Tử tế Bùi Bài Bình

Thứ Hai, 05/09/2011, 17:10
Áo phông, quần vải, giày bệt và chiếc điện thoại cũ kỹ con trai mua cách đây chừng… 4 năm, NSƯT Bùi Bài Bình ngồi trầm tư ở một góc quán nhỏ cạnh nhà tang lễ Phùng Hưng. Anh vừa cùng đồng nghiệp vào viếng diễn viên Hồng Sơn.
Nỗi buồn vẫn còn trĩu nặng, khiến Bùi Bài Bình trở nên lơ đãng, ngơ ngác. Thỉnh thoảng đám bạn của Bùi Bài Bình lại ghé qua, trách, sao gọi điện cho ông mãi mà chả nghe máy, Bùi Bài Bình chỉ cười. Nụ cười cũng có phần méo mó.

1. Chuyện Bùi Bài Bình không nghe điện thoại cũng là thường tình. Vì anh luôn để ở chế độ im lặng, hoặc lâu lâu mới giở ra. Bạn bè cần việc gì, hay không phải thân tình, chỉ còn cách, đến ngồi chờ ở quán cà phê 40 Đoàn Trần Nghiệp của vợ chồng anh, may ra mới gặp. Còn hẹn hò trên điện thoại với Bùi Bài Bình rất khó.

Không phải vì Bùi Bài Bình kiêu căng, ngạo đời, mà anh chả để ý đến chuyện gì ngoài phim ảnh. Nếu là đang đóng phim hay đi theo đoàn làm phim, thì thôi nhé, toàn bộ tâm trí Bình đều dành cho nó.

Bình vừa cắt xoẹt mái tóc dài mà có lần anh nói, 10 người gặp thì 9 người chê. Cũng không vì thiên hạ khen chê mà cắt, vì tính Bình là vậy, sống đâu cần biết mọi người nghĩ gì. Hơi đâu mà đi chiều theo ý nghĩ của thiên hạ. Để chơi chơi, lâu ngày thấy chán nên thay đổi.

Nhưng thực ra Bình là người ít thay đổi, nhất là cái vẻ bề ngoài. Vẫn cái dáng cao dong dỏng, da ngăm ngăm, gầy guộc, và khuôn mặt góc cạnh của Bình từ bao năm nay. Ăn mặc thì chả trau chuốt một chút nào, nếu không muốn nói là giản đơn đến mức tuềnh toàng. Mộc mạc và xù xì không một chút tô vẽ, Bùi Bài Bình đang sống an nhiên giữa đời.

Dạo này Bình đi miết, từ 6h sáng, khi đường Hà Nội còn thưa thớt bóng người, về nhà, 10h đêm mệt rã rời, ngủ vùi, và đến sáng hôm sau lại bắt đầu hành trình đó. Thế mà anh không thấy mệt, giọng nói vẫn sang sảng, Bình bảo, ngồi ở nhà chồn chân không chịu được.

Không có việc gì làm thì đi chơi chơi cho vui. Nhưng cái kiểu đi chơi chơi của anh, cũng có chọn lọc và ra việc đấy. Đâu phải bây giờ anh mới làm phó đạo diễn, mà Bùi Bài Bình có thâm niên làm phó từ những năm 1984-1985 khi anh theo chân đạo diễn Trần Phương đi khắp nơi. Nó như một thú mê, càng đi càng bị cuốn hút.

Thâm niên đó, cùng với khả năng diễn xuất tài năng của anh, đã đủ điều kiện cho Bùi Bài Bình làm một cú rẽ ngang ngoạn mục. Thế nhưng, sau 20 năm, Bùi Bài Bình vẫn lựa chọn một vị trí an toàn, phó đạo diễn cho những bộ phim anh thích, hay những êkip làm phim hợp cạ.

Nhiều người bảo Bình khôn ngoan. Còn anh thì có vẻ lơ ngơ không hiểu, mình khôn ở chỗ nào. Người bảo anh khôn, vì anh chọn sự an toàn, anh không dám bứt phá hay mạo hiểm.

