Triển lãm về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với sáng tác cho thiếu nhi

Thứ Năm, 18/06/2015, 07:47
Triển lãm “Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với cảm hứng sách thiếu nhi” đã diễn ra tại Hà Nội ngày 17/6. Đây là hoạt động do NXB Kim Đồng phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân dịp kỉ niệm 58 năm ngày thành lập NXB.

Với hàng trăm bức ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, đặc biệt là những đóng góp của ông trong công tác xuất bản sách cho thiếu nhi, Triển lãm đã mang đến những thông tin đầy đủ hơn về  về mảng sách thiếu nhi trong buổi đầu thành lập NXB Kim Đồng - nhà xuất bản đầu tiên dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam.

Triển lãm này còn đặc biệt khi có  cả những bút tích của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Phong Nhã, họa sĩ Tạ Thúc Bình… viết, vẽ cho các em; những tư liệu ghi chép phục vụ cho sáng tác; những trang nhật kí thể hiện quan điểm, tư tưởng sáng tác của nhà văn; những bức thư thăm hỏi, trao đổi giữa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với các nhà văn, cộng tác viên, cán bộ biên tập của NXB Kim Đồng như Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Nguyễn Xuân Sanh…

Một số hình ảnh, tư liệu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại triển lãm.

Triển lãm cũng dành một không gian trang trọng trưng bày các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi, từ những cuốn SÁCH KIM ĐỒNG ra trong kháng chiến đến những cuốn sách đầu tiên khi Nhà xuất bản Kim Đồng mới ra đời.

Một số hình ảnh, tư liệu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại triển lãm.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng với nhà văn Tô Hoài, là hai sáng lập viên chủ chốt của NXB Kim Đồng. Nguyễn Huy Tưởng là Giám đốc đầu tiên và Tô Hoài là người đặt tên cho NXB. Đây là kết quả của cả một quá trình lao tâm khổ tứ của các ông. Ngay trong những ngày kháng chiến chống Pháp gian khổ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Tô Hoài cùng các ông Hồ Trúc, Phong Nhã… luôn đau đáu với việc sáng tác cho thiếu nhi và xuất bản sách cho các em.

Một số hình ảnh, tư liệu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại triển lãm.

Với cương vị và uy tín của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn mời gọi các văn nghệ sĩ cùng tham gia viết, vẽ cho các em. Có thể kể đến nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, các họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Mai Văn Hiến, Tạ Thúc Bình, các nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi... những cộng tác viên của NXB Kim Đồng từ cái thuở ban đầu ấy.

Một số hình ảnh, tư liệu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tại triển lãm.

Là nhà quản lývới rất nhiều công việc bận rộn, nhưng Nguyễn Huy Tưởng vẫn không quên những bạn đọc nhỏ tuổi của mình, với việc trực tiếp sáng tác nhiều tác phẩm, góp phần bồi đắp cho diện mạo sách Kim Đồng những ngày đầu. Nhiều tác phẩm cho thiếu nhi của ông vừa là tâm huyết của người viết, đồng thời cũng nhằm khắc phục tình trạng “đói bản thảo” của NXB.

Các tác phẩm viết cho các em của Nguyễn Huy Tưởng cho đến nay vẫn được coi là mẫu mực của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, được dạy trong nhà trường ở nhiều cấp học, thường xuyên được xuất bản dưới nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt phải kể đến hình thức truyện tranh - từ những truyện cổ tích như “Con cóc là cậu ông Giời”, “Tìm mẹ”, “Thằng Quấy” đến truyện lịch sử “Lá cờ thêu sáu chữ vàng'”, tất cả đều được các thế hệ họa sĩ Kim Đồng thể hiện thành truyện tranh theo phong cách truyền thống hoặc hiện đại.

Ngoài ra, những tiểu thuyết, kịch bản, truyện ký gắn với tên tuổi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng như “Sống mãi với Thủ đô”, “Đêm hội Long Trì”, “An Tư”, “Vũ Như Tô”, “Bắc Sơn”, “Lũy hoa”, “Một ngày chủ nhật”… cũng lần lượt được xuất bản trong Tủ sách Vàng - Tác phẩm văn học chọn lọc hay Tủ sách Tác giả của NXB Kim Đồng.

Nhà văn Nguyễn Huy Thắng, nguyên Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, con trai cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, chia sẻ: Khi còn là thanh niên thì ông đã có những suy nghĩ rất nghiêm túc về sứ mạng của người cầm bút và đặc biệt là có mối liên quan giữa văn chương và thiếu nhi.

Có lẽ chính vì những suy nghĩ đó, khi ông làm Giám đốc NXB Kim Đồng, mong muốn của ông đã được phát huy và những sáng tác của ông đã tập trung vào 2 mảng là kể chuyện cổ tích và kể chuyện lịch sử. Nhiều sáng tác cho thiếu nhi đến nay được tái bản nhiều lần và sử dụng dưới các hình thức khác nhau.

Thanh Hằng
.
.
.