Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 14/05/2013, 09:28
Ngày 13/5, “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được khai mạc tại Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam nhân kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2013). Đây là triển lãm thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh có qui mô lớn nhất từ trước đến nay, do Báo Năng lượng Mới và Hội Thư pháp trẻ Hà Nội phối hợp tổ chức.

Nhà văn Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập Báo Năng lượng Mới, Trưởng BTC Triển lãm, chia sẻ: Trong di sản văn hóa đồ sộ của Hồ Chủ tịch để lại cho dân tộc và nhân loại, có 170 bài thơ chữ Hán, trong đó tập “Nhật ký trong tù” có 133 bài. Với lòng kính trọng và tôn vinh Danh nhân Thế giới Hồ Chí Minh, những năm trước, các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã tổ chức viết và triển lãm Thư pháp chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại chưa tổ chức được.

Để tạo dấu ấn trong dịp kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch lần này, lần đầu tiên “Triển lãm Thư pháp thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh" đã được tổ chức, với sự tham gia của 28 nhà Thư pháp trẻ của Việt Nam; các nhà nghiên cứu chữ Hán Nôm hàng đầu của Việt Nam, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo TW và một số học giả. Các nhà Thư pháp trẻ đều là những người đã tham gia nhiều triển lãm thư pháp trong nước và quốc tế, nhiều người từng giành giải thưởng trong các triển lãm Thư pháp ở nước ngoài.

Biểu diễn Thư pháp tại Triển lãm.

Các nhà Thư pháp đã mang đến nhiều sáng tạo trong cách thể hiện chữ Hán, ở nhiều thể chữ: tiền vệ, hành thư, lệ, triện… Nhà nghiên cứu Phạm Đức Duật, người chuyên nghiên cứu văn học Lý -Trần và là tác giả của 5.000 hoành phi câu đối, nhận xét: Hồ Chủ tịch là người thông kim bác cổ, Người viết Nhật ký trong tù bằng chữ Hán chứ không phải bằng chữ quốc ngữ, là có lý do: Nói được bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh bản thân bằng ngôn ngữ phương Đông, để chính người Trung Quốc hiểu được sự giản dị và tính nhân văn cao cả trong tác phẩm của Người. Việc Hồ Chủ tịch viết Nhật ký trong tù bằng chữ Hán, còn có ý nghĩa tuyên truyền cho cách mạng Trung Quốc, tăng cường tình đoàn kết Việt - Trung.

Bên cạnh đó, Triển lãm này là cần thiết, vì hiện rất nhiều người không biết chữ Hán, trong khi di sản của cha ông để lại, gần như đều là viết  bằng chữ Hán. Nếu không biết chữ Hán, làm sao hiểu được những điều cha ông gửi gắm ở đền Hùng, đền Trần vv…? Cần có một lớp người trẻ kế thừa tinh hoa của cha ông, nếu không, chữ Hán sẽ mai một, khi hiện nay những Thư pháp gia như Lê Xuân Hòa đã đi xa.

Nhà văn Nguyễn Như Phong cho biết thêm: Toàn bộ hoạt động văn hóa này không bán vé và không có mục đích kinh doanh. Sau khi trưng bày, tất cả các tác phẩm được tặng lại cho Nhà tưởng niệm Bác Hồ của Bảo tàng Hồ Chí Minh và các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nhuận bút của các Thư pháp gia trong các ngày triển lãm được đưa vào quỹ An sinh xã hội của Báo Năng lượng Mới.

Ngày 15/5, triển lãm sẽ được tổ chức tại sảnh Tiền Đường, Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám và kéo dài đến hết ngày 16/5. Tại triển lãm, các nhà Thư pháp trẻ còn biểu diễn viết thư pháp là Thơ của Bác

Dạ Miên
.
.
.