Trùng tu chùa Huế, cần bảo tồn tính nguyên gốc

Chủ Nhật, 27/02/2005, 07:27
Khi nói đến chùa Huế, người ta mường tượng ra hình ảnh ngôi chùa thấp mái ẩn mình trong một khung cảnh thiền vị nên thơ. Thế nhưng, một số ngôi chùa Huế bây giờ nếu nhìn tổng thể, chúng ta sẽ thấy ngay sự chồng chéo giữa "nét cũ" và "nét mới" rất phức tạp mà không hề thấy được cái nét đặc trưng của một loại hình kiến trúc phục vụ tâm linh.

Phật giáo Thừa Thiên - Huế tồn tại, phát triển như chính vùng đất Thuận Hóa, Phú Xuân, chứa đựng trong mình dòng chảy văn hóa lịch sử của chốn đế đô - đặc trưng và sâu rộng. Xưa nay các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Phật giáo Huế và văn hóa Huế là một sự tập hợp, ảnh hưởng, giao thoa, hội tụ có tuyển chọn của các nền văn hóa Phật giáo miền Bắc (Đàng ngoài - Bắc Hà), miền Nam (Đàng trong - Nam Hà) cùng với quá trình phát triển từ thủ phủ Thuận Hóa đến Kinh đô Phú Xuân và thành phố Huế trầm mặc, qua nhiều chặng đường lịch sử hưng phế.

Phật giáo Thừa Thiên - Huế đã hình thành và chứa đựng một kho tàng di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) phong phú và đa dạng, với đủ đầy các loại hình như: Âm nhạc, nghi lễ, kiến trúc, tập quán - thiền phong, khảo cổ… (trong đó đáng chú ý nhất là kiến trúc, âm nhạc và nghi lễ). Thời gian gần đây, do sự hiểu biết chưa thấu đáo về nét đặc trưng của văn hóa Phật giáo Huế nên khi tiến hành trùng tu, tôn tạo một số ngôi chùa đã làm nảy sinh không ít bất cập.

Rất nhiều chùa Huế hiện nay sau khi trùng tu, tôn tạo đã bị biến dạng, làm mất đi những nét đặc trưng truyền thống. Ví như chùa Trúc Lâm, trong khi kết cấu một mô hình kiến trúc chữ "khẩu" truyền thống với những ngôi nhà thấp mái rất thiền thì gần đây lại cho xây dựng một dãy nhà tăng nằm kề bên không mấy hài hòa, phá vỡ cả một không gian ngôi chùa nổi tiếng xưa nay rất thanh tịnh và thiền vị.

Chùa Tây Thiên rất đẹp đã bị dãy nhà đồ sộ chiếm hết không gian, nằm "chình ình" không đường nét, thiếu màu sắc thiền và vô hồn như một khối bê tông(!). Một số ngôi chùa khác như chùa Vạn Phước, Hải Đức, Hiếu Quang, Từ Vân, Từ Quang, Thiên Minh... làm cho người ta buồn nhất vẫn là việc trùng tu, tôn tạo không theo nguyên bản của nó.

Nói tóm lại, không ít chùa Huế sau khi được trùng tu, tôn tạo dù ít hay nhiều đều không phải là "chính nó". Kiến trúc chùa cổ phải có sự phối hợp giữa các đường nét tường mái, sự hài hòa giữa ngôi chùa với nhà tăng, thiền phòng, khách phòng cùng với sự tinh chọn và kết hợp ăn ý giữa các chất liệu gỗ và gạch nung tạo cho ngôi chùa hòa nhập được với không gian và cảnh quan môi trường.

Tổng thể một ngôi chùa Huế xưa có ảnh hưởng rất lớn từ kiến trúc cung đình, nhưng về cơ bản, những ngôi chùa Huế xưa đều có kết cấu theo hình chữ "khẩu" mà ít có hình trụ (thể hiện quyền hành của các vua, chúa). Chùa chính làm theo kiểu 3 gian 2 chái hoặc 1 gian 2 chái, gian giữa luôn có bộ cửa "thượng son, hạ bản" theo kiểu "son bài", hai gian chái hai bên được bố trí làm chỗ ở của vị trụ trì và khách phòng. Chúng ta có thể phân biệt được cái "cũ" và cái "mới" khi nhìn vào một số chùa Huế ngày nay còn giữ được nét nguyên bản, như chùa Thiền Tôn, Tường Vân, Linh Mụ, Túy Vân…

Lấy chùa Túy Vân làm chuẩn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một số nét đặc trưng của một ngôi chùa 3 gian 2 chái truyền thống xứ Huế diệu kỳ, trong cách trang trí nội thất cũng rất cầu kỳ mà cũng rất gần gũi... Toàn bộ ngôi chùa khi nhìn vào mọi người đều cảm thấy an lành, thoát tục.

Một ngôi chùa Huế xưa ngoài giá trị sử dụng để phục vụ sinh hoạt tu hành nâng cao kinh nghiệm nội tâm, nội lực còn là một sự tôn trọng tính kế thừa của nhiều tinh hoa văn hóa từ bản địa cho đến những kinh nghiệm của tiền nhân...

Sự bào mòn của năm tháng và những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm tạo nên sự mâu thuẫn trong việc trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa Huế. Dẫu là hơi trễ, nhưng vẫn chưa muộn để đặt lại vấn đề nhận thức giá trị một ngôi chùa Huế truyền thống. Dù trùng tu, tôn tạo hay cơi nới, điều cần thiết phải làm là giữ được tính nguyên bản gắn liền nét văn hóa đặc trưng của chùa Huế

Phan Thanh Bình
.
.
.