Trưng bày những bức thư của vua Quang Trung gửi Nguyễn Thiếp

Chủ Nhật, 13/02/2011, 16:27
Sau hơn hai thế kỷ, những câu chuyện được lưu truyền thuở nào lại trở về như bài học không bao giờ cũ cùng với những "vật chứng" rõ ràng: Những sắc thư, sắc chiếu của vua Quang Trung gửi cụ Nguyễn Thiếp được trưng bày ngày 10/2 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP HCM.

Có ít nhất ba lần đích thân Bắc Bình Vương, sau này là vua Quang Trung thiết tha gửi thư mời ra giúp dân, giúp nước là ba lần La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp khéo léo chối từ. Nhưng bằng sự tôn trọng và lòng kiên trì cầu hiền tài, vị vua nổi tiếng của triều đại phong kiến Việt Nam đã thuyết phục được người sĩ phu nổi tiếng "xuất núi" và có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước cũng như chính triều đại Tây Sơn…

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp sinh năm 1723 tại Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Từng đỗ Hương giải, ra làm quan một thời gian rồi cáo về ở ẩn, đọc sách, nổi tiếng là người thanh cao, uyên bác. Chúa Trịnh từng mời ra làm quan nhưng ông từ chối. Biết tiếng Nguyễn Thiếp, năm 1787, lần đầu tiên Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trịnh trọng cử người mang thư đến mời. Nội dung thư khẳng định Bắc Bình Vương nghe tiếng Phu tử đức lớn, tài cao, đã khó nhọc bỏ công tìm kiếm, rất mong được gặp mặt cho thỏa lòng… Nguyễn Thiếp khéo léo từ chối. Không bỏ cuộc, Nguyễn Huệ tiếp tục cử người đưa thư mời lần thứ hai. Cùng những lời lẽ tha thiết còn viện dẫn rằng việc ông ra giúp đời không chỉ giúp Nguyễn Huệ có thầy mà thờ mà còn để giúp thời thế khỏi loạn, dân tình đỡ khổ sở. Sự việc vẫn không thành.

Chiếu vua Quang Trung trách cụ Nguyễn Thiếp từ chối bổng lộc.

Ngày 13/9/1787, Nguyễn Huệ tiếp tục sai người đưa lá thư thứ 3 đến Nguyễn Thiếp. Nội dung vẫn là những lời tha thiết nhưng thoảng có ý trách cụ cố chấp. Tuy nhiên, phải đến cuối năm, khi đưa quân ra Bắc trị tội Vũ Văn Nhậm, có dịp ghé qua miền Trung, Nguyễn Huệ cho người đến rước, hai bên mới gặp nhau.

Chia sẻ về câu chuyện và những hiện vật đặc biệt vừa được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP HCM này, Tiến sĩ Phạm Hữu Công, Phó Giám đốc Bảo tàng cho rằng tất cả sẽ chỉ lưu truyền qua các câu chuyện trong nhân gian và các trang tư liệu nếu đầu thế kỷ XX, vị giáo sư cũng nổi tiếng học rộng tài cao Hoàng Xuân Hãn không theo học sinh trường Bưởi tản cư vào Thanh Hóa vì chiến tranh. Chính những ngày này, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm được khá nhiều tư liệu quý, trong đó có những tư liệu về La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng nhiều sắc thư, sắc chiếu của vua Quang Trung và nhiều vị quan khác gửi cho ông. Tất cả các hiện vật đều được dòng họ này cất giữ cẩn thận, coi như vật gia bảo.

Lý giải về thái độ của Phu tử Nguyễn Thiếp, Tiến sĩ Phạm Hữu Công cho rằng ngoài sức mạnh quật khởi, đè bẹp thù trong giặc ngoài của phong trào Tây Sơn thì thái độ trọng hiền tài của vị vua lẫy lừng trong lịch sử chính là yếu tố quyết định việc Nguyễn Thiếp nhận lời ra giúp việc triều chính. Bởi lẽ, Nguyễn Thiếp vốn là người xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình, không thể không có tư tưởng trung quân ái quốc theo quan niệm trung thành với một triều đại. Hơn thế, Nguyễn Huệ lúc ấy vẫn còn khá trẻ, chỉ bằng nửa tuổi đời Phu tử đất La Sơn. Nhưng bằng tấm lòng chân thành, sự trọng thị thực sự người hiền tài của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã không chỉ giúp một sĩ phu thức thời, trở thành cánh tay đắc lực cho nhà Tây Sơn mà còn có công lớn, giúp quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh, xây dựng nền giáo dục thực học hơn…

Trở lại với những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP HCM, chúng tôi được biết ngoài thư mời cụ Nguyễn Thiếp ra giúp việc, hội kiến với vua Quang Trung còn có chiếu của vua nhờ cụ xem, chọn ngày dựng hành cung ở Nghệ An, khen cụ dịch "Tiểu học", "Tứ thư" và giục dịch các kinh "thi, thư, dịch" hay có khi chỉ là lời trách cụ đã từ chối bổng lộc của triều đình. Tất cả đều khiến người xem kính trọng đức hạnh, tầm nhìn, cách ứng xử của La Sơn phu tử và càng kính trọng hơn tài năng, trí tuệ, tầm nhìn, đặc biệt là thái độ "dụng nhân", trọng thị người hiền tài phục vụ nhân dân, đất nước của người anh hùng áo vải của dân tộc - vua Quang Trung Nguyễn Huệ

Ngọc Nguyễn
.
.
.