Trọng tài bóng đá Việt: Cõi phúc và dây oan
Với nhiều người trở thành trọng tài là đặt chân vào "cõi phúc". Với nhiều người trót mang tình yêu với bóng đá nước nhà là buộc vào mình "dây oan"...
Trọng tài là "vua sân cỏ", là người đảm bảo cho cuộc chơi xung quanh trái bóng trong khuôn khổ của luật và lệ.
Oai quyền là thế và trách nhiệm cũng vì thế mà nặng đầy nên chắc hẳn người bước vào nghề trọng tài phải luôn giữ cho mình một chữ "tâm" sáng để hướng đạo tiếng còi, để "tu" thành chính quả.
Nhưng… 1/4 số trọng tài điều khiển mùa giải 2005 thừa nhận đã "thủng" vì "ăn đạn tiền" các đội bóng. Hàng loạt trọng tài bị khởi tố và bắt giam khi hết thời hạn tự thú của cơ quan điều tra. Và rõ ràng số trọng tài "nhúng chàm" chưa dừng lại ở đây bởi không phải ai chưa bị bắt là không có tội. Khi tấm màn đen bấy lâu bao phủ thế giới của những "ông vua áo đen" bị vén lên, người ta đau lòng tự hỏi: Làm nghề gì mà kiếm được 50 triệu trong 90 phút cầm còi ở trận Đông Á.Thép Pomina-THS.Cần Thơ như ông trọng tài vừa bị khởi tố và bắt giam Lê Văn Tú?
Có người tỉ mẩn ngồi chia lương của HLV hàng đầu giải Ngoại hạng Anh Mourinho theo giờ để rồi giật mình, hoá ra thu nhập của ông thầy đang cầm đội bóng "địa chủ" Chelsea bên trời Tây còn thấp hơn "thu nhập đen" của trọng tài Tú ở bóng đá nước ta.
Không phải tất cả các trọng tài đều ăn "tiền đen", và không phải ai chọn nghề cầm còi cũng bắt đầu từ một chữ "tiền". Nhưng với những gì đã, đang và sẽ diễn ra trong "tâm bão" tiêu cực của làng bóng đá nước nhà, thì không thể gọi là chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" được nữa rồi.
Thế mới biết tại sao trong một cuộc "trà dư, tửu hậu" với cánh phóng viên, một vị cựu trọng tài FIFA đã cười mỉm mà rằng: "70% số trọng tài vừa điều khiển ở mùa giải 2005 đi lên bằng còn đường "lobby" hành lang". Thế mới biết tại sao hậu trường làng bóng có nhiều đến thế những lời đồn đại về các "cuộc đua" của giới trọng tài: "Chạy" để được cầm còi và "chạy" để được bắt những trận "thơm". Thế mới biết, đúng là ở đời cái xấu dễ theo, cái tốt khó làm lắm thay. Anh "ăn", tôi cũng "ăn", bởi những khoản "siêu lương" như thế mà một số trọng tài cứ phải "chạy" và "chạy" như "Forrest Gump", chạy đến "cõi phúc", bỏ lại phía sau chẳng đoái hoài, chăm chút cho chữ "tâm" của người cầm còi.
Lại nghe nói, khi giai đoạn "tự thú" đã khép lại, cơ quan điều tra bắt đầu tiến hành khởi tố và bắt giam những trọng tài "nhúng chàm" không chịu hợp tác, khai báo thiếu thành khẩn, thì có trọng tài đã "ngược xuôi" tìm những người quen ở các cơ quan bảo vệ pháp luật để… "chạy tội" và đã bị... từ chối với lời khuyên chân thành: "Chỉ có một cách duy nhất là thành khẩn". Quen "chạy" rồi nên không biết "chạy trời đâu khỏi nắng"!
Người viết đã đọc ở đâu đó lời nói của một vị chân tu: "Ai cũng bảo tu là cõi phúc, tình là dây oan. Nhưng tu sẽ chẳng là cõi phúc nếu người bước vào đường tu mà vẫn còn vướng bận sân si. Tình sẽ chẳng là dây oan nếu người ta không tạo ra oan trái trong tình trường. Vì thế tu và tình có thể là cõi phúc mà cũng có thể là dây oan"…
Phải chăng cái sự "sân si" đã biến "cõi phúc" của giới trọng tài thành "dây oan"? Để rồi một ngày kia, nhận ra rằng, điểm cuối của con đường là…trại giam thì đã quá muộn.
Thêm một trọng tài bị bắt với tội danh "hối lộ" là thêm một lần niềm tin của người hâm mộ bị xúc phạm, sự đam mê của khách mộ điệu bóng tròn bị lừa dối, tình yêu của các CĐV bị tổn thương. Họ ôm trong mình một tình yêu mãnh liệt với bóng đá nước nhà, nhưng giờ đây họ đã bị "phụ tình" khi sự thật cất lên tiếng nói phũ phàng.
Bát nước hất đi chẳng thể lấy lại được. "Vết thương lòng" của giới mộ điệu biết đến bao giờ mới nguôi ngoai?
Cả tu và tình giờ đều đã thành dây oan