Tri ân Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh
1. 1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh lấp lánh những ngôi sao trên ngực. Sự xuất hiện của những người Anh hùng tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh làm cho không khí trước đêm diễn thật đặc biệt. Những cái bắt tay, những cái lắc vai, vòng tay ôm chặt... của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những người Anh hùng thật cảm động.
Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam xúc động cho biết, chương trình "1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" là cuộc hành quân đặc biệt do Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn, Tập đoàn Mai Linh và một số đơn vị thực hiện. Xuất phát từ Đồng Tháp ngày 27/9, dọc đường hành quân, đoàn dừng lại giao lưu, thực hiện các nghi thức tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Trị.
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình “Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”. |
Ngày 7 và 8/10, đoàn đến dâng hương tại đất Tổ Hùng Vương và làm lễ xuất quân "Từ kinh đô Văn Lang về kinh đô Thăng Long". Đây là lễ xuất quân thật đặc biệt của 1.000 người Anh hùng với nghi thức truyền thống tại đền thờ 18 vị vua Hùng. Tối 8/10, đoàn có mặt tại Hà Nội và tham dự đại nhạc hội "Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người".
Trước khi diễn ra chương trình nghệ thuật, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trong bài phát biểu trọng thể nêu: "Hôm nay, trong không khí tưng bừng lễ hội, chúng ta vui mừng gặp mặt tại đây để chào đón những người con ưu tú của thời đại Hồ Chí Minh về dự Đại lễ. Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng 1.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) và các Anh hùng đại diện cho gần 5 vạn Bà mẹ VNAH, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động về dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội".
2. Đêm đại nhạc hội bắt đầu với chủ đề lịch sử anh hùng. Sân khấu tối, không gian im lặng, mặt đất chìm trong vũ trụ mênh mông thăm thẳm. Tiếng mõ, tiếng chuông cùng sự xuất hiện của dàn diễn viên đóng vai nhà sư càng làm cho không gian tĩnh lặng thêm huyền hoặc. Lịch sử anh hùng đã sinh ra hàng vạn Bà mẹ VNAH và các Anh hùng... Tiếng nhạc thiêng liêng, hùng khí nổi lên, dào dạt...
Tiếp đến, vua Lý Công Uẩn xuất hiện cùng đoàn tuỳ tùng. "Trẫm và các quan trong triều đình nhiều lần thị sát thành Đại La, đường sông, đường bộ, trên bến, dưới thuyền bán buôn như trẩy hội. Trẫm nhận thấy, Đại La ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi...", tiếng vua Lý Công Uẩn đọc Chiếu dời đô sang sảng, đầy uy quyền.
Cùng với đó là sự kết hợp của ánh sáng, của dàn diễn viên hàng trăm người tạo hình thuyền 9 rồng trong sắc thắm của cờ ngũ sắc tạo nên khung cảnh dời đô vô cùng sinh động. Nữ Anh hùng Can Lịch ngồi ở hàng ghế đầu chăm chú dõi theo những diễn biến trên sân khấu. Trong mắt bà lấp lánh niềm tự hào dân tộc. Những huy hiệu đeo trước ngực lấp loá trong ánh đèn càng tôn lên vẻ tôn quý của người nữ Anh hùng này.
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia" được thăng hoa qua màn biểu diễn của các nho sinh nam thể hiện động tác múa tượng trưng cho các ngòi bút thêu rồng, múa phượng kết hợp với màn múa của các nho sinh nữ thể hiện hình vẽ các áng thơ... Nền quốc học tái hiện tài tình bằng các màn biểu diễn trên sân khấu cộng với lời bình đầy thuyết phục, "năm 1070 các vua triều Lý xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta..." cho thấy bề dày văn hiến của dân tộc Việt
Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự chương trình. |
Lê Lợi trả gươm với sự xuất hiện mô hình rùa thần, các cảnh đặc tả hình tượng các anh hùng dân tộc Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Lê Lợi... cùng tạo hình chữ "Đại Việt Anh Hùng" nêu bật ý tưởng về chủ đề lịch sử anh hùng. Sự tài hoa, trí tuệ của những người dàn dựng thể hiện rất rõ trong việc đưa lên sân khấu hình tượng anh hùng dân tộc một cách nhuần nhị và mang tính khái quát cao.
Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, thời đại đã sản sinh ra hàng vạn người Anh hùng mà trong số họ hiện có 1.000 người tiêu biểu đang ngồi dưới khán đài. Những La Văn Cầu, Phạm Tuân, La Thị Tám, Ngô Thị Tuyển, Hồ Vai, Hồ Giáo... đã khắc tên trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, xây dựng kinh tế sau chiến tranh.
Và có cả những Anh hùng thời kỳ đổi mới như Lê Văn Kiểm, Trần Văn Sen... những doanh nhân mà tên tuổi họ được ngợi ca trong nền kinh tế thị trường. Trải dài phân đoạn Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh là hình ảnh tư liệu chân thực về Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu ở hang Pắc Pó. Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với 32 chiến sỹ giải phóng quân trong tiếng kèn xung trận.
Đoàn vệ quốc quân một lòng ra đi được thể hiện qua các màn biểu diễn của hàng trăm diễn viên trong vai các vệ quốc quân, dân quân, nhân dân... Tiếng hát đầy hào khí vang lên, kết hợp với các màn biểu diễn khiến cả sân khấu bừng lên không khí hừng hực ra trận. Sân khấu chuyển động, hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tái hiện quảng trường Ba Đình vào mùa thu lịch sử 1945. Hà Nội năm 1946, những chiến sỹ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", 9 năm làm nên một Điện Biên và khúc ca khải hoàn đón người chiến sỹ làm nên một Điện Biên Phủ vang dội địa cầu về Hà Nội...
"Bên ven bờ Hiền Lương" do NSND Thu Hiền hát thể hiện sự chia cắt đôi bờ Nam - Bắc trong kháng chiến chống Mỹ. Trong tiếng hát ngọt ngào, tha thiết của người nghệ sỹ gắn liền với dòng nhạc trữ tình cách mạng, tôi thấy Bà mẹ VNAH Lê Thị Đấu đến từ quê hương Đồng khởi Bến Tre đưa chiếc khăn rằn lau nước mắt.
Âm nhạc, sân khấu lay động lòng người, khiến những người mẹ có con hy sinh, những người vợ phải xa chồng trong kháng chiến... đang ngồi dưới khán đài xúc động. Hơn ai hết, những người mẹ Anh hùng, những chiến sỹ Anh hùng hiểu rõ nhất giá trị của hai chữ Tự Do.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Hà Nội với cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không, giải phóng miền Nam, Hà Nội hoà bình và phát triển... là những dấu mốc lịch sử được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật tinh tế. Ca khúc "Hà Nội niềm tin yêu hy vọng" do ca sỹ Trong Tấn hát nêu bật truyền thống lịch sử 1.000 năm. Trong số 1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đang ngồi dưới khán đài, có 123 Anh hùng người Hà Nội. Tại hàng ghế dành cho đoàn Hà Nội, chúng tôi thấy trong mắt họ ánh lên niềm tự hào, vui tươi khi thưởng thức tiết mục nghệ thuật tái diễn một Hà Nội hào hùng trong kháng chiến, một Hà Nội hăng say trong lao động, một Hà Nội trong tầm vóc mới và một Hà Nội đang vươn cao với tiết mục "Hà Nội rồng thiêng - Thăng Long cất cánh".
Tiết mục "1.000 năm Anh hùng hội tụ Đại lễ 1000 năm" với vài trăm diễn viên biểu diễn trong sự lung linh sắc màu, trong sự phấn khích của âm nhạc tạo nên một không khí chào mừng Đại lễ thật hào sảng. Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt, giàu ý nghĩa lịch sử, văn hoá và đậm chất nghệ thuật. Thể hiện rõ sự thăng hoa của những người nghệ sỹ biểu diễn; của biên kịch và đạo diễn.
3. "Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" là chương trình nghệ thuật diễn ra 7 đêm tại một số địa phương để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đêm diễn tối 8/10 với sự có mặt của 1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh thêm một lần nữa khẳng định giá trị nghệ thuật của chương trình đặc biệt chào mừng Đại lễ này.
Tại sân khấu "Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người", Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao cho đại diện Ban tổ chức chương trình "1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" 2 kỷ lục. Đó là kỷ lục đoàn 1.000 Anh hùng và đoàn xe dài nhất.
Đúng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói, "chương trình "Thăng Long hồn thiêng sông núi - Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người" là hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội và thấm đậm tính nhân văn. 1.000 Bà mẹ VNAH và các Anh hùng từ khắp mọi miền Tổ quốc đã có mặt ở Hà Nội là biểu tượng cao đẹp cho thế hệ người Việt