Truyện tranh Việt đang trỗi dậy mạnh mẽ

Thứ Hai, 04/03/2019, 10:34
“Long Thần Tướng”, “Địa ngục môn”, “Mèo Mốc”, “Bad Luck”… là những bộ truyện tranh được lòng người hâm mộ vì nét vẽ giản đơn mộc mạc, câu chuyện thú vị mà gần gũi với số đông độc giả trẻ. Không chỉ gây sốt trong nước mà các tác phẩm này còn gặt hái thành công khi vươn ra xứ người.

Sau thời hoàng kim mà “Dũng sĩ Hesman”, “Cô tiên xanh”... của thập niên 90, “Thần đồng đất Việt” của giai đoạn 2004 – 2007 làm được, truyện tranh Việt bước vào giai đoạn trầm lắng. Nhiều tác phẩm lác đác ra mắt nhưng không để lại dấu ấn gì. Họa sĩ Phan Kim Thanh cho rằng phải chờ đến khi bộ truyện “Long Thần Tướng” ra đời vào năm 2013 thì từ đó đến nay, truyện tranh Việt mới hồi sinh trở lại, phát triển như... nấm sau mưa, chất lượng tăng lên vượt trội.

Tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2019, rất đông độc giả trẻ đến tham dự để chiêm ngưỡng những tác phẩm làm nên thương hiệu cho làng truyện tranh Việt Nam đương đại. Buổi ra mắt tập tiếp theo của “Bad Luck”, “Địa ngục môn”, “Long Thần Tướng”… luôn chật kín hội trường.

Các tác giả, Truyện tranh Việttruyện tranh trong một buổi bồi dưỡng kỹ năng sáng tác.

Điều đặc biệt khiến độc giả kỳ vọng đó là khá nhiều bộ truyện tranh đã, đang và sắp ra mắt chọn khai thác đề tài lịch sử dân tộc như một kho báu vô giá. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: “Thánh Gióng”, “Tỉnh lại ở nữ tôn”, “Trường Phong Sơn”...  Cú hích này bắt nguồn từ bộ truyện “Long Thần Tướng” mà nhóm họa sĩ Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương khởi xướng cuối năm 2013. Câu chuyện lấy bối cảnh nước Đại Việt năm 1284 với cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai của nhà Trần. Ngay từ khi mới chỉ là dự án nằm trên giấy, bộ truyện đã được cộng đồng yêu truyện tranh ủng hộ. Minh chứng cho điều này là chiến dịch gây quỹ cộng đồng trên trang web Comicola để chung tay biến “Long Thần Tướng” thành hiện thực vượt qua mong đợi của những người khởi xướng. Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương hồ hởi: “Với hình thức kêu gọi cộng đồng gây quỹ, thật đáng mừng khi chỉ trong vài năm từ 2013 đến 2015, nước ta đã có 30 đầu truyện được ra mắt, gấp 3 lần so với giai đoạn 2005 đến 2013”.

Mới đây, dự án webtoon (hình thức truyện tranh trên mạng) cũng đón nhận tác phẩm mới toanh của họa sĩ Tuyết Tuyết: “Cánh hóa trôi giữa hoàng triều”. Nữ tác giả khai thác câu chuyện về cuộc đời vị nữ hoàng duy nhất lịch sử Việt Nam  Lý Chiêu Hoàng. Những câu chuyện oanh liệt một thời của cha ông trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các tác giả trẻ hôm nay phóng bút. Từ thành công của “Thần đồng đất Việt” và sau này là đến “Long Thần Tướng”, người ta có quyền kỳ vọng dòng truyện tranh dã sử, cổ trang, xuyên không về quá khứ sẽ lên ngôi, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước cho giới trẻ hôm nay.

Ngoài đề tài lịch sử thì đề tài học đường, đời thường với cái nhìn hóm hỉnh, hài hước nhưng không kém phần thâm thúy của thế hệ trẻ cũng được nhiều họa sĩ ưu ái bởi nó gần gũi người đọc. Từ một webtoon, “Bad Luck” của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu được in thành phiên bản sách giấy và phát hành rộng rãi bởi độ nóng sốt, thú vị của nó. “Thỏ bảy màu”, “Mèo Mốc”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”… cũng có lượng truy cập lớn trên trang đọc truyện Comicola. Không chỉ nhận được tình cảm yêu mến của độc giả mà những bộ truyện tranh trên còn được đánh giá cao về mặt chuyên môn. Nếu năm 2016, “Long Thần Tướng” giành giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế do Nhật Bản tổ chức thì đến năm 2017, “Địa ngục môn” của Can Tiểu Hy nhận được giải thưởng cao quý này.

Từ những bước ngoặt trên, ông Jeong Jong-kwon, Giám đốc văn phòng đại diện Học viện King Sejong (Hàn Quốc) tại Việt Nam, cho rằng thị trường truyện tranh Việt rất tiềm năng. “Nếu truyện tranh Hàn Quốc đã có thị trường ổn định và phát triển mạnh mẽ thì tại Việt Nam mọi thứ còn ở giai đoạn bắt đầu. Do đó, nó là mảnh đất màu mỡ cần khai phá. Lực lượng họa sĩ Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp truyện tranh chỉ mới tăng lên vài năm gần đây và hứa hẹn tương lai sẽ tạo nên bứt phá ngoạn mục. Sức sáng tạo của họ thật đáng nể” – ông nhận định.

Tác giả Khánh Dương cho biết nhiều năm trước, thị trường truyện tranh Việt rơi vào trầm lắng bởi dù có không ít tác phẩm ra đời nhưng đa số các tác phẩm ấy vẫn ảnh hưởng kiểu manga của Nhật hoặc manhwa của Hàn Quốc. Đến nay đội ngũ sáng tác đã tìm được phong cách riêng, thoát hẳn vòng ảnh hưởng của truyện tranh ngoại. Nhìn lại sẽ thấy các bộ truyện tranh được yêu thích trước đây và bây giờ đều sở hữu nét vẽ thuần Việt, câu chuyện thuần Việt. Điều đáng mừng là tại cuộc thi truyện tranh Comi Webtoon Contest 2019  dành cho tác giả không chuyên, các tác phẩm xuất sắc cũng tạo dựng được nét vẽ độc đáo, thuần Việt.

Và nếu như trước đây, truyện tranh ngắn nở rộ áp đảo thì bây giờ các dự án sáng tác dài hơi dần tăng lên. “Đây là tín hiệu tích cực dự báo truyện tranh “made in Việt Nam” sẽ đi được đường dài. Bởi nếu cứ mãi làm truyện tranh ngắn theo kiểu mì ăn liền thì tài năng tác giả sớm lụi tàn, tên tuổi họ cũng khó ghi dấu ấn” – họa sĩ Phan Kim Thanh phân tích.

Quỳnh Nga
.
.
.