Tưng bừng ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Khmer

Thứ Sáu, 08/04/2005, 16:19
Ngay từ sáng sớm, người dân từ các phum sóc đã kéo về chật cứng hai bên bờ sông Long Bình (thị xã Trà Vinh) để chứng kiến cuộc đua ghe ngo - một môn thể thao độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Cuộc đua năm nay có 8 đội tham gia đến từ khu vực ĐBSCL là: Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long. Thông qua môn thể thao này, các đội thể hiện được sức mạnh, sự dẻo dai và tinh thần đoàn kết của một tập thể 60 người (vận động viên). Sau 3 giờ thi đấu quyết liệt, dưới sự cổ vũ nhiệt tình của gần 30.000 người bên hai bờ sông Long Bình, đội ghe ngo Sóc Trăng đã đoạt giải nhất một cách thuyết phục.

Đêm 6/4, Ngày hội văn hoá - thể thao dân tộc Khmer Nam Bộ lần thứ 3 đã khai mạc tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Trà Vinh. Đến dự lễ khai mạc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các vị sư sãi, chức sắc tôn giáo cùng 1.800 diễn viên, nghệ nhân, vận động viên là người Khmer của 11 tỉnh, thành ĐBSCL và Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Đinh Quang Ngữ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin cho biết: "Ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Khmer là một hoạt động văn hoá lớn, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào Khmer Nam Bộ, thể hiện tính quần chúng, tính sáng tạo nghệ thuật độc đáo do chính các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên người Khmer thể hiện”.

Trong 4 ngày diễn ra lễ hội, hàng loạt các hoạt động văn hoá thể thao khác cũng diễn ra như: kéo co, cờ ốc, đẩy gậy, thi trang phục dân tộc, ẩm thực, hát Dùkê, rôbăm, sa răm… Lễ tết của đồng bào Khmer mang tính cộng đồng cao, đậm nét vùng sông rạch ven biển và núi thấp. Tiêu biểu là Tết Chôlchnamthơmây (Tết đón năm mới), lễ Đonta (xá tội vong nhân), lễ Oóc-om-bóc (lễ cúng trăng)… Đây là những dịp văn hoá Khmer Nam Bộ được thể hiện sinh động và sâu sắc nhất.

Ngoài các hoạt động văn hoá thể thao, mỗi tỉnh còn trưng bày một gian triển lãm về bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục dân tộc, hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, mô hình kiến trúc nhà ở, chùa… Qua đó, thể hiện một cách rõ nét bản sắc văn hoá của người Khmer trong sự thống nhất của nền văn hoá Việt Nam.

Bà Sơn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phấn khởi cho biết: "Nhân dân Trà Vinh, đặc biệt là đồng bào Khmer rất vinh dự khi được Bộ Văn hóa - Thông tin chọn đăng cai ngày hội này. Càng có ý nghĩa hơn khi ngày hội văn hoá thể thao Khmer diễn ra gần với lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và Tết Chôlchnamthơmây". Nhìn chung, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. ở Trà Vinh, hệ thống đường giao thông được xây dựng đến tận phum sóc, trên 80% hộ dân được sử dụng điện, gần 90% hộ được sử dụng nước sạch…

Để đảm bảo an ninh trật tự cho ngày hội, Công an tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng tham gia bảo vệ lễ hội. Trong đó chú trọng công tác nắm tình hình, chủ động kết hợp với các ngành liên quan trong việc giữ gìn an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội

Nam Thơ
.
.
.