Truông Bồn, bản hùng ca bất diệt

Chủ Nhật, 28/10/2012, 10:18
Trong những năm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" có hàng vạn thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi gác tuổi thanh xuân để lên đường. Nhiều liệt sĩ thanh niên xung phong đã ra đi mãi không về. Nhiều địa danh trên dặm dài Tổ quốc đã đi vào lịch sử như Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám cô, hang Lèn Hà... và Truông Bồn. Sáng 31/10/1968, máy bay Mỹ oanh tạc dữ dội vào Truông Bồn, 13 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh khi đang san lấp hố bom, mở đường ra tiền tuyến. Máu của các anh, các chị đã hoà vào đất mẹ thiêng liêng, để Tổ quốc nở hoa độc lập.
>> Nhiều hoạt động tri ân liệt sĩ TNXP ở Truông Bồn

Trên tất cả là tình yêu Tổ quốc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là nơi máy bay Mỹ oanh tạc suốt ngày đêm nhằm cắt đứt đường vận chuyển của quân và dân ta. Với niềm tin son sắt vào chiến thắng và lòng quả cảm "Tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc" Thanh niên xung phong (TNXP) đã ngày đêm bám đường, bám cầu ở Truông Bồn với quyết tâm sắt đá "Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm".

Cung đường qua Truông Bồn có vị trí chiến lực cực kỳ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi duy nhất nối các huyết mạch giao thông: mốc số 0, đường QLlA, đường 7, đường 34 để chi viện nhân tài, vật lực của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Không quân Mỹ phát hiện ra Truông Bồn là yết hầu vận tải ở mặt đất nên chúng bắn phá suốt ngày đêm. Nhiều nhân chứng của một thời lửa đạn kể lại; không một ngày nào khu vực Truông Bồn ngớt tiếng bom, mặc dầu vậy, hàng ngàn TNXP với tay cuốc, tay xẻng vẫn bám đường giữa mưa bom, bão đạn. Trong rất nhiều cuốn nhật ký của những người lính ra trận đã dành không ít trang viết về Truông Bồn. Truông Bồn - nơi những cô gái tuổi mười bảy, mười tám với ý chí mạnh hơn bom đạn. Họ gác lại tất cả tình riêng, quên đi cái tôi của bản thân, hoà vào cái chung tình yêu Tổ quốc. Họ sống và chiến đấu với ước mơ giản dị rất đỗi thân thương: Tổ quốc không còn tiếng súng để em thơ đến trường, mẹ già không còn phải tựa cửa chờ con...

Theo sử liệu tỉnh Nghệ An, bom đạn của địch đã làm cho vùng Truông Bồn vốn xanh tươi trù phú trở thành một bãi trắng hoang tàn, hàng ngàn héc ta rừng bị tiêu hủy, 211 làng dọc tuyến đường 15A bị tàn phá; hàng trăm chiếc xe ôtô chở hàng và hàng trăm khẩu pháo của bộ đội ta bị  bom giặc tàn phá, hơn 1.240 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, TNXP, công nhân ngành giao thông hy sinh, trong đó có 372 chiến sỹ TNXP; xã Mỹ Sơn và xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương có trên 100 người chết và bị thương. Trước những mất mát, hy sinh, bộ đội công binh D30 quân khu 4, đại đội công binh 27; tiểu đoàn 67 tên lửa thuộc Trung đoàn tên lửa 278, Tiểu đoàn 72 tên lửa thuộc trung đoàn 236, trung đoàn phòng không 222; trung đoàn 232 pháo cao xạ, các đơn vị thanh niên xung phong: 304, 307, 316, 317, 318, 327, 332, 340 và lực lượng dân quân, nhân dân địa phương... vẫn bám chặt cung đường, giữ cho giao thông liền mạch. Tại Truông Bồn đã xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh oanh liệt, góp phần làm nên huyền thoại Truông Bồn.

TNXP và các đơn vị bạn họp bàn để thông đường ở Truông Bồn. (Ảnh tư liệu).

