Tranh cổ động thời chống Pháp: Ghi dấu một thời Điện Biên hào hùng

Thứ Ba, 13/05/2014, 11:41
Khá đông người đến với triển lãm “Tranh cổ động trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954” đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đã cho thấy, những bức họa này không chỉ là tình cảm của công chúng với quá khứ, mà còn là một phần của lịch sử mỹ thuật Việt Nam giữa thế kỷ XX. Hơn 100 bức, phần lớn là tranh cổ động, một số bức ký họa, bút ký và một số kỷ vật của các họa sĩ, đã phác thảo cách đây 6 thập niên.

Công chúng được gặp ở đây tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi: Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Ngô Mạnh Lân, Phan Kế An v.v… Nhưng phần lớn số tranh đều khuyết danh. Theo tâm sự của một số họa sĩ thời kỳ đó thì, được phục vụ kháng chiến là hạnh phúc của họ, do vậy các họa sĩ thường không ký tên vào tranh. Cũng có một bộ phận tác giả không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, chỉ là những chiến sĩ vừa cầm súng, vừa cầm bút vẽ để phục vụ các nhiệm vụ kháng chiến.

Đa phần các bức tranh vẽ trên giấy dó, giấy giang với những nét vẽ rất có hồn và giàu biểu cảm, phản ánh sinh động cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta khi ấy. Đó là bức ảnh chiến sĩ trong trận đánh đồn ở Cao Bằng, hay cảnh sinh hoạt của các chiến sĩ, ký họa bộ đội đóng quân ở Bắc Kạn, rút kinh nghiệm trước khi ra trận, tập đánh đồn v.v… Cũng có bức với các khẩu hiệu “Quyết không đi làm cho Pháp”, “Cương quyết giữ vững Việt Bắc”, “10 điều kháng chiến”, “Canh phòng cẩn mật”. Có bức tranh là khẩu hiệu hướng dẫn nhân dân cách chống chiến dịch Thu - Đông của địch, bằng cất giấu gạo thóc, mang theo trâu bò, lợn gà và định sẵn đường để chạy v.v…

Một số bức tranh thời chống Pháp.

Nhiều bức nối tiếp truyền thống của tranh dân gian thường đề những bài thơ, câu ca có âm hưởng ca dao, giúp quần chúng dễ hiểu, dễ thuộc. Để động viên nhân dân chống giặc, bức tranh kèm câu: “Ai ơi chuẩn bị thu đông/Đề phòng giặc Pháp tấn công phen này”. Bức tranh một phụ nữ nông thôn đội khăn mỏ quạ với lá cờ đỏ sao vàng: “Hỡi ai thương nước thương nòi/Trở về Tổ quốc giết loài thực dân”, kêu gọi mọi người ra trận đánh giặc. Bức tranh động viên nam giới lên đường tòng quân cũng gần gũi với hình ảnh người chồng mang thanh gươm dũng mãnh ra đi, người vợ bế đứa con thơ tiễn bên cửa, với 4 câu: “Mặt trời đã gác cành tre/Anh đi giết giặc em về nuôi con/Tài trai trả nợ nước non/Sử xanh ghi nét bút son muôn đời”… Có cả bức tranh với những hình ảnh cụ thể, hướng dẫn cách nhận ra dấu hiệu hàng binh Pháp sang ta; rồi động viên nhân dân mua công trái; học tập chính sách ruộng đất của Nhà nước, “Tuần lễ bao vây kinh tế địch” v.v… Một bức tranh màu, vẽ người mẹ già ngồi khâu áo cho con lên đường đánh giặc, với lời dặn dò: “Trấn thủ mẹ đã may xong/Gửi con con mặc mùa đông tới rồi/Con ơi, mặc áo nhớ lời/Giết cho hết giặc đời đời tự do”…

 Mỗi bức tranh đều là những bằng chứng sống động về một giai đoạn lịch sử bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình, cho công chúng hôm nay thấy rõ bước chuyển mình về quan điểm nghệ thuật của lớp nghệ sĩ kháng chiến thể hiện qua nội dung, đề tài thể hiện, phương pháp, kỹ thuật tạo hình và cách thức tiếp cận, chuyển tải tới công chúng, có nhiều nét đặc sắc riêng trong thể loại, trong kỹ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Tuy sáng tác nhằm tuyên truyền cách mạng, nhưng là loại hình nghệ thuật, nên tranh cổ động đã tìm và hình thành tiếng nói tự thân giàu khả năng biểu cảm thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng...

Có thể nói, những bức tranh cổ động này đã hoàn thành nhiệm vụ trong thời khắc cam go nhất, truyền tải có hiệu quả những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ tới nhân dân, cả những người không biết chữ, góp phần to lớn vào đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Cuộc chiến của người họa sĩ không diễn ra ngoài chiến tuyến mà diễn ra đằng sau giá vẽ

PV
.
.
.