Trước những nỗi người bất hạnh

Thứ Bảy, 05/08/2006, 13:32

Nhớ tới người đã khuất, thương cảm trước người đã khuất cũng là chuyện nhân nghĩa của người sống với người sống.

Chùa làng tôi, dịp tháng bảy âm lịch vào đúng ngày rằm thường làm lễ trọng. Đây là ngày lễ Xá tội vong nhân. Các vãi áo nâu, tràng hạt, mặt buồn buồn, miệng lầm rầm đọc kinh, khấn vái. Gương mặt người già trầm sâu trong hương khói cửa Thiền. Bài kinh của các vãi thường dài.

Nhớ nhất trong tôi là những câu khấn mở đầu:

Con nam mô a di đà Phật
Con lạy chín phương trời
Con lạy mười phương đất...

Con người cầu khấn khắp nơi. Rồi cháo trắng được bưng ra. Cháo được nấu bằng gạo tẻ mùa pha chút nếp cái. Cháo nấu trong nồi to. Màu cháo trắng thơm, đặc sánh. Cháo múc ra những chiếc lá đa đã được khoanh lại theo hình phễu. Cúng cùng cháo còn có bỏng trắng, sắn đồ, khoai luộc... Món lễ toàn của quê mùa do đồng đất quê mùa sinh ra. Nó thơm thảo, bền chắc như đời sống của người làm ruộng, cấy lúa.

Vào ngày ấy khi còn bé, tôi thường theo bạn bè ra chùa xem các vãi chạy đàn, cúng tế. Thường là trên tay mỗi đứa trẻ có một cái liễn sứ nhỏ để xin phần cháo lộc của nhà chùa trong lễ cúng cô hồn. Ai cũng mong trong ngày này những người đói khát ở thế giới bên kia sẽ có một bữa no của người trần thế cúng viếng và trẻ con thì được lộc.

Có lần bê liễn cháo lộc chùa mang về nhà, tôi hỏi mẹ:

- Làm sao lại phải cúng cô hồn hở mẹ?

Mẹ tôi ôm tôi vào lòng nói:

- Cô hồn là những người không có nơi nương tựa con ạ. Lúc sống họ như trẻ mồ côi, như người đơn chiếc không ai chăm sóc, nuôi nấng. Lúc chết đi chắc cũng phải chịu vậy nên trời Phật mới sinh ra ngày lễ Xá tội vong nhân để cúng những người đã khuất, nhất là những linh hồn không chốn nương thân ở cõi bên kia.

Cũng ngày ấy, không những ở chùa mà trên nghĩa địa giữa đồng, nơi có xây một cái miếu nhỏ để thờ cúng những người đã khuất, dân làng tôi và ở nhiều nơi khác nữa cũng mang những đồ cúng như ở chùa ra cúng. Người ta quan niệm những linh hồn đau khổ côi cút thường lang thang đây đó nên một nén hương tưởng niệm nơi nghĩa địa giữa đồng không mông quạnh càng có ý nghĩa. Cuộc lễ ở ngoài nghĩa địa bao giờ người lễ cũng được nghe thầy cúng đọc bài "Văn tế thập loại chúng sinh" bằng một giọng buồn buồn:

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt...

Lời người cúng vái quẩn quanh cùng khương khói. Lúc nhỏ tôi cứ nghĩ đó là lời kinh của nhà Phật phổ thương cảm vào những kiếp người. Lớn lên tôi mới biết đó là thơ của cụ Nguyễn Du, tác giả của "Đoạn trường tân thanh", người từng khóc than cho thân phận nàng Kiều cũng là người không ngừng rơi nước mắt khóc than cho thập loại kiếp người khổ nạn. Con người khôn nguôi khóc cho con người.

Trong thơ của mình Nguyễn Du cũng đã từng lên tiếng:

Đời là bể khổ...

Trông cái nỗi trầm luân của kiếp người ấy, người ta luôn luôn có một nỗi lo lắng không cùng về sự đồng lần vất vả mang từ kiếp này đến những kiếp sau. Khi còn sống con người với biết bao nỗi đời phải lo toan. Kiếp người ta sinh ra là đi cùng với những lo toan, may rủi. Ai cũng mong khi già cả được thanh thản xuôi tay, ấy vậy mà mấy ai khi ra đi đã đủ bình tâm mà nhắm mắt. Phải chăng chính vì vậy mà không hiếm người khi sắp từ biệt cõi đời đã mở to đôi mắt nhìn lại thế gian. Cũng có người thở hắt ra như nuối tiếc một điều gì chưa làm được hoặc đã làm mà chưa trọn vẹn.

Xã hội là cả một cộng đồng người. Xã hội càng tiến bộ, văn minh, con người càng đỡ vất vả. Tất nhiên khi ấy con người càng ít khổ ải hơn. Nhưng làm sao hết vất vả cho được khi con người còn những ước muốn, khi chẳng thể lúc nào cũng mang khuôn mặt vô tư. Hình như con người ta ngoài nỗi lo hiện hữu đương thời còn có nỗi lo cho cả mai hậu của mình khi khuất bóng và cho cả những người còn ở lại giữa nhân gian này.

Rằm tháng bảy, người có chữ gọi là Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan. Quê tôi và nhiều quê khác nữa gọi là Ngày Xá tội vong nhân. Tích kể, mỗi năm, vào ngày giữa tháng của đầu mùa Ngâu người ở dưới âm phủ được xá tội. Đấy là ngày của sum họp, của vị tha, của ân tình, ân nghĩa. Lâu nay, nhiều người lại nghĩ ngoài ngày vong nhân được xá tội mang tính toàn thể ấy cũng là ngày riêng của các cô hồn - phần cơ cực nhất của kiếp người. Người còn sống thương nhất những linh hồn cô đơn, phiêu bạt này. Một hớp cháo lá đa, một nắm bỏng trắng... là tấm lòng của người trần thế lo cho những người không may đã khuất.

Nhớ tới người đã khuất, thương cảm trước người đã khuất cũng là chuyện nhân nghĩa của người sống với người sống. Lòng tốt này không chỉ trong một ngày vong nhân xá tội, không chỉ với những cô hồn kém may mắn ở cõi bên kia mà đã là công việc ngày ngày của nhiều lương tâm người giữa cõi đời này trong đồng cam, cộng khổ, trong tình nghĩa sẻ chia với những ai còn bất hạnh

Nhật Văn
.
.
.