Từ "Nhật ký trong tù" đến "Những vần thơ thép"

Thứ Sáu, 18/05/2007, 10:20
Sau 10 năm nghiền ngẫm "Nhật ký trong tù", nhà biên kịch Trần Đình Ngôn nâng niu từng con chữ, chăm chút từng câu hát, cân nhắc từng cảnh diễn... để tháng 5/2005, "Những vần thơ thép" ra đời...

Từ đêm 12/5 đến đêm 19/5, Nhà hát Chèo Việt Nam liên tục công diễn vở "Những vần thơ thép" và coi đó là món quà dâng lên sinh nhật lần thứ 117 của Bác kính yêu, là hành động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

"Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong"

Đó là bốn câu trong bài "Cảm tưởng đọc Thiên gia thi" của thi nhân Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và giam cầm vô cớ.

"Cảm tưởng đọc Thiên gia thi" là 1 trong số 134 bài trong tập "Nhật ký trong tù" đầy chất thép của nhà cách mạng vĩ đại Việt Nam Hồ Chí Minh viết trong hơn một năm Người phải sống trong chế độ lao tù hà khắc.

"Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ngọn đèn tỏa sáng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình"

Đó là những câu thơ rất nổi tiếng của Hoàng Trung Thông sau khi nhà thơ đọc tập "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh.

Như là một gợi ý, từ câu thơ "Nay ở trong thơ nên có thép" của Hồ Chí Minh và "Vần thơ của Bác vần thơ thép" của Hoàng Trung Thông đã giúp nhà biên kịch Trần Đình Ngôn chọn được cái tên thật đắt, thật hợp cho vở chèo mới nhất của ông: "Những vần thơ thép".

Nhưng, như Trần Đình Ngôn tâm sự, để có được một vở chèo xứng đáng với tầm vóc của lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh, ông đã đọc rất nhiều trang Người viết và những trang viết về Người. Đọc để nghiền ngẫm và chọn giai đoạn nào trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người phù hợp nhất với sân khấu chèo.

Thật may là khi đọc đi, đọc lại "Nhật ký trong tù", hình ảnh của nhân vật lãnh tụ hiện lên thật lung linh, sống động. Những câu thơ của Người bỗng như ngân nga thành lời hát của những làn điệu chèo truyền thống.

Sau 10 năm nghiền ngẫm "Nhật ký trong tù", nhà biên kịch Trần Đình Ngôn nảy ra ý tưởng: Lấy bối cảnh là những nhà lao mà Hồ Chí Minh đã từng qua, những người bạn tù, những viên cai ngục mà Người từng tiếp xúc, nỗi cơ cực của người dân Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch cầm quyền mà Người được chứng kiến để xây dựng thành vở chèo với nhiều tuyến nhân vật, trong đó Hồ Chí Minh là nhân vật chính nhưng phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử…

Đầu năm 2005, sau khi được Ban lãnh đạo Nhà hát Chèo Việt Nam chấp nhận ý tưởng đưa "Nhật ký trong tù" lên sân khấu, Trần Đình Ngôn mới bắt tay vào sáng tác.

Sau hơn ba tháng nâng niu từng con chữ, chăm chút từng câu hát, cân nhắc từng cảnh diễn... tháng 5/2005, "Những vần thơ thép" của Trần Đình Ngôn ra đời và được tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam đón nhận và dàn dựng một cách hào hứng.

Tháng 9 năm ấy, tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, "Những vần thơ thép" đoạt giải xuất sắc và cũng là giải duy nhất của Hội diễn. Cùng với giải thưởng cho "Những vần thơ thép", tác giả kịch bản và đạo diễn cũng được trao giải cao.

Tuy nhiên, để làm nên thành công của "Những vần thơ thép" phải kể đến công lao của tập thể nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Việt Nam. Với tư cách trưởng đoàn và được phân công đạo diễn "Những vần thơ thép", NSND Bùi Đắc Sừ đã dày công tìm tòi một ê kíp tốt nhất cho mình. Nhạc sỹ quân đội Đôn Truyền được mời viết nhạc. Cố NSND Bùi Huy Hiếu được mời thiết kế mỹ thuật, họa sỹ Văn Phức được giao nhiệm vụ hoá trang cho NSƯT Phú Kiên đóng vai Hồ Chí Minh.

Quả thật qua hơn 2 giờ được dõi theo một câu chuyện xảy ra ở một tỉnh miền núi Trung Quốc cách đây đã 65 năm, qua phần biểu diễn của tập thể diễn viên, khán giả như được sống lại một thời, được chia sẻ với những gì mà nhà cách mạng Hồ Chí Minh đã trải qua từ khi Người vô cớ bị bắt giam (29/8/1942):

"Túc Vinh mà để ta mang nhục/ Cố ý dằng dai, chậm bước mình/ Bịa chuyện tình nghi là gián điệp/ Cho người vô cớ mất thanh danh". (Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh).

Cho đến ngày Người được trả tự do (10/9/1943) phải tập leo núi để tiếp tục con đường hoạt động cách mạng của mình:

"Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng, bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/ Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa" (Mới ra tù tập leo núi).

Sau hội diễn, Nhà hát Chèo Việt Nam tiếp tục mang "Những vần thơ thép" đi biểu diễn phục vụ đồng bào chiến sĩ khắp miền đất nước và ở đâu vở diễn cũng thu hút được sự chú ý và cảm tình đặc biệt của khán giả.

Nhân dịp 117 năm Ngày sinh nhật Bác, "Những vần thơ thép" tiếp tục được ra mắt khán giả Thủ đô tại sân khấu Nhà hát Chèo Việt Nam mới được sửa chữa và tôn tạo.

Vào đúng ngày sinh nhật Bác, "Những vần thơ thép" sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp để khán giả cả nước có thể thưởng thức được vở diễn và hiểu thêm tư tưởng, nhân cách lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh qua những vần thơ Người viết cách đây hơn 65 năm, qua diễn xuất tài hoa và tinh tế của các nghệ sỹ sân khấu chèo hàng đầu của Việt Nam như: NSƯT Phú Kiên (vai Hồ Chí Minh), Hương Dịu (vai Quế Hoa), Mạnh Huấn (vai Lưu đội trưởng)...

Khán giả cũng được nghe lại hàng chục bài trong tập "Nhật ký trong tù" qua giọng ngâm và các làn điệu chèo lay động lòng người do NSND Thanh Hoài, NSƯT Khắc Tư và dàn đồng ca gồm các nghệ sĩ: Minh Thu, Minh Tâm, Thu Hiền, Thu Hằng thể hiện theo từng lớp diễn

Nguyễn Xuân Hải
.
.
.