Từ chuyện "Ai là triệu phú"

Thứ Hai, 17/01/2005, 07:17

Tham là tật cố hữu của đa số loài người. Vì thế, "giấc mơ triệu phú" xem ra thật đáng để… mơ. Và, người ta đổ xô nhau đi thi để mong trở thành "triệu phú". Rồi, chính vì ai cũng háo hức với vương miện triệu phú nên người ta mới cứ thở dài mà tiếc rẻ: “Giá mà tôi vớ được câu ‘hình lập phương có mấy cạnh?’, đảm bảo tôi sẽ ẵm giải liền".

Người ta sẽ chẳng bàn luận nhiều đến thế khi đó là một câu hỏi về kiến thức xã hội. Bởi kiến thức xã hội mênh mông bể Sở thì chưa chắc một giáo sư toán học đã trả lời được. Thế nhưng (cơ khổ!), đằng này nó lại là một câu kiểm tra kiến thức cơ bản (cực dễ) mà tôi nhớ không nhầm thì hồi học cấp 1, chúng tôi đã được học. Nghe "lập phương" thì có vẻ to tát nhưng cứ gọi nôm na thì nó là cái hình hộp, mà hình hộp thì học sinh lớp 2 cũng có thể nhắm mắt mà đếm được nó có bao nhiêu cạnh? Thế đấy, nói cũng chẳng ai dám tin khi có người (chắc phải tốt nghiệp đại học rồi), lại không biết mặt mũi cái hình hộp nó ra làm sao.

Đấy là trên truyền hình, còn ở trường tiểu học thì sao nhỉ. Hẳn là chúng ta lại thêm một lần sửng sốt khi được biết, chỉ vì bệnh thành tích mà trường tiểu học nọ cứ… bắt các em phải lên lớp, nhất định là phải lên lớp cho dù có học sinh lớp 5 vẫn đọc sách… ngược hoặc chưa thuộc hết bảng chữ cái. Học bổ túc lớp 4 trong vòng… 3 tháng và rồi lôi tuốt lên lớp 5, mặc cho chính học sinh nọ khóc tức tưởi và bố mẹ em năn nỉ xin được… ở lại lớp.

Cách giáo dục chạy theo thành tích như vậy đã cho ra lò những học sinh rỗng tuếch, không có kiến thức cơ bản. Và, kết quả là đến khi thi đại học, có em vẫn nhầm lẫn Chí Phèo "là một chàng trai hiền lành, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác" và "lấy được Chí Phèo như có con trâu tốt trong nhà" khiến bất kỳ người nào đọc được cũng phải cười chảy nước mắt.

Thế đấy! Người ta cứ phải hành hạ nhau vì những danh hiệu, khốn khổ vì nó rồi tự làm khổ mình và làm khổ học sinh. Nói đến danh hiệu, tôi lại nhớ tới một bộ phim nước ngoài Mean girls đầy tính giáo dục: Khi một nữ sinh nhận được danh hiệu “nữ hoàng”, cô đã nói với tất cả mọi người rằng, chiếc vương miện chỉ được làm bằng nhựa và rất dễ để bẻ nó thành các mảnh vụn, điều quan trọng là chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng với danh hiệu đó. Rồi cô bé đã bẻ chiếc vương miện và phân phát cho những người bạn đứng xung quanh. Không biết, chúng ta có nên học tập cái cách đối xử với danh hiệu như nữ sinh trung học nọ không nhỉ?!

Năm nào ngành Giáo dục cũng đưa ra những cải cách, vòng vo trong bài toán cải cách bùng nhùng, cuối cùng rồi vẫn cho ra những "sản phẩm" không biết hình lập phương có mấy cạnh. Đáng buồn hơn, có hơn phân nửa số khán giả trẻ có mặt trong trường quay hôm ấy cũng không có câu trả lời đúng. Tôi cứ mơ hồ lo một ngày, trật tự chữ cái bị đảo lộn, nếu như cái ý kiến bắt các em học chữ "e" trước chữ "a" được chấp thuận. Không hiểu rồi sau đó, các cuốn từ điển, địa danh hành chính… có bị làm lại để cho phù hợp khi chữ "e" bị bắt đứng đầu bảng chữ cái.

Tôi có hai đứa cháu học tiểu học, chúng đều có một điểm chung là rất sợ môn Thủ công. Nhưng người còn sợ môn này hơn cả là bố mẹ chúng. Đi làm cả ngày, tối về anh chị tôi lại bị con nhờ xé giấy dán diều, dán lọ hoa, thêu thùa, đan lát, gấp đèn lồng… Tôi dám đảm bảo rằng, đa phần những học sinh học môn này đều có sự trợ giúp của bố mẹ. Bởi cô giáo chỉ hướng dẫn trên lớp, còn "cụ thể" ra sao thì đã có… bố mẹ.

Tôi cũng dám đảm bảo rằng, những người làm giáo dục đều biết chuyện này. Cô giáo dạy các em cũng biết chuyện này, nhưng các cô vẫn phải chấp nhận chấm điểm cho những sản phẩm mà không phải do các em làm ra. Vậy thì có ích gì khi chúng ta cứ cố gò các em vào cái khuôn bê tông đúc sẵn, mà không nghĩ ra một phương pháp nào đó để vẫn có thể rèn luyện cho các em tính kiên trì, khéo léo mà vẫn giúp các em dành thời gian cho các môn học khác. Và quan trọng là không nên dạy cho các em biết nói dối từ khi bước chân vào trường tiểu học, bởi không có học sinh nào dám trả lời cô giáo rằng: "Đây là sản phẩm do bố mẹ em làm hộ" trong khi thực tế thì đúng như thế

Đinh Hiền
.
.
.