Trước thềm Festival Huế 2008: Du khách không mấy mặn mà!

Thứ Sáu, 23/05/2008, 10:29
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là diễn ra Festival Huế 2008. Đây là lần thứ 5 tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ hội mang tầm vóc lớn này, và cũng giống như những lần trước, chính quyền địa phương cho biết, Festival Huế là đại tiệc của những lễ hội lớn! Tuy nhiên, bằng quan sát thực tế mà so sánh, thì đến thời điểm này, du khách đến Huế còn thưa thớt hơn nhiều so với mọi năm…

Giá cả bắt đầu leo thang

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho du khách đến Huế vào dịp Festival Huế 2008, Ban tổ chức (BTC) lễ hội đã có những kế hoạch cần thiết. Chẳng hạn việc công bố giá vé xem các chương trình nghệ thuật; phối hợp với ngành chức năng làm việc với chủ các khách sạn, nhà nghỉ công khai giá phòng trên mạng… Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc làm ấy vẫn chỉ là tiếng nói trên văn bản, còn thực tế thì khác!

"Mới tháng trước, tôi nghỉ ở một khách sạn trên đường Ngô Quyền với giá 160.000 đồng/phòng đơn, nhưng nay cũng nơi ấy, giá lên tới 220.000 đồng/phòng đơn!", ông Nguyễn Đăng Nhật, một du khách đến từ Hải Phòng than phiền.

Không riêng ông Nhật, mà nhiều du khách khác, chẳng hạn như bà Nicolas (Pháp) cũng cho hay: "Tôi thấy với người Việt Nam, lễ tân khách sạn chỉ lấy với giá 240.000 đồng/phòng đơn ở một khách sạn trên đường Bến Nghé, nhưng với chúng tôi, họ lấy với giá 30 USD/phòng đơn".

Du khách đến Huế những ngày này, không chỉ than phiền về giá phòng khách sạn, mà còn than phiền rất nhiều về giá cả ăn uống và các dịch vụ khác. "Chỉ một đĩa cơm bình dân ở quán cơm B.C. trên đường Bến Nghé, mà có giá tới 25.000 đồng!", ông Ngô Minh, một người dân ở Quảng Bình, lần đầu đến Huế cho biết.

Ăn xin - vấn nạn của TP Festival   

Từ mấy tháng nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban, ngành chức năng đã tổ chức không ít cuộc họp, ra không ít văn bản chỉ đạo ngăn chặn nạn ăn xin ở thành phố và từ nơi khác đến để làm đẹp hơn về một thành phố lễ hội.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là văn bản; nếu đi thực tế tại các quán ăn, giải khát và đặc biệt là tại các điểm di tích, danh thắng thì thấy không ít người ăn xin bu bám, quấy rầy du khách, tạo nên hình ảnh chẳng mấy đẹp mắt.

Du khách đến Huế nhiều hay ít vào lúc này vẫn là sự so sánh khập khiễng! Có điều, tâm trạng của họ lúc đến đây, thì chẳng mấy khập khiễng! Bao giờ cũng vậy, người ta quan tâm nhất ở nơi mà họ muốn đến là không gian, các hoạt động và điều kiện giải trí, tham quan, học hỏi. Nói mộc mạc hơn là đồng tiền họ bỏ ra có xứng với những gì được hưởng.

Về điều này, ở Huế dường như không có được. Khách quan mà nói, cái không được ấy là do nhiều nguyên nhân. Nhưng cho dù nguyên nhân nào đi nữa, ở đây, vai trò của BTC và ý thức của cộng đồng luôn là yếu tố quyết định sự thành, bại của lễ hội, nói đúng hơn là tiếng tăm của lễ hội và bộ mặt của người dân thành phố

Hà Linh
.
.
.