Truyền hy vọng cho những ai biết nuôi hy vọng

Chủ Nhật, 31/05/2009, 14:32
"Tôi chỉ có thể truyền hy vọng cho những ai mà trong họ, hy vọng chín dần. Vì sau đấy tất cả chúng ta đều muốn có những câu trả lời cụ thể. Nhưng nói một cách nghiêm ngắn, nếu điện ảnh đưa ra câu trả lời rành rẽ cho các vấn đề thì đó là nó nói dối. Tôi thích đặt ra những câu hỏi chứ không phải những câu trả lời. Đó chính là cái gốc trong các tác phẩm của tôi…” - đạo diễn người Áo Michael Haneke nói.

Ban giám khảo liên hoan phim quốc tế Cannes 2009 do nữ diễn viên lừng danh Isabelle Huppert làm Chủ tịch đã quyết định trao giải thưởng chính Cành cọ vàng cho bộ phim đen trắng nói về cảm giác trách nhiệm tập thể, sự không tin cậy lẫn nhau và cảnh chờ đợi một sự trừng phạt không thể nào tránh khỏi của cư dân tại một thành phố nhỏ ở Đức trước chiến tranh thế giới thứ nhất. Đó là bộ phim "Dải ruy băng trắng" của đạo diễn gạo cội người Áo Michael Haneke.

Cũng xin nói thêm là, Haneke đã là đạo diễn bộ phim "Cô giáo dạy dương cầm" từng mang lại cho Huppert giải thưởng dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Cannes năm 2001.

Nhất quán phong cách

Đạo diễn Áo Michael Haneke sinh ngày 23/3/1942 tại Munich, Đức. Cha cũng là một đạo diễn kiêm diễn viên, ông Fritz Haneke. Mẹ là nữ diễn viên Beatrix von Degenschild. Tuổi thơ của Haneke đã trôi qua ở thành phố Wiener Neustadt, Áo. Ông từng nghiên cứu về triết học, tâm lý học và nghề đạo diễn ở Trường Đại học Tổng hợp Vienna.

Sau đại học, Haneke trở thành nhà phê bình điện ảnh và ba năm (1967-1970) ông dựng phim ở kênh truyền hình Sudwestrundfunk của Đức. Ông cũng từng làm đạo diễn sân khấu ở Vienna, Berlin,  Munich,  Stuttgart,  Dusseldort, Frankfurt và Hamburg. Từ năm 1970, ông hành nghề như một đạo diễn độc lập kiêm tác giả kịch bản...

Trong điện ảnh, đạo diễn Haneke được đánh giá như thi sĩ của những mặc cảm bí ẩn, cảm giác bất mãn và tinh thần trách nhiệm vô thức của xã hội hiện đại. Năm 1989, Haneke đã cho ra mắt bộ phim truyện đầu tiên "Lục địa thứ bảy" và ngay lập tức đã nhận được giải thưởng tại liên hoan phim quốc tế ở Locarno. Ngay trong bộ phim đầu tay này đã thể hiện những nét điển hình cho một phong cách làm phim mang tên Haneke mà về sau tiếp tục được phát triển trong các tác phẩm khác của ông.

Các bộ phim của ông thường gây chấn động trong xã hội. Bộ phim gây sốc mạnh đối với khán giả "Những cuốn băng video của Benny" năm 1992 nói về mối đe dọa của việc phổ biến bạo lực trong văn hóa đại chúng đã được đề cử cho giải thưởng European Film Awards trong thể loại phim xuất sắc nhất.

Tác phẩm điện ảnh đầu tiên mang lại sự nổi tiếng rộng rãi cho ông là phim "Những trò chơi thú vị". Phim kể về một gia đình có của ăn của để người Áo - chồng, vợ và cậu con trai nhỏ - đi nghỉ hè ở trang trại. Và họ trong chính ngôi nhà của mình đã trở thành con tin của hai người trông bên ngoài còn như thanh niên, đã cá cược với họ rằng, sau 12 giờ nữa không ai trong số họ có thể còn sống sót... Hai thanh niên đó đã nghĩ ra một trò chơi tâm lý oái oăm mà trong đó người thắng kẻ thua đã được xác định ngay từ đầu.

Trong buổi công chiếu tại liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 50 (năm 1997), trên các tấm vé vào xem phim này có in những dấu đỏ đặc biệt cảnh báo khán giả là họ sẽ phải chứng kiến một chuyện gì đó khủng khiếp. Và bộ phim đã được đánh giá như sau trên các phương tiện truyền thông khi ấy: "Kiệt tác điện ảnh kinh dị" (Hollywood Reporter), "Bộ phim gây sốc nhất của châu Âu" (mmrsant), "Hãy xem nếu bạo gan" (Film Scouls)...

