Tuấn Quang: Nhiều khi khán giả gọi tôi là cảnh sát hình sự

Thứ Tư, 21/06/2006, 08:20

“Khoác lên mình tấm áo người chiến sĩ CAND thấy mình chững chạc hẳn lên. Tôi rất vui khi nhiều khán giả nhận ra mình và gọi mình là cảnh sát hình sự. Nhiều khi chính nhân vật trong vai diễn là chỗ dựa cho cuộc đời mình. Đó chính là động lực giúp tôi có thể hoàn thành tốt hơn những vai diễn về người chiến sĩ CAND”, Tuấn Quang tâm sự.

Tốt nghiệp trung học phổ thông, Tuấn Quang cũng đã có ý định thi vào Đại học An ninh nhân dân nhưng đột nhiên có cậu bạn rủ đi thi trung cấp nghệ thuật. Anh đã đồng ý thi và may mắn đỗ. Thời gian học ở trường đó, Tuấn Quang đã được đạo diễn mời đi làm phim với một vai quần chúng để giúp anh làm quen với điện ảnh. Rồi gặp dịp Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) mới thành lập, Tuấn Quang đã được đạo diễn Khải Hưng chọn đóng phim “Điệp khúc tình yêu”. Thế là sau đó, Tuấn Quang đã liên tiếp làm nhiều phim của các đạo diễn VFC. Hầu như VFC làm được 10 phim thì  đến 8 phim là có vai của Tuấn Quang.

Học xong trung cấp nghệ thuật, Tuấn Quang đầu quân về Nhà hát kịch Hà Nội. Nhờ có một ngoại hình rất chững chạc, vẻ mặt hiền hậu nên anh thường được các đạo diễn chọn đóng những vai chính diện. Hiện nay, tính cả điện ảnh, phim truyền hình cũng như trên sân khấu anh đã đóng khoảng 300 tập phim. Riêng xêri phim “Cảnh sát hình sự” đã có tới 60 tập.

Vai diễn công an đầu tiên của Tuấn Quang là một vai trong phim “Chuyện làng Nhô” của đạo diễn Đặng Nhật Bảo. Những vai diễn công an sau này trong các phim “Cảnh sát hình sự” như “Cổ cồn trắng”, “Cô gái đến từ Băng Cốc”, “Lãnh địa đen”, “Thế giới không có đàn bà”... và phim TH “Mạnh hơn công lý” (đạo diễn Nguyễn Quang) từng giật giải cho phim về công an trong lễ trao giải “Cánh diều vàng 2005”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có những người thân làm công an nên Tuấn Quang đã có những lợi thế không phải diễn viên nào cũng có được. Anh đã hóa thân vào những vai công an hết sức tự nhiên. Theo lời anh thì người chiến sĩ công an nhân dân cũng là gương mặt của đời thường. Họ trước hết cũng là một con người bình thường. Nhưng anh không lệ thuộc vào bản năng trời cho ấy. Để vào những vai công an liên tiếp trong các phim khác nhau của xêri “Cảnh sát hình sự” anh đã phải học hỏi tác phong, nắm rõ một số nghiệp vụ của công an, tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân trong việc tác nghiệp trên phim để có được sự đa dạng trong từng vai diễn. 

Kỷ niệm sâu sắc nhất đã ám ảnh Tuấn Quang trong nhiều lần đóng vai công an là những pha tập võ. Người thầy vốn là dân võ chính cống không biết “diễn” mà cứ “thượng cẳng tay” đánh anh thật. Ông dùng đôi tay rắn chắc của mình nắm chân anh hất ngược lên rồi đập đầu xuống đất. Thời gian tập thì không nói làm gì nhưng khi quay phải ngót đến 30 lần mới xong.

Sau phim đó, Tuấn Quang bị giãn cơ liên sườn ở sau lưng phải nằm nhà một tháng. Ngày nào cũng phải bóp thuốc đến sợ người. Mặc dù bị đau lâu như vậy nhưng lúc đọc được kịch bản hay, chưa làm đã thấy hay rồi của phim khác trong “Cảnh sát hình sự” nên khi được đạo diễn mời anh đã nhận tiếp vai công an khác.

Bộ phim mà Tuấn Quang cảm thấy đóng vất vả nhất là “Lãnh địa đen” của đạo diễn Mai Hồng Phong. Ở phim đó anh trong vai Trọng, một chiến sĩ công an nằm vùng đã phải đóng giả làm người đạp xích lô, người bốc xếp hàng để chui vào trong hàng ngũ của bọn Khánh “trắng”. Khi đóng giả như thế, Trọng cũng bị bắt nạt, bị đánh nhưng vẫn nín nhịn để hoàn thành nhiệm vụ. Anh nói phim đấy tất cả đều vất vả chứ không riêng gì anh. Hơn một tháng trời chỉ ở ngoài chợ Long Biên đúng vào những ngày nắng tháng bảy. Có hôm bấm máy chạy từ tám giờ sáng đến sáu giờ tối chỉ có chạy, đuổi, bắt rồi chạy đi chạy lại. Đến ngày hôm sau không còn sức mà đi quay tiếp nữa.   

Tôi hỏi Tuấn Quang: “Hình như khán giả đã quá quen với gương mặt và diễn xuất của anh trong những vai chính diện?”. Anh nói: “Chắc bạn không xem nhiều vai diễn của mình trên màn ảnh nhỏ. Có hai phim tôi được giao vai “lệch”. Ở phim “Lời thề Hypôgrat”, tôi vào vai một bác sĩ phụ khoa đi học nước ngoài về. Do sự tác động cơ chế thị trường, anh bác sĩ đã mở phòng mạch riêng rồi làm chết người. Phim ấy tôi đóng đạt quá nên bị người ta “ghét” lắm. Đến phim “Vượt qua thử thách” (20 tập) thu tiếng đồng bộ của VFC, tôi vào vai một kẻ ham mê cờ bạc, cá độ phải vay mượn, nợ nần chồng chất nên bị bọn xấu bắt cóc con gái và ép phải phạm tội”.

Có thể nói, diễn viên Tuấn Quang đã thành công khi hóa thân vào những vai diễn dù là chính diện hay phản diện. Anh tâm sự: “Khoác lên mình tấm áo người chién sĩ CAND thấy mình chững chạc hẳn lên. Tôi rất vui khi đi vào quán khán giả nhận ra mình và gọi mình là cảnh sát hình sự. Nhiều khi chính nhân vật trong vai diễn là chỗ dựa cho cuộc đời mình. Đó chính là động lực giúp tôi có thể hoàn thành tốt hơn những vai diễn về người chiến sĩ CAND cả trên sân khấu và điện ảnh”

Thanh Thuận
.
.
.