Trao giải thưởng Sách hay 2012

Thứ Sáu, 21/09/2012, 18:02
Với chủ đề “Sách và khai minh”, giải thưởng Sách hay 2012 bao gồm 8 hạng mục: Giáo dục, nghiên cứu, tra cứu, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và giải Dấu ấn mới cho tác phẩm ra đời chưa lâu, mang tính mới mẻ, đột phá, đại diện cho xu hướng đọc, viết, làm sách tiến bộ. Sau 5 tháng làm việc, Hội đồng trao giải và giải thưởng Sách hay 2012 đã chọn được 16 tác phẩm để trao giải.

Thu hút sự chú ý, tham dự của 600 nhân sĩ, trí thức, nhà giáo dục, nghiên cứu, các bậc thức giả, nhà văn, nhà báo, chuyên gia, bạn đọc mê sách và những cá nhân có tâm huyết trong và ngoài nước, giải thưởng Sách hay lần 2 năm 2012 đã được tổ chức long trọng tại TP HCM ngày 20/9.

Do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) và Dự án Sách hay tổ chức, giải thưởng Sách hay là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân, tổ chức đã góp phần cho ra đời những cuốn sách có giá trị. Đây cũng là giải thưởng dân lập đầu tiên về sách của Việt Nam do các học giả và độc giả bình chọn. 

Với chủ đề “Sách và khai minh”, giải thưởng Sách hay 2012 bao gồm 8 hạng mục: Giáo dục, nghiên cứu, tra cứu, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi và giải Dấu ấn mới cho tác phẩm ra đời chưa lâu, mang tính mới mẻ, đột phá, đại diện cho xu hướng đọc, viết, làm sách tiến bộ. Sau 5 tháng làm việc, Hội đồng trao giải và giải thưởng Sách hay 2012 đã chọn được 16 tác phẩm để trao giải.

Đại diện Ban tổ chức trao giải cho một số tác giả, dịch giả có tác phẩm đạt giải Sách hay 2012.

Theo đó, hạng mục nghiên cứu, giải thưởng cho sách viết thuộc về tác giả Nguyễn Lang với tác phẩm “Việt Nam Phật giáo sử luận” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 2000 và giải thưởng cho sách dịch được trao cho dịch giả Nguyễn Văn Trọng với tác phẩm “Bàn về tự do” (Nhà xuất bản Tri thức năm 2006).

Tác phẩm được trao giải tại hạng mục sách tra cứu: Từ điển tiếng Việt (cố Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, do Viện Ngôn ngữ học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1998); sách dịch “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” (tác giả Trịnh Xuân Thuận, dịch giả: Phạm Văn Thiều, Ngô Vũ, Nhà xuất bản Tri Thức, năm 2011).

Hạng mục sách giáo dục có “Đại học Huboldt 200 năm (1810-2010) kinh nghiệm thế giới và Việt Nam” (tác giả: Nguyễn Xuân Xanh, Nhà xuất bản Tri thức, năm 2011); sách dịch “Émile hay là về giáo dục” (dịch giả: Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, Nhà xuất bản Tri thức, năm 2008).

Hạng mục sách Kinh tế: “Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam” (tác giả: Trần Văn Thọ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2005 và Nhà xuất bản Trẻ, Phương Nam Book, năm 2006), “Những đỉnh cao chỉ huy” (dịch giả: Phạm Quang Diệu và nhóm dịch giả, Nhà xuất bản Tri thức, năm 2007).

Hạng mục sách thiếu nhi: “Tuổi thơ dữ dội” (tác giả: Phùng Quán, Nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1987), sách dịch “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” (dịch giả: Phương Huyên, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Công ty Nhã Nam thực hiện năm 2009)…

Nguyễn Hoa
.
.
.