Ghi ở Liên hoan sân khấu toàn quốc về ‘Hình tượng người chiến sỹ CAND’ lần thứ III -2015:

Từ tình cảm với người chiến sĩ Công an tới tình yêu với sân khấu

Thứ Hai, 31/08/2015, 10:54
Một trong những thành công ở Liên hoan sân khấu toàn quốc (LHSKTQ) về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ III, là các buổi diễn đều thu hút khá đông khán giả, đặc biệt những suất diễn tối không khi nào trống ghế. Điều này chứng tỏ, những vở diễn về đề tài người chiến sĩ Công an ngày càng được công chúng quan tâm. Cũng bởi, Liên hoan ngày càng hội tụ các tên tuổi của sân khấu, từ biên kịch, đạo diễn, đến các diễn viên và các vở diễn cũng ngày càng chất lượng.

1. Điều đầu tiên khiến nhiều người khá bất ngờ là, các vở cải lương lại rất đông khán giả. Có vẻ như ý kiến về việc cải lương không có “đất” dụng võ ở phía Bắc, là không đúng. Vấn đề là cải lương có hay,  hoặc không hay mà thôi. Vở “Nguồn sáng phía chân trời” của Nhà hát Cải lương Hà Nội dù diễn vào buổi sáng – vốn không thích hợp cho cải lương -vẫn thu hút người xem.

Hơn thế, những tràng pháo tay dành cho các nghệ sĩ sau mỗi lớp diễn, cảnh diễn thành công, cho thấy tình yêu nồng nhiệt của khán giả đối với nghệ thuật đặc chất nam  bộ này. Đêm diễn vở cải lương “Cũng là tình yêu” của Đoàn Văn công Đồng Tháp, đã rất nhiều người phải ngồi xem trên các bậc thang dọc lối đi vì hết ghế.

Rời Hà Nội rồi mà nghệ sĩ Minh Mẫn, Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp, vẫn nguyên vẹn cảm giác lâng lâng: “Đêm diễn “Cũng là tình yêu”, tôi đứng ở cửa xem lượng khán giả và không thể nói hết niềm vui khi mới 20h15, đã thấy bảo vệ đóng cửa, vì hết ghế. Từng tham gia LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ II, nên tôi hiểu tâm lý khán giả Hà Nội -vốn được coi là kỹ tính- rất lịch sự, chăm chú nghe từng câu từng chữ, nếu nói hay, hát hay đều vỗ tay, chứ không chỉ khi nghệ sĩ xuống câu, hoặc hài hước mới vỗ tay. Vẫn biết khán giả Hà Nội yêu cải lương, nhưng tấm lòng khán giả dành cho đoàn thật bất ngờ.

Trước khi đêm diễn bắt đầu, một cụ già râu tóc bạc phơ đến lật xem từng tấm trang trí của vở rất tâm đắc. Đặc biệt, trước giờ diễn, một khán giả tìm gặp tôi và tặng một cây hoa kết bằng những hạt đá lấp lánh rất đẹp, bày tỏ tình yêu với cải lương. Sự ủng hộ nhiệt tình của công chúng Thủ đô khiến buổi diễn kết thúc, chúng tôi vẫn ngồi bên nhau tới gần sáng để chia sẻ niềm vui ngập tràn. Thú thật là đến giờ, chúng tôi vẫn chưa hết vui sướng vì thành công tại Liên hoan, khi vở diễn cùng 2 diễn viên đều giành giải vàng”.

Hai cha con trong vở “Cũng là tình yêu” của Đoàn Văn công Đồng Tháp.

2. Góp mặt vào thành công của Liên hoan, cùng với đội ngũ đạo diễn, biên kịch sáng giá, là sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi, mà chỉ cái tên, đã tạo nên sức hút cho vở diễn: NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân, NSƯT Mỹ Uyên, danh hài Minh Nhí, “hot boy” Huy Khánh … Đương nhiên, họ đều rất đắt “show” đóng phim, gameshow, biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật v.v… Nhưng họ đều chấp nhận hy sinh bằng cách từ chối những lời mời đóng phim, các show diễn, hoặc thay đổi lịch chạy show, lịch đóng phim, để dự Liên hoan.

Diễn viên điện ảnh Huy Khánh khi nhận lời ông thầy đạo diễn Huy Thục vào vai chính trong vở “Bông hồng vàng”, đã phải từ chối nhiều dự án phim. Để “trả nợ” cho bộ phim đang đóng dở, ngày nào cũng vậy, sau khi đóng phim ở Bình Thuận- Phan Thiết, chiều tối Huy Khánh lại lên xe đò về Sài Gòn, để kịp nửa đêm bắt đầu tập vở. Tập xong đã 5h sáng, anh lại vội lên xe đò trở lại trường quay và thời gian trên chặng đường 200km mới là lúc anh được ngủ.

Vất vả là thế, nhưng cả đạo diễn, biên kịch, lẫn diễn viên đều tự nguyện không nhận catse để tập trung cho vở diễn dự Liên hoan. Huy Khánh còn phải xếp lại rất nhiều chương trình để bay ra Hà Nội sát giờ diễn. Anh chia sẻ: Nếu không vì đề tài của Liên hoan mà anh thích, cũng như nể đạo diễn Phạm Huy Thục, chắc anh không tham dự vì không có thời gian.

Chính niềm đam mê sân khấu cùng những giọt mồ hôi lao động nghệ thuật suốt 3 tháng ròng rã tập luyện, đã gom nên thành công, để Huy Khánh mang về giải Diễn viên đóng vai Công an hay nhất.

