Trọng Loan - từ một người lính Thập Vạn Đại Sơn

Thứ Năm, 27/07/2006, 08:17

Trọng Loan tuy sinh sau Văn Cao một tháng nhưng vẫn là bạn đồng niên Quý Hợi 1923. Và cũng chính khác nhau ngày tháng sinh nên dường như sự nghiệp âm nhạc của hai ông như tạo thành một cặp nối tiếp nhau phủ sóng thời gian trên toàn bộ Tân nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến đến tận hôm nay.

Khi Văn Cao nổi tiếng ngất trời bởi những tình ca và những hành khúc yêu nước từ đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước cho đến Cách mạng Tháng Tám thì Trọng Loan mới bắt đầu sự nghiệp bằng một hành khúc viết về đội Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng. Khi Văn Cao lên Lào Cai lập phòng tuyến tình báo ngăn chặn quân Tưởng từ Vân Nam tràn sang thì Trọng Loan lại hoạt động văn nghệ ở Khu Bốn.

Khi Văn Cao về Khu Ba thì Trọng Loan lại cùng đoàn quân viễn chinh vượt Thập Vạn Đại Sơn sang góp phần cùng Bát Lộ Quân cởi ách quân Tưởng các tỉnh phía nam Trung Quốc. Khi Văn Cao dừng lại những sáng tác âm nhạc của mình thời đầu chống Mỹ thì cũng là khi Trọng Loan tiếp nối, thổi sinh lực vào âm nhạc chống Mỹ những nhịp điệu hành khúc mới cùng những sáng tạo trữ tình đậm đà bản sắc dân tộc. Họ mỗi người mỗi tài, mỗi người mỗi vẻ nhưng vô hình trung lại làm thành một “cặp bài trùng”, dựng nên một “Núi Đôi” trong dải Trường Sơn bằng âm thanh.

Trọng Loan tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Loan cũng như tên đầy đủ của Văn Cao là Nguyễn Văn Cao. Có lẽ vì ông thân sinh tên là Nguyễn Trọng Phòng nên cậu con trai đầu được ông đặt cho cái tên Loan. “Phòng Loan” chính là căn phòng của các tiểu thư yểu điệu, khuê các khi xưa. Chính cái tên và tình yêu âm nhạc cổ truyền của người cha, cùng nghề nghiệp công chức lục lộ nay đây mai đó của ông đã tạo nên một chất nghệ sĩ riêng biệt trong tâm hồn Trọng Loan.

Mang mệnh Đại Hải Thủy mà Trọng Loan lại mắc nợ với rất nhiều tỉnh miền núi, nơi người cha và gia đình tạm cư để mở những con đường. Món “nợ núi” cũng đã được ông bắt đầu đền đáp ngay từ khi làm người lính vượt Thập Vạn Đại Sơn cùng đoàn quân viễn chinh của tướng Lê Quảng Ba. Nhờ những ngày đền đáp này mà Trọng Loan lại dấy lên trong mình nguồn cảm xúc mới. Những bài hát viết trên chặng đường này có lẽ là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo về người lính Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế cũng như “Tây Tiến” của Quang Dũng.

Vượt dốc, chống giặc. Xuyên mưa, xuyên nắng. Trọng Loan không chỉ chôn những đồng đội hy sinh trên đất bạn mà còn dằn lòng chôn cả cây đàn guitare - bạn đầu đời của ông - khi bị gió mưa làm bung ra từng mảnh. Ông đã chôn cây đàn vào hốc đá như gieo vào lòng đất một hạt giống của kỷ niệm, để kỷ niệm mọc xanh trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nhờ thế, chùm bài hát “Bài ca viễn chinh” của Trọng Loan đã được viết ra từ cảm xúc chân thực, được người lính trân trọng hát vang. Bài hát chia tay Bát Lộ Quân của Trọng Loan đã được Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đặt tên là “Chia tay quân bạn” và trở thành một hồi ức tươi sáng của những ngày đầu sáng tạo âm nhạc. Từ Thập Vạn Đại Sơn, Trọng Loan bắt đầu tạo ra một chiều cao cho sự nghiệp nghệ sĩ của mình.