Còn Bùi Bài Bình có lý riêng của mình. Chỉ đơn giản, anh mê làm diễn viên. Trong cuộc đời, mỗi người đều có một sự lựa chọn riêng, chả ai giống ai. Bạn bè Khóa 2 lớp diễn viên điện ảnh, riêng đám con trai, giờ đã thành đạo diễn hết, nào Đào Bá Sơn, Vũ Đình Thân…

Còn với Bình, anh mê nghiệp diễn, và anh không muốn từ bỏ nó. Bình chỉ nói một câu rất khéo: "Nghề đạo diễn khó lắm, không phải ai cũng làm được. Tôi thì chỉ làm phó thôi, làm phó sướng hơn". Cái khôn của Bình phải chăng là anh không bao giờ chịu thỏa hiệp với chính mình, và biết mình đang ở đâu. Bình không ảo tưởng về chính mình.

Bởi diễn viên hay đạo diễn rất dễ đánh mất mình, cái ranh giới đó, mong manh lắm, giữ được nó vô cùng khó. Rồi Bùi Bài Bình kể say sưa về công việc hiện tại của mình. Mặc dù chỉ là phó đạo diễn, công việc hoàn toàn phụ thuộc vào đoàn, hôm nay bảo đi chỗ này, ngày mai bảo đi chỗ kia, hoàn toàn không được chủ động. Nhưng Bình chả lấy đó làm điều.

Với công việc, anh là người vô tư, và trong sáng. Bình chọn Chiến hạm nổ tung (đạo diễn Long Vân) vì bối cảnh phim rất gần với cuộc sống của anh. Đó là Hà Nội những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trở về trong những câu chuyện kể của mẹ, của bà hồi nhỏ anh đã được nghe. Và đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ không khí của thời đó.

Anh biết, người ta bán hàng gì vào buổi sáng, hay buổi tối; hay thời đó phụ nữ mặc gì. Làm phó cũng có cái hay của nó, vì anh có thời gian để tâm vào những tiểu tiết, uốn nắn cho diễn viên từng cử chỉ, hành động, không quá mệt mỏi vì gánh nặng đầu tàu, mà lại có thời gian dành cho những điều mình tâm huyết.

2. Sau thành công của vai Khuếnh và Tòng trong Ma làngGió làng Kình, có lẽ đây là một khoảng lặng nữa trong nghiệp diễn của anh. Thỉnh thoảng Bùi Bài Bình vẫn xuất hiện ở những vai ngắn, như trong bộ phim Trần Thủ Độ, hay Long Thành cầm giả ca.

Nhưng chưa phim nào thoát khỏi cái bóng của Mùa ổi, hay loạt phim truyền hình đã làm nên tên tuổi anh. Đối với Bùi Bài Bình, quan niệm về nghề diễn, không phải là vai phụ hay chính mà vai đó có thực sự ấn tượng hay không. Lại một khoảng lặng để khán giả có quyền chờ đợi và hy vọng ở sự bứt phá của anh chăng. Bình cũng không dám chắc.

Anh không còn trẻ nữa. Ngôi nhà số 4 Thụy Khuê, cũng chỉ còn trong ký ức. Đám bạn bè anh từ khi Hãng phim Truyện chuyển đổi sang cơ chế thị trường, người bị cắt lương, người xin nghỉ hưu non, tan tác cả. Năm ngoái, Bùi Bài Bình và Ngọc Thu cũng làm hồ sơ về hưu.

Chứ lên đó, ngồi nhìn nhau uống nước chè chán rồi về, lại thấy buồn thêm. Nhưng không thể bỏ điện ảnh mà đi buôn như lần Bình đã "liều thân như chẳng có". Anh mê nghề diễn, thế hệ anh coi đó là một thánh đường, mà mỗi lần bước vào trường quay cũng không hết hồi hộp, run rẩy. Điều mà anh ít tìm thấy ở những diễn viên trẻ bây giờ.

Rồi anh say sưa nói về Mùa ổi, về những thước phim mà anh vào vai bộ đội như một kỷ niệm nào đó đã xa lắm rồi. Hình như, ở đó còn có chút nuối tiếc, của những ước mơ chưa thành, những dự định còn dang dở…

Bùi Bài Bình trong phim "Ma làng 2".

Và hai chữ "ngày xưa", trở thành điệp khúc trong câu chuyện kể của anh, mà không chỉ anh, câu chuyện của cả một thế hệ đã gần như lùi vào quá khứ. Ma làng 2 cũng đang chuẩn bị những thước quay đầu tiên, thì Hồng  Sơn mất, không có Hồng Sơn, không có cả Bùi Bài Bình, thì làm sao có sức sống của Ma làng.

