Tranh cãi xung quanh bản quyền sách "Đắc nhân tâm"

Thứ Tư, 17/12/2008, 14:35
Công ty Trí Việt được Tập đoàn xuất bản Simon & Schuter cấp bản quyền với 2 đầu sách "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" của Dale Carnegie, Mỹ. Tuy nhiên, Trí Việt cũng khẳng định không can thiệp để tịch thu bản tiếng Việt 2 sách trên của dịch giả Nguyễn Hiến Lê.

Ngày 16/12, Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News chính thức tổ chức công bố bản quyền tiếng Việt ấn phẩm cập nhật mới của "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" của Dale Carnegie, Mỹ.

Tuy nhiên, việc Trí Việt độc quyền bản tiếng Việt trong khi hai tập sách đã có hơn 50 năm gắn bó với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận.

Nhiều ý kiến trái chiều

Được biết, "Đắc nhân tâm" (How to win friends and influence people) và "Quẳng gánh lo đi mà vui sống" (How to stop worrying and Start Living) của tác giả người Mỹ, Dale Carnegie xuất bản lần đầu tiên năm 1936. Cách đây hơn nửa thế kỷ, sách đã được học giả Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt và trở thành cuốn sách "gối đầu giường" của nhiều thế hệ người Việt.

Gần đây, Công ty Trí Việt đã mua bản quyền tiếng Việt từ Tập đoàn xuất bản Simon & Schuter của Mỹ, trở thành đơn vị độc quyền về bản dịch tiếng Việt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quyết Thắng thì ông là người được gia đình của ông Nguyễn Hiến Lê ủy quyền về toàn bộ số tác phẩm của cố dịch giả này và tất cả đã được đăng ký bản quyền tại Việt Nam.

Bản sách mới (màu đỏ) của Trí Việt và một số bản cũ của dịch giả Nguyễn Hiến Lê.

Trước khi dịch một tác phẩm nào đó sang tiếng Việt, dịch giả Nguyễn Hiến Lê đều có thư từ, trao đổi, xin phép tác giả của cuốn sách. Ông Thắng rất bất bình khi trên Báo Tuổi trẻ đăng tải thông tin Công ty Trí Việt sẽ tịch thu toàn bộ các bản dịch tiếng Việt hai ấn phẩm nếu lưu hành trên thị trường mà không phải của Trí Việt.

Đồng quan điểm với ông Thắng, một số người khác cũng cho rằng việc dịch mỗi tác phẩm cũng là một sáng tạo nghệ thuật. Hơn nữa, khi thực hiện dịch một tác phẩm, Nguyễn Hiến Lê đều dịch theo lối phóng tác và thời điểm ông dịch hai tác phẩm này sang tiếng Việt thì vấn đề bản quyền chưa được chú ý nhiều tại Việt Nam nên càng không thể không tính đến những đóng góp của ông khi đưa hai tập sách trở thành món ăn tinh thần quen thuộc, bổ ích với độc giả Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Về phía đơn vị mua bản quyền hai ấn phẩm trên đã được cập nhật mới, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Trí Việt cho biết ông cũng từng đọc và rất thích tác phẩm qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.

Sau này, khi đi công tác nước ngoài, ông được biết, ấn bản mới của "How to win friends and influence people" năm 2005 có rất nhiều sửa đổi, bổ sung so với ấn bản cũ xuất bản năm 1936 (ấn bản mà dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã dịch).

Một quyết định thấu tình đạt lý?

Cũng theo ông Phước, vì tựa đề tiếng Việt của hai cuốn sách do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch đã trở nên quen thuộc và được đánh giá cao về mặt học thuật nên bản dịch lần này vẫn giữ nguyên. Việc dịch hai cuốn sách lần này là sự kế thừa thành tựu của người đi trước. Sự tôn trọng này cũng đã được thể hiện ngay trong phần lời tựa của bản dịch mới. Tuy nhiên, nội dung và ngôn ngữ trong bản dịch mới hiện đại, dễ hiểu hơn với bạn đọc đương thời...

Đại diện đơn vị xuất bản hai cuốn sách này, ông Phạm Sỹ Sáu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cho biết: Ngay sau khi có nhiều phản hồi từ dư luận, đơn vị đã phối hợp cùng với Công ty Trí Việt làm việc với đối tác (Tập đoàn xuất bản Simon & Schuter) tại New York, Mỹ.

Sau một tuần kiểm tra dữ liệu, Simon & Schuter đã có văn bản xác nhận chỉ cấp quyền xuất bản tiếng Việt cho Công ty Trí Việt.

Cũng theo ông Sáu, theo Luật Xuất bản, bản quyền tiếng Việt của dịch giả chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định được thể hiện tại hợp đồng (nếu có), bản quyền gốc vẫn thuộc về người thừa kế của Dale Carnegie.

Trong khi đó, theo luật bảo hộ bản quyền của Mỹ mở rộng thì hai ấn phẩm trên vẫn còn trong thời hạn bảo vệ tác quyền nên việc mua bản quyền tiếng Việt của Trí Việt là đúng pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, không có chuyện Trí Việt can thiệp để tịch thu, không cho lưu hành bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Hiến Lê trên thị trường.

Riêng ông Nguyễn Quyết Thắng cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ vẫn phối hợp với một số đơn vị để tái bản bản dịch của Nguyễn Hiến Lê. Như vậy, người đọc vẫn có điều kiện lựa chọn bản dịch phù hợp nhất với họ

Bản sách mới (màu đỏ) của Trí Việt và một số bản cũ của dịch giả Nguyễn Hiến Lê

N.H.
.
.
.