Là danh hài nổi tiếng, lịch diễn của Minh Nhí cũng dày đặc, cả ở trong nước và nước ngoài. Nhưng khi được “bà bầu” Hồng Vân mời, lại với lời đề nghị “giờ anh lớn tuổi rồi, không đóng hài nữa, mà thử vai Công an và bộ đội chững chạc xem sao”, Minh Nhí cũng thấy thú vị, nên tạm xếp các lịch diễn khác lại, chấp nhận một sự hy sinh không nhỏ về kinh tế. Huy chương vàng với vở “Người đàn bà uống rượu” là phần thưởng xứng đáng cho Minh Nhí trong sự hy sinh và “lột xác” về vai diễn này.

NSƯT Mỹ Uyên đang đóng dở bộ phim “Ngọn nến trong đêm”, cũng đành bị đạo diễn Khải Anh trách móc, khi lùi lịch đóng phim để dự Liên hoan. Mỹ Uyên tâm sự: “Thú thực là các nghệ sĩ Sài Gòn rất ngại đi diễn xa, vì đều có khách quen tại các điểm diễn, nên bỏ đi vài ngày là lo khán giả “bỏ quên” mình. Chưa kể, các hợp đồng đã ký mà bỏ đi là vô cùng khó …” Hai ngôi sao cải lương Minh Trường, Mỹ Vân cũng phải bỏ hàng chục show diễn ở Sài Gòn, để tập luyện rồi lại ra Hà Nội dự Liên hoan. NSƯT Thúy Hiền cũng đều phải bớt show, hoặc thay lịch diễn kịch, lịch đóng phim, để đến với Liên hoan. Nhưng, giải vàng dành cho họ, đã cho thấy, sự hy sinh đã được đền bù.

Chỉ có niềm đam mê sân khấu, tình yêu với đề tài người chiến sĩ Công an, mới khiến các nghệ sĩ bỏ nhiều thời gian, tâm sức và cả tiền bạc, để tập luyện, rồi bay ra Hà Nội chỉ cho một suất diễn. Tấm lòng của họ, quả thật vô cùng đáng trân trọng, bởi với các vai diễn, họ đã góp phần không nhỏ cho thành công của Liên hoan.

3. Có nhiều điều diễn ra phía sau cánh gà – nơi mà những giọt mồ hôi lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ tuôn chảy nhiều nhất – rất đáng trân trọng mà không phải ai cũng biết. Dù là ngôi sao màn bạc, ngôi sao sân khấu, hay những diễn viên mới vào nghề, các nghệ sĩ dự Liên hoan đều có chung niềm đam mê nghệ thuật, để chấp nhận những khó khăn.

Bắt đầu từ khi khai mạc, đêm nào Nhà hát Âu Cơ cũng sáng đèn 24/24, bởi ngoài lịch diễn 2 vở/ngày, các đoàn đều tranh thủ tập luyện. Vì thế, đặt chân đến Hà Nội là các diễn viên đều thức khuya, dậy sớm tập cho đến sát giờ mở màn. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ phải thức trắng đêm để luyện, sáng ra là đến giờ diễn, thế là chỉ kịp tranh thủ ăn bát mì tôm, rồi vội vàng trang điểm, thay đồ. Nhìn các nghệ sĩ trên sân khấu với đủ các trang phục sang trọng, có mấy ai biết được những giờ phút họ thức trắng luyện tập sau cả chặng đường hàng nghìn km đi lại vất vả, ăn uống kham khổ? Có chứng kiến những cảnh hậu trường như thế, mới hiểu và cảm phục nghị lực, sức chịu đựng và nhất là niềm đam mê sân khấu luôn đầy ắp trong tim các nghệ sĩ.

4. Các nghệ sĩ nổi tiếng thường đã “kinh qua” đủ mọi loại vai, bước lên không biết bao nhiêu sân khấu trong và ngoài nước, vậy mà khi lần đầu vào vai Công an, hoặc lần đầu tham gia LHSKTQ về “Hình tượng người chiến sỹ CAND”, đều bị cảm giác hồi hộp, căng thẳng đè nặng, hệt như khi nhận vai diễn đầu đời. Người viết bài này quả thật đã rất ngạc nhiên khi thấy danh hài Minh Nhí, diễn viên điện ảnh Huy Khánh, Mỹ Uyên, Diệu Đức, Minh Luân v.v… có chung tâm trạng đó. Có lẽ, điều này chỉ có ở các nghệ sĩ tâm huyết với nghề, coi Liên hoan là một sân chơi chuyên nghiệp mà họ khát khao tham dự để thể hiện tài năng, chứ không phải dự để mà dự.

5. Điều ghi nhận ở Liên hoan lần này còn là nhiều vở diễn vừa đạt được yêu cầu về đề tài, vừa bán được vé, khi các đơn vị đã chọn được các kịch bản hay, đạo diễn giỏi cùng dàn diễn viên ăn khách để dàn dựng phù hợp với nhu cầu khán giả. Các vở “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Dư chấn” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Chuyên án 292” của sân khấu Hồng Vân, “Phía sau tội ác” của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP Hồ Chí Minh, “Cũng là tình yêu” của Đoàn Văn công Đồng Tháp v.v… đều là những vở diễn ăn khách cả trước và sau khi Liên hoan diễn ra.  

Thanh Hằng
.
.
.