Mặc dù khi đó Haneke không nhận được giải thưởng nào tại Cannes nhưng phim "Những trò chơi thú vị" đã được nhiều nhà phê bình điện ảnh đánh giá là tác phẩm đáng nhớ nhất trong liên hoan phim quốc tế lịch sử ở Cannes. Năm 2008, Haneke làm lại bộ phim này ở Hollywood. Năm 1997, Haneke cũng chuyển thể tiểu thuyết "Lâu đài" của Franz Kafka thành phim...

Cũng từ năm 1997 tới nay, hầu như bộ phim mới nào của Haneke cũng được công chiếu tại Cannes vào dịp liên hoan phim quốc tế hàng năm. Và ông cũng là một trong những đạo diễn được các nhà làm phim Pháp tin tưởng hơn cả và đầu tư cho những dự án lớn. Để phản đối chiến thắng trong bầu cử của chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của thủ lĩnh có tư tưởng phát xít Jorg Haider, từ năm 2000, Haneke đã thôi làm phim ở Áo mà chuyển sang hành nghề ở Pháp.

Phim "Cô giáo dạy dương cầm" nói bằng tiếng Pháp, do Haneke đạo diễn dựa theo tiểu thuyết của nữ văn sĩ Elfride Jelinek (giải Nobel văn học năm 2004, người cũng bị chính đảng của Haider tấn công mạnh mẽ nhất vì các tác phẩm có sức nặng phê phán đối với đạo đức tư sản giả dối), đã không chỉ tạo nên một làn sóng dư luận trên báo chí mà còn nhận được không ít giải thưởng.

Tại liên hoan phim quốc tế Cannes năm 2001, bộ phim này đã nhận được liền một lúc ba giải thưởng: Giải thưởng lớn của ban giám khảo, giải thưởng dành cho vai nữ xuất sắc nhất (Isabelle Huppert) và vai nam xuất sắc nhất (Benoit Magimel)...

Năm 2005, bộ phim dựng bằng tiếng Pháp của Haneke "Ẩn giấu" đã khẳng định thêm vị trí của Haneke như một trong những đạo diễn hàng đầu của châu Âu. Và năm nay, phim "Dải ruy băng trắng" đã mang lại cho Haneke giải thưởng chính Cành cọ vàng ở Cannes...

Theo đánh giá chung, không chỉ riêng cảm tình của nữ Chủ tịch Ban giám khảo Huppert đối với người đạo diễn gần gụi và yêu quý của mình mới mang lại cho "Dải ruy băng trắng" vinh dự lớn này mà quả thực, đó là một bộ phim tầm cỡ lớn, xứng đáng với một giải thưởng quan trọng như Cành cọ vàng ở Cannes.

Hiện thực hơn hiện thực

Trả lời phỏng vấn báo chí, có lần Haneke tự nhận xét: "Phim của tôi gống như búp bê Matrioshka của Nga. Khán giả nhìn thấy một dạng thức nhưng ở trong đó lại ẩn giấu một dạng thức khác  nữa, rồi dạng thức thứ ba,  thứ tư.... Và cứ như vậy khán giả dường như sẽ không bao giờ chạm được tới cốt lõi của phim...".

Haneke cho rằng, hiện nay có thể nói về tác động của các phương tiện thông tin đại chúng như một tình trạng bạo lực đối với khán giả, thậm chí đó có thể coi như một sự độc tài. Con người hiện đại bị bủa vây bởi vô số những tác động truyền thông và rốt cuộc là chúng ta thường mua những mặt hàng hay được quảng cáo nhất, đi nghỉ ở những nơi được tuyên truyền sinh động và hấp dẫn nhất, lựa chọn những gì mà hay được các phương tiện truyền thông tung hô nhất: "Các phương tiện truyền thông không chỉ độc tài mà đó còn là một sức mạnh quyến rũ, lôi cuốn. Trong lực hấp dẫn của chúng ẩn chứa những hiểm họa. Thật khó chịu khi phải ở những nơi có quá nhiều màn hình...".

Theo Haneke, trong điện ảnh hiện đại ở phương Tây, bạo lực được diễn giải như một sự kiếm tìm mỹ cảm. Những tác phẩm của hàng loạt các đạo diễn hợp mốt như Quentin Tarantino hay Robert Anthony Rodriguez... đã biến chúng thành một thủ pháp nghệ thuật đại chúng. 

