“Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông”

Chủ Nhật, 07/07/2013, 12:08
Niềm xúc động nghẹn ngào dâng lên khắp khán phòng của rạp Hồng Hà (Hà Nội) đêm cuối tuần 6/7, khi câu chuyện bi thương về hang Tám Cô được tái hiện trong vở “Hồn trinh nữ” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn) và được VTV1 truyền hình trực tiếp. Vở diễn như một món quà tri ân đặc biệt ý nghĩa, khi cả nước đang hướng về Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7 và lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất của các liệt sĩ tại hang Tám Cô vừa diễn ra cuối năm 2012.

Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn từng gây ấn tượng tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an do Bộ Công an tổ chức qua vở "Cuộc chiến không khoan nhượng", lại tiếp tục chinh phục người xem Thủ đô và khán giả màn ảnh nhỏ với “Hồn trinh nữ” (kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Hoàng Giang Châu, âm nhạc: NSƯT Trọng Đài, họa sĩ Doãn Bằng) hết sức xúc động.

NSƯT Trịnh Lê Văn, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ việc chọn “Hồn trinh nữ” cho chương trình Nhà hát Truyền hình lần này: Đây là một câu chuyện có thật, đặc biệt đau thương thời chiến, đủ làm xúc động bất cứ ai được nghe. Với diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, vở diễn đã chạm được đến trái tim người xem. Trong mặt bằng sân khấu hiện nay, một tác phẩm đạt cả về chất lượng kịch bản, dàn dựng và diễn xuất như thế quả không nhiều. Vì thế, chúng tôi muốn khán giả được thưởng thức trong dịp này. Đó cũng là tình cảm, niềm kính trọng trước sự hy sinh to lớn của lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước.

Vở diễn đã tái hiện khung cảnh hào hùng của Trường Sơn thời chống Mỹ với màu áo lính, những cuộc tiễn đưa lưu luyến, nhưng cũng đầy ắp tiếng cười đùa lạc quan âm vang trong rừng cây xanh sắc lá. Các chiến sĩ TNXP làm việc quên mình dưới mưa bom bão đạn để xe chở vũ khí, chở bộ đội ra mặt trận, đưa thương binh về hậu tuyến. Cuộc sống thiếu thốn, vất vả, hy sinh cận kề song họ vẫn tươi trẻ lạc quan. Bản năng làm mẹ, làm phụ nữ của họ chợt bị đánh thức khi có sự xuất hiện của một em bé được cứu trong một trận bom. Cả 8 cô trinh nữ bỗng khao khát một bàn tay vuốt ve mái tóc, một vòng tay ôm, một nụ hôn đàn ông, để họ được làm tròn chức phận đàn bà… Họ cũng mơ ước hết chiến tranh để làm một trang trại nuôi gia súc, sống yên bình với mẹ già, hay tiếp tục học đại học, trở thành kỹ sư, làm giàu cho những cánh đồng 5 tấn, người ước sẽ thành nhà thơ… Nhưng họ đều hiểu, chiến tranh không cho phép họ mềm lòng, và họ cùng gạt nước mắt để đối diện với thực tại, tiếp tục dũng cảm ngày ngày phá bom, bảo vệ an toàn con đường ra tiền tuyến.

Cảnh trong vở “Hồn trinh nữ” của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn.

Đạo diễn Hoàng Giang Châu đã rất thành công khi làm bật lên được cuộc sống của các nữ TNXP tuổi 20 ngày ấy: vừa nhí nhảnh, tinh nghịch, vừa rất giàu tình cảm với đồng đội, nhân dân, nhưng cũng vô cùng kiên cường khi đối mặt với đạn bom. Những phút cuối cùng trong hang đá, các chiến sĩ TNXP vẫn đoàn kết thương yêu và tin tưởng đồng đội. Hoàng Giang Châu đã tạo được nhiều đất diễn, để các diễn viên thể hiện được tâm lý đa dạng của tập thể các nhân vật. Ông cũng chọn được nhiều chi tiết đắt giá làm điểm nhấn: cảnh những bàn tay quằn quại trong hang tối khi phải đón đợi cái chết, hay cảnh các cô gái ôm nhau khóc, khi bản năng thức dậy, khiến nhiều người không giấu nổi sự nghẹn ngào vì thương cảm, xót xa…

Các nghệ sĩ Văn Thành, NSƯT Kim Cúc, Phương Hải, Ngọc Lan, Lê Xuyến, Thu Thủy, Nguyễn Hồng, Trần Ánh, Tất Thanh… đã thuyết phục người xem bằng diễn xuất có chiều sâu, thể hiện đầy đủ tâm lý của các nữ TNXP tuổi xuân thì giữa thời chiến, để chuyển tải trọn vẹn niềm xúc động đến từng trái tim. Không ít người phải lau nước mắt giữa buổi diễn, đã cho thấy thành công của các nghệ sĩ, diễn viên khi kể một câu chuyện bằng lối diễn chân thực, giàu cảm xúc.

Là họa sĩ có kinh nghiệm trong nhiều vở diễn lớn nhỏ của nhiều đơn vị nghệ thuật, họa sĩ Doãn Bằng thêm một lần góp phần không nhỏ cho “Hồn trinh nữ” bằng thiết kế độc đáo, ấn tượng và nhiều ý nghĩa, phản ánh đúng không gian, cảnh quan Trường Sơn ngày đánh Mỹ.

Mang đề tài thời chiến, nhưng điều đặc biệt của “Hồn trinh nữ” là, thay vì phản ánh sự khốc liệt của chiến trận như nhiều vở khác, đã khai thác sâu tâm lý nhân vật, để làm nên sự ám ảnh cho người xem về một câu chuyện bi hùng trong quá khứ chưa bao giờ nguôi phai trong lòng dân tộc.

Cảm kích trước sự hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ, Anh hùng Lao động, GS. Vũ Khiêu đã viết ở đền tưởng niệm: “Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông/Đường trăm trận xá gì sống chết/Tỏ cùng trời đất tấm trung can/Dãi với non sông bầu nhiệt huyết... Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn/Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt.”

“Hồn trinh nữ” tái hiện cuộc sống và cái chết bi hùng của đội TNXP ở hang Tám Cô (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). 8 nữ TNXP đều quê ở Thanh Hóa đã sống ở đây, làm nhiệm vụ bảo vệ con đường huyết mạch mang tên tuổi 20. Ngày 14/11/1972, bom Mỹ đánh vào đường 20, 4 nữ TNXP và 4 nam vừa được bổ sung (anh lớn tuổi nhất 37 tuổi, còn lại tuổi từ 18 - 20) đã nấp trong hang đá nhỏ bé này và một tảng đá rất lớn đã bịt chặt cửa hang. Đồng đội tìm mọi cách để cứu họ, nhưng vô vọng. 9 ngày sau, tiếng nói cuối cùng trong hang không còn vọng ra nữa. Dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn (1959-2009), tập thể liệt sĩ 8 TNXP hy sinh tại hang Tám Cô đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nơi đây đã trở thành Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

Thanh Hằng
.
.
.