Triển lãm cổ vật Tây Sơn

Thứ Sáu, 11/02/2011, 18:33
Quá khứ lẫy lừng của cha ông một lần nữa trở lại với những neo thuyền chiến khổng lồ, những lưỡi gươm, đoản kiếm đã đen, mòn bởi thời gian, những khẩu súng thần công, thanh gươm ngà quý giá hay giản đơn chỉ là vật dùng đo đếm: Thăng đo thóc, những đồng tiền Quang Trung, Cảnh Thịnh, chiếc nậm rượu, viên gạch xây thành…

Hơn 400 hiện vật gồm con dấu, chiếu chỉ của vua Quang Trung cho đến các loại vũ khí, vật dụng trong sinh hoạt từ thời Tây Sơn, sau bao năm lưu lạc trong chốn nhân gian hoặc nằm yên trong lòng sông, lòng đất được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Chi nhánh TP HCM phối hợp cùng 14 bảo tàng, di tích, nhà sưu tập tư nhân trên cả nước tổ chức trưng bày ngày 10/2 như một công trình kỷ niệm 240 năm phong trào Tây Sơn và 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Những cổ vật lưu lạc

12 con dấu, biểu tượng quyền lực của những người nắm giữ các vị trí trọng yếu thời Tây Sơn được đặt trang trọng trong tủ kính của phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Chi nhánh TP HCM là một trong những điểm dừng chân luôn tập trung sự chú ý của đông đảo người xem.

Chỉ con dấu "Đô đốc Khâm sai đơn vị tiền thủy", nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm, một trong số những người góp phần đưa những cổ vật Tây Sơn về bảo tàng trưng bày cho biết, theo ghi chép của sử sách thì đây vốn là vật được vua Quang Trung giao cho đoàn đi sứ sang Trung Quốc năm 1791, đề nghị cưới công chúa cùng thỏa thuận lấy 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Sự việc chưa thành thì vua băng hà.

Không biết con dấu lưu lạc qua những đâu nhưng cách đây mấy năm, khi có dịp ghé về huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, nghe đồn một người làm nghề mua bán đồng nát ở huyện Tây Sơn, Bình Định có chiếc ấn của vua, anh đến hỏi xem. Con dấu đã cũ nhưng còn nguyên vẹn.

Vốn gắn bó với công việc sưu tập dấu nhiều năm nên nhìn qua Nguyễn Văn Phẩm biết ngay đó là vật quý, chỉ có điều con dấu không có hình rồng, nhất định không phải ấn triện của vua. Đưa đi nhờ người biết chữ Hán, Nôm dịch, tra cứu sách sử mới biết đây là con dấu "Đô đốc Khâm sai đơn vị tiền thủy" kể trên. Mừng vì tìm được vật quý của tiền nhân nhưng liên tưởng chuyện đời dâu bể không khỏi ngậm ngùi.

Đông đảo người xem cổ vật thời Tây Sơn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP HCM.

Thực tế, 12 con dấu được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện nay là 12 số phận dài hàng trăm thế kỷ, đến được "điểm dừng chân" theo đủ các ngả đường.

Có con dấu đến từ hàng đồng nát như "Đô đốc Khâm sai đơn vị tiền thủy", có con dấu được các dòng họ coi như vật gia bảo, có con dấu được người chơi đồ cổ nâng niu mà muốn sở hữu thì chỉ có một cách duy nhất là tìm cho ra món đồ cổ khiến chủ nhân của chúng yêu thích hơn để đem ra trao đổi. Chỉ có điều, làm thế nào để biết vị chủ nhân ấy đang "khát" món đồ nào hoặc tìm cho được món đồ ấy để trao đổi thì thời gian không thể tính bằng tuần hay bằng tháng…

Đến "lễ vật" đặc biệt kính dâng  các bậc tiền nhân

Trao đổi với nhiều nhà sưu tập, khảo cổ học chúng tôi được biết, so với các triều đại khác, cổ vật thời Tây Sơn vẫn là một trong những loại chiếm số lượng rất ít được lưu giữ. Nhưng có điều lạ là dù không nhiều nhưng những hiện vật này lại được hàng trăm địa chỉ trong và ngoài nước lưu giữ. Đó là các bảo tàng, các di tích, các nhà sưu tập tư nhân.

Súng thần công bằng đồng, sản xuất ở thế kỷ XVII được tìm thấy ở đầm Thị Nại.

Đặc biệt hơn là các gia đình có liên quan đến triều đại này, mà phải kể đến là dòng họ Nguyễn của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp với rất nhiều hiện vật là các thư, sắc chiếu của vua Quang Trung và thuộc cấp gửi cho Nguyễn Thiếp cách nay hàng trăm thế kỷ, vẫn còn sắc nét và dấu son nguyên vẹn. Riêng ở nước ngoài, tuy chưa có điều tra, thống kê cụ thể nhưng thực tế, khá nhiều hiện vật thời Tây Sơn, đặc biệt là các đồng tiền đã hiện diện trong nhiều bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân ở Trung Quốc, Nhật Bản…

Riêng tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Chi nhánh TP HCM, sau khá nhiều thời gian đầu tư tâm sức, đơn vị đã phối hợp với 14 bảo tàng, di tích và nhà sưu tập gồm Bảo tàng Bình Định, Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng TP HCM, Bảo tàng Tiền Giang, Khu di tích núi Sam (An Giang), Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), các nhà sưu tập Nguyễn Văn Dòng, Đỗ Hùng, Lê Hoan Hưng, Nguyễn Tâm Hữu, Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Văn Sơn hoàn thiện chuyên đề "Cổ vật Tây Sơn: Hào quang sáng mãi".

400 hiện vật bằng nhiều chất liệu như gốm, gỗ, đá, giấy, kim loại, được đưa về khắp nơi trong và ngoài nước đưa ra phục vụ công chúng. Quá khứ lẫy lừng của cha ông một lần nữa trở lại với những neo thuyền chiến khổng lồ, mạn thuyền… đưa lên từ dưới lòng sông, nơi diễn ra trận chiến lẫy lừng lịch sử: Rạch Gầm - Xoài Mút, những lưỡi gươm, đoản kiếm đã đen, mòn bởi thời gian, những khẩu súng thần công, đạn đồng còn in dấu đơn vị: Nội Nhất Hạ, Khước Địch Tiền Sở, thanh gươm ngà quý giá hay giản đơn chỉ là vật dùng đo đếm: Thăng đo thóc, những đồng tiền Quang Trung, Cảnh Thịnh, chiếc nậm rượu, viên gạch xây thành…

Ngọc Nguyễn
.
.
.