Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ: Giữ mãi nét tươi trong

Thứ Sáu, 25/09/2009, 22:49
Nói về tư gia của mình, nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế cho biết đây là công trình mới hoàn thành được một năm. Nó được xây dựng nhờ sự phối hợp giữa UBND huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và gia đình ông. Mục đích là để nơi đây thành Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, còn là "sân chơi" giàu bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau.

Lâu nay, người ta thường nói đến sự "biến mất" của các dòng tranh dân gian do bị lép vế trước các sản phẩm nghệ thuật mang tính công nghệ cao. Ví như làng tranh Đông Hồ lừng danh là thế, đã chuyển hẳn sang nghề làm hàng mã. Nếu mới đây, tôi không ghé qua làng Đông Hồ để viết bài về "công nghệ" làm hàng mã phục vụ tháng cô hồn thì chẳng thế nào biết được, ở đây có nghệ nhân thành lập một công ty với "dây chuyền" sản xuất, trưng bày, thưởng ngoạn... khép kín với mục đích tranh Đông Hồ tồn tại mãi với thời gian.

Tôi rất bất ngờ khi đứng trước quần thể các công trình kiến trúc mang đậm phong cách Việt đồng bằng Bắc Bộ ven đê sông Đuống. Nếu không có tấm bảng hiệu "Nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế", tôi sẽ nghĩ đây là dinh thự của đại gia yêu cảnh điền viên nào đó. Cửa mở khiến tôi mạnh dạn tiến vào trong và lại ngạc nhiên khi thấy những người trong nhà đang làm tranh. Người dập, người bôi màu, người in... rất thuần thục. Dường như đã rất quen với những người khách không mời mà đến nên họ vẫn chuyên tâm vào làm việc. Chủ nhà, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế bảo chúng tôi cứ tự nhiên vào tham quan "không mất phí".

Nếu như ở ngôi nhà chính quay mặt ra đường làng có tiếng trò chuyện của những người thợ, tiếng dập tranh, in tranh thì trong ngôi nhà trưng bày lại vô cùng yên ắng. Chủ nhân treo những bức tranh Đông Hồ thuộc hàng kinh điển như tranh tứ quý, em bé ôm cóc... trên tường. Giữa nhà là những bộ bàn ghế tre sơn màu cánh dán. Tại đây, khách có thể vừa ngắm tranh, vừa suy tư mà chẳng hề bị ai làm phiền. Không chỉ ở Hà Nội, mà tại một số miền quê, để có được không gian thuần Việt và tĩnh lặng như thế này, rất hiếm hoi.

Nhìn ra ngoài, thảm cỏ xanh bọc lấy chân con đê sông Đuống hiền hòa, tôi nhớ đến câu thơ của thi sỹ Hoàng Cầm "Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh"... Từ thuở ấu thơ, tôi cố hình dung ra làng tranh Đông Hồ nằm ven sông Đuống qua những câu thơ của Hoàng Cầm. Dẫu bài thơ ra đời cách đây mấy chục năm nhưng khi có dịp về Đông Hồ, tôi vẫn được ngắm tranh trong ngôi nhà ven sông.

Làm tranh Đông Hồ tại trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ.

Khi vào khu nhà bán hàng, tôi có cảm giác như vào siêu thị chuyên doanh tranh Đông Hồ. Có hàng trăm bức tranh với các kích cỡ, kiểu dáng, giá cả để trên kệ, treo trên giá... Có những bức tranh được in dạng tấm bưu thiếp, có phong bì đựng riêng, rất phù hợp cho các cháu đang tuổi học sinh tặng nhau mỗi dịp sinh nhật. Hay bức phú quý lại được dán trên mành trúc, cô bé ôm vịt, cậu bé ôm gà trông rất ngộ nghĩnh. Ngoài ra, có những bức tranh khổ to, để trong khung kính với đường viền tinh tế tạo cho người xem cảm giác vừa sang trọng, vừa dân dã... Giá cả của tranh cũng rất đa dạng, 5.000đ cũng có, tiền triệu cũng có... "Tùy vào kích cỡ, khung để ra giá", ông Chế cho biết.