Cũng theo Haneke, "hiện giờ số lượng phim được làm ra nhiều đến mức không thể sáng tạo thêm cái gì thực sự mới, làm gì thì rốt cuộc cũng sẽ bị lặp lại cái gì đó đã có, những trò biến tấu chủ đề cũ với những diễn viên mới... Cho nên chẳng lẽ không là thú vị hơn nếu đó là quá trình suy ngẫm về thời hiện đại hay quá khứ? Không hấp dẫn hơn ư nếu thử tìm ra ngôn ngữ điện ảnh của bản thân mình? Quan trọng nhất là phải làm cái gì đó tự đáy lòng... Tôi thích suy ngẫm về những vấn đề còn chưa được nghiền ngẫm, quan sát dòng chảy cuộc đời. Có thể nói là các bộ phim của tôi đều là những tác phẩm phản kháng lại xu hướng chung. Tôi biến hóa thực tại thành hình ảnh cảm xúc. Để đó chỉ là một trong những phương án có thể có của thực tế. Hoặc của cái mà ta tưởng là thực tế. Giống như cái nhìn của họa sĩ, - tôi chỉ thấy như vậy chứ không phải như thế khác...".

Nói của đáng tội, phim của Haneke cũng hay bị phê phán bởi những cảnh bạo lực và sự bạo lực ẩn  hình, không gọt giũa cũng có vai trò quan trọng trong đấy. Lý giải về việc này, Haneke nói: "Phim - đó là cuộc gặp gỡ. Có thể nói hơn thế - tôi đã thúc khán giả tới gặp gỡ chính mình. Cùng với trí tưởng tượng của họ, ký ức của họ. Điện ảnh - đó chỉ là ảo tưởng, chúng ta chỉ đưa ra những giả thuyết về thực tại.

Câu hỏi "Thế nào là thực tế và thế nào là thực tế trong điện ảnh?" là một trong những câu hỏi chính trong các bộ phim của tôi...". Ông nhấn mạnh: "Khán giả phim rất khó phân biệt được ranh giới giữa thực tế và cách diễn giải của tác giả. Chính điều đó đã làm cho điện ảnh có sức hấp dẫn. Cảm giác xúc động liên đới với những gì đang diễn ra trên màn ảnh đã hoá giải ý nghĩ chắc chắn về sự giả tạo của hiện thực đang được trình bày. Bạo lực trở thành đối tượng suy ngẫm chung nhờ các trình bày khéo léo về nó, và sự run rẩy đủ độ khi quan sát những cảnh bạo lực có thể được hoan nghênh ở những liều lượng vừa đủ...".

Cũng theo Haneke, việc trong phim chúng ta kích động cái ác trong những chừng mực nhất định cho phép hy vọng rằng, trong đời thực, chúng ta vẫn còn cơ hội kiềm tỏa được cái ác...

Cái kết mở trong một số bộ phim của Haneke, theo chính đạo diễn, có thể gây nên cho một số khán giả là lạc quan nhưng cũng có thể là bi quan đối với một số khán giả khác: "Tôi chỉ có thể truyền hy vọng cho những ai mà trong họ, hy vọng chín dần. Vì sau đấy tất cả chúng ta đều muốn có những câu trả lời cụ thể. Nhưng nói một cách nghiêm ngắn, nếu điện ảnh đưa ra câu trả lời rành rẽ cho các vấn đề thì đó là nó nói dối. Tôi thích đặt ra những câu hỏi chứ không phải những câu trả lời. Đó chính là cái gốc trong các tác phẩm của tôi. Quan trọng đối với tôi không gian đối thoại giữa màn ảnh với khán giả. Và cả giữa các khán giả với nhau. Hình thức giao tiếp này đối với tôi cực kỳ quý giá".

Phim của Haneke hay gây sốc cho khán giả. Theo quan điểm của ông, cơn sốc đẩy được công chúng thị dân ra khỏi trạng thái cân bằng và loại bỏ rào cản tự vệ để khán giả có thể tiếp nhận những gì diễn ra trên màn ảnh với xúc cảm tối đa. Tất cả các bộ phim của ông đều đi sâu nghiên cứu những khoảng tối trong tâm hồn con người nhưng không bao giờ ông miêu tả một kẻ hoàn toàn ác, ác thâm căn cố đế, trên màn ảnh.

Ngay cả những thanh niên tàn nhẫn, đã huỷ hoại cả một gia đình ba người trong phim "Những trò đùa thú vị" cũng không phải là không có những nét dễ gây cảm tình và tính hài hước - chúng suy cho cùng cũng chỉ là những chàng trai hiện đại như mọi chàng trai đồng lứa khác. Nhưng cũng chính vì thế nên chúng trở nên khủng khiếp hơn khi nhúng tay vào những việc ác...

Cách ghi hình nghiêm cẩn và tiết chế của Haneke đã khiến cho các bộ phim của ông gần như mang tính tài liệu... Một thế giới ảo đôi khi lại hiện thực hơn cả thế giới thực và vì thế, thu hút công chúng hơn và có thể làm cho công chúng tin vào những lề luật của nó hơn.

Đó há chẳng phải dấu hiệu của một tài năng điện ảnh lớn hay sao?

Nguyên Phương
.
.
.