Ngày 5/8/1964 ở miền Bắc đã trở thành một ngày ghi nhớ khi không lực Mỹ leo thang ra miền Bắc và bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt. Ngày ấy, bao nhạc sĩ đã thét lên những giai điệu căm hờn như “Giặc đến nhà ta đánh” của Đỗ Nhuận, “Đánh đích đáng” của Ngô Sỹ Hiển… Riêng với Trọng Loan thì đó là thời điểm để ông đưa ra một nhịp hành khúc kiểu riêng mình. Bản hành khúc “Phải đánh lũ giặc Mỹ” của Trọng Loan như tiếng thét đanh thép của dân tộc Việt Nam trước bọn Mỹ xâm lược. Những nốt chấm giật nối tiếp xen kẽ những chùm ba liên tục là ý chí, là thôi thúc, là giục giã. Bản hành khúc đã được Đài Tiếng nói Việt Nam hát vang và dùng làm nhạc cho các chương trình phát thanh buổi sáng cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975.

Mạch hành khúc kiểu Trọng Loan lại tiếp tục chảy vào đời khi các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ - Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu chống máy bay Mỹ, xứng đáng là đảo tiền tiêu. Bản hành khúc “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” dựa trên chất liệu dân ca và hò Quảng Trị đã mang tới cho hành khúc Việt Nam một sáng tạo mới khi đưa cả âm hưởng hò khoan vào nhịp điệu này:

Khoan dô khoan con thuyền vượt biển rộng
Cho gửi tấm lòng tới đảo của ta
Khoan dô khoan tiếng hò từ đảo xa
Rung khắp hai miền “Tiến quân ca”.

Rất vô tình, như từ trong máu mà Trọng Loan nhắc đến “Tiến quân ca” của bạn đồng niên Văn Cao. Các hành khúc của Trọng Loan như một sự nối tiếp từ “Chiến sĩ Việt nam”, “Tiến quân ca”, “Bắc Sơn” của Văn Cao, vừa hào hùng vừa trữ tình da diết.--PageBreak--

Tới một trường hợp nữa thì mới thấy cái duyên nợ tự nhiên giữa hai nghệ sĩ này. Khi Văn Cao viết “Đường dây qua bản” bằng chất liệu dân ca Tày Nùng duyên dáng, đẹp đẽ và mảnh mai, thì Trọng Loan đã chạm tới thời khắc thăng hoa của sáng tạo với “Người Châu Yên em bắn máy bay” sử dụng chất liệu dân ca Thái, ông đã làm ra một giai điệu độc đáo vào hạng bậc nhất của lịch sử Tân nhạc Việt Nam. Đó là sự thăng hoa của tinh thần yêu nước trong ông và niềm cảm phục vô bờ bến lòng dũng cảm của các cô dân quân Tây Bắc. Những từ ngữ rất địa phương như: “A ha! Hây hây”. Những giai điệu “xòe vòng” của người Thái cùng nhịp điệu trống chiêng đã ngấm trong ông đã tự nhiên bật ra thành kiệt tác:

Con gái trắng nõn những búp tay
Em có dám bắn may bay? Bắn ngay!
Có cây súng ta vững cái tay
Núi rừng ta lập công ngày ngày
Khi quân xâm lăng tới, Hây!…

Từ thời khắc này, Trọng Loan như thế chỗ Văn Cao để làm tiếp những âm thanh cho một thời lửa đạn.

Đến khi tôi gia nhập quân đội mùa thu 1971 và hành quân qua Quảng Bình, Quảng Trị thì bài hát “Quên sao quê mẹ Quảng Trị anh hùng” của Hương Lan (một biệt danh của Trọng Loan) đã được lính ta thuộc lòng và còn bịa thêm ra bao nhiêu lời ca vui vui. Cái sức hút của giai điệu giản dị này chính là Trọng Loan đã thấm sâu cái chất hò giã gạo của xứ Quảng Trị mà truyền nó như truyền lửa vào tâm hồn con người:

Mảnh đất thân thương hiền lành giản dị
Vẫn thơm tiếng mẹ Quảng Trị quê ta…

Giai điệu ấy đã theo bao người lính vượt Trường Sơn.