Tôi tin chắc rằng, bất cứ ai đó, khi bước vào "siêu thị" này sẽ chọn được cho mình bức tranh ưng ý. Nói về việc sản xuất đa dạng các chủng loại tranh, ông Chế cho rằng đấy là cách để tranh Đồng Hồ đến được với nhiều người chơi. Cháu học sinh có thể mua tấm bưu thiếp tặng bạn, người lớn tuổi có thể mua bộ tứ quý treo trong nhà... Có lẽ vì thế, gần đây số lượng các trường phổ thông ở Hà Nội đưa các cháu về thăm nơi đây ngày càng lớn. Đến đây, các cháu được tận mắt xem người thợ làm tranh, được ngắm nghía hàng trăm bức tranh, được nghe nghệ nhân kể về tích của từng bức tranh...

"Khách trong nước có biểu hiện về Đông Hồ ngày càng nhiều hơn", nghệ nhân Chế cho biết. Ông còn tin rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng. Nó cho thấy, sau một thời gian "chạy" theo dòng nghệ thuật đương đại, nhiều người đã quay về với tranh dân gian. Nếu như trước đây, cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nhà mua tranh Đông Hồ thì nay, tranh bán rải rác trong năm.

Nói về thời kỳ tranh Đông Hồ đứng trước nguy cơ biến mất, nghệ nhân Chế cho rằng, lúc đó nếu không có sự gắn bó lâu bền, chắc ông cũng bỏ nghề. Vốn tốt nghiệp khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ông đã có thời gian làm công tác giảng dạy tại trường. Sau đó, ông về làm công tác biên tập ở Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin.

Những tưởng đi thoát ly, ông sẽ quên nghề làm tranh gia truyền nhưng không phải. Chính những ngày công tác ở Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, trực tiếp biên tập những tập tranh Đông Hồ, ông đã có ý thức sưu tầm, bảo tồn và sáng tác tranh. Hồi đó, mỗi dịp về quê ông lại đi tìm những bản khắc cổ. Thế nên hiện nay, ngoài bản khắc cổ gia truyền, ông có trong tay hàng trăm bản khắc được sưu tầm trong làng. Đây chính là gia tài khổng lồ, là cơ sở để tin rằng tranh Đông Hồ không bị thất truyền.

Đến làng Đông Hồ hôm nay, người ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển hiệu "nhận đặt xe máy", "chuyên ôtô"... Những tấm biển này cho thấy, nghề hàng mã đang rất thịnh ở làng tranh nổi tiếng này. Cả làng Đông Hồ, ngoài gia đình ông Chế, chỉ còn có hai gia đình khác theo nghề làm tranh. Khi chúng tôi có mặt ở Đông Hồ là lúc "chính vụ" làm hàng mã. Nhà nào cũng chất đầy những giấy màu các loại. Những đôi tay nhỏ xíu của trẻ học lớp 3 đã quen với việc phết hồ, dán những miếng bìa, giấy màu để làm hàng mã. Nếu như không có những người đắm đuối với nghề làm tranh truyền thống như ông Chế thì sự mai một của dòng tranh dân gian nức tiếng này là không tránh khỏi.

Nói về tư gia của mình, ông Chế cho biết đây là công trình mới hoàn thành được một năm. Nó được xây dựng nhờ sự phối hợp giữa UBND huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và gia đình ông. Mục đích là để nơi đây thành Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ.

Trên diện tích 2.000m2, các hạng mục công trình được cây dựng gồm: khu trưng bày, khu sản xuất tranh, sân gạch, vườn, ao... Kiến trúc của công trình mang đậm phong cách Việt với nhà ngói, cột gỗ, sân gạch Bát Tràng... Cái tâm của người làm nghề và sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương đã tạo ra một "sân chơi" giàu bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn cho biết, ông đã thành lập một công ty chuyên làm tranh dân gian Đồng Hồ. Có tư cách pháp nhân, có nghề và niềm đam mê tranh, ông Chế và 10 thành viên trong gia đình đã giữ hồn cốt tranh và để nó có sức sống trên thương trường

Hồng Hằng
.
.
.