Bình nói, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đang muốn biến anh thành một con ma trở lại trong phim Ma làng. Thế mới biết, sức ảnh hưởng ghê gớm của những vai diễn đã ăn sâu vào lòng công chúng, đối với người nghệ sĩ, đó cũng là một niềm hạnh phúc.

Ngôi nhà, và cũng là quán cà phê, của Bùi Bài Bình nằm ở phố Đoàn Trần Nghiệp. Hơn 10 năm nay vẫn thế. Ngôi nhà ẩn mình trong cái vẻ xưa cũ và có phần lặng lẽ. Mấy bộ bàn ghế, những bức tường loang lổ, và cả cái không gian chật hẹp.

Qua bao vật đổi sao dời, nhưng ngôi nhà và góc quán của anh vẫn vậy, cũ kỹ, thô mộc và giản đơn như chính chủ nhân của nó. Bình bảo, nếu không có quán cà phê thì cả nhà anh chết đói. Nuôi con cái, mua nhà cửa cũng từ quán cà phê nhỏ bé ấy. Chứ trông chờ vào đồng lương diễn viên còm cõi của anh, hay tiền cát xê mỗi ngày 200 ngàn đồng, chỉ đủ Bình uống bia, giao đãi bạn bè. Mọi việc gia đình, đều một tay chị Ngọc Thu lo vén.

Có một dạo, không đóng phim, người ta thấy Bùi Bài Bình xách một chiếc cặp ra dáng một thương gia, đến làm việc tại một khách sạn gần nhà. Công việc chính là giúp chủ khách sạn đo đếm lượng khách vào ra. Thế rồi bỗng dưng, một thời gian sau, Bình về quẳng xoẹt chiếc cặp xuống nhà, và coi như đoạn tuyệt với "sự nghiệp" đi kiếm tiền.

Ở đời ai mà chả có ham muốn, cả tiền bạc lẫn danh vọng. Bình cũng vậy thôi. Nhưng anh bảo, trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu thôi, có cố cũng không được. Nên riêng về chuyện này, thì Bùi Bài Bình lại thỏa hiệp với chính mình. Lúc xênh xang, tiêu tiền không tiếc, nhưng không có thì thôi, chứ không vay mượn của ai bao giờ.

Còn gia đình, đã có quán cà phê, và người vợ đảm đang của anh lo toan. Đôi khi, cảm giác, Bùi Bài Bình đứng ngoài những điều đó, không phải anh không có trách nhiệm, mà anh biết, để chị làm, để chị gánh vác, mọi chuyện sẽ ổn hơn nhiều.

Tôi không hiểu, tận sâu trong cái dáng vẻ thô mộc, có phần nông dân, cũ kỹ như thuộc về thập niên những năm 80 của thế kỷ trước của Bùi Bài Bình, là một tâm hồn đa cảm, nghệ sĩ, phiêu bồng trong những giấc mơ của chính mình, hay là một bóng dáng của Khuếnh, của Tòng.

Và có lúc nào đó, Bùi Bài Bình giật mình tự hỏi, anh là ai trong những con người đó. Bình chỉ cười. Anh cũng bình thường như mọi người thôi. Là tâm điểm của những cuộc nhậu, bạn bè tứ hải mà không có Bình, thì buồn như đưa đám. Bình vui và tếu táo, hết mình với bạn bè.

Phải đi đến tận cùng của lòng tốt và sự tử tế thì mới nhìn ra được bản chất của cái ác, sự xấu xa. Đó là quan niệm sống của Bùi Bài Bình. Để có một Khuếnh, hay một Tòng dữ dội và gian manh, anh đã phải chắt lọc từ cuộc sống và diễn bằng những trải nghiệm của mình. Còn nếu, là một diễn viên mang bản chất của mình vào vai diễn, thì đó chỉ là bản năng mà thôi, không chạy đường dài được.

Bình đốt thuốc liên tục, thỉnh thoảng lại nhả một hơi thật dài… Hình như trong khói thuốc, mang nặng cả tâm tư dồn nén của một đời nghệ sĩ, sống trong đời, ngạo nghễ với đời, hào quang hay danh vọng đôi khi cũng chỉ là phù du mà thôi

Khánh Linh - ANTGCT số 120
.
.
.