Trọng Loan cũng rất độc đáo khi viết những bài ca binh vận như “Đi theo ánh sáng soi đường”, “Nhắn người trai Việt”… Việc sử dụng chất liệu dân ca Nam Bộ cũng được ông chắt lọc theo lối riêng. Khi thì rất vui vẻ, dí dỏm như “Má cưng ai nhất”, khi thì tha thiết, tình cảm như “Lời ca dâng Bác”. Nếu ở “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, Văn Cao đã khắc họa được chân dung của vị lãnh tụ vĩ đại, thì ở “Lời ca dâng Bác”, Trọng Loan lại diễn giải tình yêu thương miền Nam của Bác đến mức xúc động không cầm nổi nước mắt:

Ai yêu miền Nam như tấm lòng miền Bắc
Có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt
Như tấm lòng của Bác
Nhớ tới đồng bào miền Nam

Bài hát một đoạn đơn mà như chảy lai láng trong ta tình yêu thương của Bác trong câu nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”.

Đi hết các âm hưởng dân ca qua miền Trung, miền Nam, Trọng Loan lại ngược trở về với Tây Bắc thân thuộc đã tặng cho ông một “Người Châu Yên em bắn máy bay”. Lần này thì Tây Bắc lại tặng cho ông một “Trăng sáng trên rừng quế”. Làm sao quên được cái đêm trăng viễn sơn thơm nức mùi quế ở bản người Dao đã khiến cho Trọng Loan hát lên những âm thanh:

Trăng sáng trên núi cao cao
Sáng mênh mông rừng quế người Dao
Trăng nghiêng nghiêng trăng khoe trăng đẹp
Hay trăng đang nghe rừng hát tự hào…

Trọng Loan cứ thế dạt dào trong sáng tạo đến ngày toàn thắng. Khi Văn Cao hồi sinh mình trong “Mùa xuân đầu tiên” cũng là khi Trọng Loan chất ngất với “Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca” cùng một nhịp valse.

Những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, dù đã qua tuổi lục tuần, Trọng Loan vẫn không chịu “lên lão”. Nếu Văn Cao khép lại sự nghiệp âm thanh của mình bằng “Tình ca trung du” với chút âm hưởng nhạc nhẹ, thì Trọng Loan cũng vào cuộc “nhạc nhẹ hóa” rất tự tin ở “Nếu anh tới thăm đảo”. Không ngờ tác giả của “Gửi Cồn Cỏ anh hùng” đanh thép và da diết thời chiến tranh lại thật trẻ trung khi hát về người lính đảo thời  bình:

Ở đảo xa xôi, nơi tôi ước sao có một ngày
Người thương tôi sẽ tới
Trong gió reo biển khơi
Em thấy ngay đảo tôi
Cả một nước non tuyệt vời…

Nhiều nhập cuộc của Trọng Loan đã khiến cho người mến mộ không nghĩ ông đã tới tuổi thất tuần và tuổi bát tuần hôm nay. Tình yêu âm nhạc của ông ngày từ thời trẻ đã ảnh hưởng sang em trai Trọng Bằng và đã biến chàng trai này từ một giáo viên văn trở thành nhạc sĩ Trọng Bằng - nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Riêng ông từ người lính Thập Vạn Đại Sơn, ông đã trở thành nhạc sĩ - đại tá quân đội cho tới khi về hưu. Tình yêu âm nhạc của ông còn ảnh hưởng tới cô con gái làm nghề cô giáo và cậu con trai bác sĩ quân y. Con gái Tường Lan đã trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Còn cậu con trai thì vừa say mê chữa bệnh, vừa thích thú viết những giai điệu làm lành lặn con người.

Cuộc đời của người lính văn nghệ như Trọng Loan là một cuộc đời thanh bạch nhưng tràn đầy chất nhân văn

Nguyễn Thuỵ Kha
.
.
.