"Em không về, vắng một cuộc đưa dâu"

Đứng trước Truông Bồn, nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Trần Tuấn tưởng nhớ về những liệt sĩ TNXP làm mắt chúng tôi nhòa lệ "Đường làng tháng giêng dài ra hút tắp/ Em không về, vắng một cuộc đưa dâu". Về Mỹ Sơn, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện cảm động đến nghẹn lòng về lực lượng TNXP trong những ngày bảo vệ Truông Bồn. Trong số 13 liệt sĩ ở Truông Bồn vào sáng 31/10/1968, có anh Cao Ngọc Hoà và chị Nguyễn Thị Tâm. Anh chị yêu nhau đã 3 năm trời, họ chuẩn bị được đơn vị cho về nhà làm đám cưới. Buổi sáng trước lúc hy sinh, bạn bè còn chọc ghẹo chị Tâm yêu anh Hòa 3 năm mà giấu kín như bưng không cho ai biết. Chị Tâm cười. Trước đêm 2 người hy sinh, mẹ và anh trai anh Hòa từ Diễn Lộc, Diễn Châu vào nhà chị Tâm ở Hợp Thành, huyện Yên Thành để chờ 2 người ở đơn vị về bàn chuyện làm đám cưới. Chờ mãi đến gần trưa, mẹ và anh trai anh Hoà xin phép gia đình chị Tâm ra về vì nghĩ chắc anh Hoà đang bận công việc đơn vị chưa về. Khi hai người vừa rời nhà chị Tâm thì gia đình chị Tâm nhận được hung tin cả Tâm và Hoà đã hy sinh...

Sang tháng 7/1968, Đại đội 317 TNXP đã phát động chiến dịch 100 ngày đêm đảm bảo mạch máu giao thông ở Truông Bồn. Đơn vị đã chọn cử 14 chiến sỹ (12 nữ và 2 nam) làm nhiệm vụ trực chiến 24/24h hàng ngày để quan sát, cảnh báo máy bay Mỹ; đánh dấu vị trí bom nổ chậm để cùng công binh phá bom, san lấp hố bom, bảo đảm mặt đường. Sau hơn 100 ngày đêm chiến dịch, Đại đội 317 xét một số đồng chí có thời gian phục vụ đã hết nhiệm kỳ 3 năm, có nhiều thành tích trong đơn vị có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được xuất ngũ. Đơn vị đã xét chọn được 8 đồng chí, trong đó: Một người ở nhà chỉ còn một mẹ già đau yếu không có người chăm sóc, một người có anh trai là liệt sỹ vừa hy sinh tại chiến trường miền Nam; một đôi nam nữ yêu nhau đã 3 năm chỉ chờ xuất ngũ là tổ chức lễ cưới; có 4 người đã nhận được giấy báo nhập học tại các trường trung học chuyên nghiệp. 8 đồng chí này đã được tổ chức gặp mặt chia tay đồng đội. Nhưng đêm 30 tháng 10 năm 1968, Đại đội 317 nhận được lệnh của Ban chỉ huy Tổng đội phải cấp tốc giải phóng giao thông cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng. Cả 8 người đã xung phong ra hiện trường cùng đơn vị làm nhiệm vụ, đến 6h10' khi công việc sắp hoàn thành theo kế hoạch, bất ngờ một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống hàng loạt bom phá. Truông Bồn chìm trong biển khói mịt mù, 13/14 chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa là máy bay Mỹ ngừng ném bom trên toàn miền Bắc.

Tạc vào đá núi
(Nhân ngày khởi công xây dựng khu di tích lịch sử Truông Bồn)

Có một tấm chăn
Nhiều năm chưa giặt
Khi nắng đem phơi
Không cho ai đắp
Sợ tan một mùi!

Có một bát cơm
Hôm nào cũng xới
Khách khứa đến thăm
Tưởng mẹ xới thừa

Có tấm áo cũ
Mẹ cho em mặc
Em con không hay
Còn chê áo rách

Có lược có gương
Có trâm cài tóc
Mẹ mua cho con
Tàn tro bay mất

Có đêm không ngủ
Có tiếng ru thầm

Mẹ giấu vào đêm
Hai hàng nước mắt

Âm dương cách vời
Làm sao gặp mặt
Mẹ tạc vào trời
Mẹ tạc vào núi
Tạc vào lòng người
Tên con của mẹ.

Chiến tranh đã qua
Đất lành da thịt
Chiến tranh đã qua
Con hoà vào đất.

Úp mặt vào đất
Là mẹ bên con
Giang tay ôm đất
Hình con mãi còn.

Truông Bồn,  sáng 27/10/2012.
Nguyễn Thị Hiền

Dương Sông Lam
.
.
.