Yên Thế được đảm bảo diễn ra rất quy củ và tạo một không gian sinh hoạt văn hoá lành mạnh cho người dân.

Trước khi hội Yên Thế diễn ra, một hội thảo khoa học về việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hoá của phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã được tổ chức với nội dung hội thảo xoay quanh các phương hướng bảo tồn, nâng cao giá trị văn hoá lịch sử di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Hội thảo cũng đã đề xuất xây dựng đề án nâng cấp di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế cấp quốc gia. Với ý nghĩa lịch sử kỷ niệm 125 năm cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế năm 2009, lễ hội Yên Thế tiếp tục là dịp để người dân tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; giáo dục các thế hệ đi sau luôn nhớ đến công ơn của các vị anh hùng dân tộc.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế mãi là một dấu son, niềm tự hào của mỗi người dân Yên Thế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của toàn dân tộc

Nguyễn Hương
.
.
.