Tranh Hàng Trống: Phận mỏng cánh chuồn

Thứ Hai, 29/06/2009, 10:35
Là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống nức tiếng một thời, nghệ nhân dân gian Lê Đình Nghiên đang dồn toàn bộ tâm sức những năm tháng cuối đời vào việc khôi phục và bảo vệ dòng tranh này. Nhưng bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của ông, tương lai của tranh Hàng Trống vẫn ngày một u ám.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, tranh Hàng Trống có từ cách đây 400 năm, là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam với hai dòng tranh chính là tranh thờ và tranh tết. Dòng tranh này được làm ở phố Hàng Trống, Hàng Nón và đặc biệt hưng thịnh vào những năm cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Tranh Hàng Trống là sự hài hòa giữa văn hóa Phật giáo và Nho giáo, giữa loại hình điêu khắc, tượng thờ ở các đình, đền với những nét dân dã trong cuộc sống ngày thường.

Tranh Hàng Trống thời hưng thịnh xa xưa

Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Trống - nơi ra đời dòng tranh dân gian duy nhất Hà Nội, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đã chứng kiến những thăng trầm của tranh Hàng Trống suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ngay từ nhỏ, Lê Đình Nghiên đã hết theo bà đi bán tranh lại về nhà học cách làm tranh từ cha và ông nội. Là nghề cha truyền con nối, nên những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi ở phố Hàng Trống như ông đã bắt đầu phải học cách bồi giấy, in bản khắc, pha rồi tô màu. Để học được những công đoạn in bản khắc, vẽ màu, bồi giấy, mỗi nghệ nhân phải mất tới hàng chục năm trời dày công rèn luyện, mới truyền tải được hết sự cầu kỳ, tinh xảo, vốn là cái thần của tranh Hàng Trống.

Những năm 50, 60 của thế kỷ trước là thời kỳ hưng thịnh của tranh Hàng Trống. Khi đó, khu phố Hàng Trống, Hàng Nón quanh năm nhộn nhịp. Suốt từ tháng 7, tháng 8 Âm lịch, là những gia đình làm tranh ở đây đã tấp nập chuẩn bị cho tranh bán tết, cả con phố ngập trong giấy dó, bản khắc, màu vẽ. Khu phố Hàng Trống vì thế lúc nào cũng có cái mùi ngai ngái, nồng nồng rất đặc trưng.

 Tranh Hàng Trống chỉ in ván khắc lấy hình, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, nửa kia chấm nước lã.  Vì thế tranh Hàng Trống có gam màu rất tự nhiên, nhẹ nhàng hơn các dòng tranh khác. Chính yếu tố này đã khiến tranh Hàng Trống được những người Tràng An thanh lịch ưa thích.

Thời đó, cùng với "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", tranh Hàng Trống là thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của bất kỳ gia đình Hà Nội nào, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Cứ đến dịp cuối năm, những nghệ nhân tranh Hàng Trống lại bày tranh dọc vỉa hè phố cổ để bán cho người đi chợ tết. Những chiếu tranh rực rỡ sắc màu lúc nào cũng đông đúc người qua lại trầm trồ, thán phục.

Nhiều người Hà Nội còn thể hiện sự giàu có và sành chơi của mình bằng cách đặt những bức tranh dát vàng, dát bạc để bàn thờ tổ tiên thêm trang trọng. Đó là thời kỳ hưng thịnh nhất của tranh dân gian Hàng Trống. Nhiều tác phẩm nổi tiếng đến bây giờ vẫn được yêu thích như "Lý ngư vọng nguyệt", "Ông hoàng cưỡi hổ", "Mẫu Thoải".

Người cuối cùng giữ nghiệp tổ

Sau những năm 1975, cuộc sống bao cấp khó khăn đã khiến sức sống của dòng tranh Hàng Trống mỗi ngày thêm lụi tàn. Sở thích chơi tranh của người Hà Nội cũng thay đổi, hướng về những loại tranh hiện đại, khiến thu nhập của những nghệ nhân tranh Hàng Trống vô cùng ít ỏi, bấp bênh.

Sau nhiều thế hệ cha truyền, con nối, nhiều nghệ nhân đã buộc phải bỏ nghề để kiếm cái ăn mưu sinh. Những dụng cụ làm tranh như ván, bản in, vốn từng được coi là đồ gia bảo trở nên vô tác dụng, bị đem bán tống bán tháo, thậm chí là bị vứt bỏ không thương tiếc. Rất nhiều bản khắc quý báu cũng vì thế mà biến mất vĩnh viễn.

Tranh Hàng Trống sau gần 400 năm phát triển hưng thịnh, giờ chỉ còn là ký ức, số nghệ nhân tâm huyết với nghề cũng mỗi ngày một ít dần đi. Nhiều người dân sống ở phố Hàng Trống thậm chí cũng không biết rằng nơi đây đã từng có một dòng tranh dân gian nổi tiếng.

Đến bây giờ, tranh Hàng Trống chỉ còn xuất hiện trong các viện bảo tàng. Người biết làm tranh cũng chỉ còn lại nghệ nhân Lê Đình Nghiên nay đã ngoài 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu, ngày ngày ông vẫn miệt mài lên phòng khôi phục và bảo tồn tranh Hàng Trống tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cố công tìm lại sức sống cho dòng tranh này. Gia đình ông là gia đình duy nhất ở Hàng Trống còn giữ lại được những bản khắc, những bức vẽ có từ hàng trăm năm trước. Những di sản quý báu đó đều được ông mang đến bảo quản ở Bảo tàng Mỹ thuật.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên buồn bã khi thừa nhận, tranh Hàng Trống hầu như đã bị quên lãng. Không còn nhiều người biết và yêu thích dòng tranh này. Những khách tìm đến đặt mua tranh ông vẽ chủ yếu là những khách quen ít ỏi cố định từ nhiều năm nay. Vì thế, thu nhập từ nghề vẽ tranh không thể đảm bảo được cuộc sống của gia đình ông. Nhưng Lê Đình Nghiên vẫn quyết không bỏ nghề, vì cho rằng đó là nghiệp tổ mà cha ông đã để lại. Những đồng tiền ít ỏi tích cóp được từ việc bán tranh, ông đều dành cả cho việc đi tìm kiếm và mua lại những bản khắc đã thất lạc hàng chục năm. Rất nhiều cái khi tìm lại đã không còn nguyên vẹn, ông lại bỏ công ra phục chế.

Trước đây, có một người bán tranh trên phố Hàng Trống là Bùi Hưng Hoàng vẫn treo tranh của Lê Đình Nghiên để giới thiệu với du khách gần xa. Đó cũng là cửa hàng duy nhất giới thiệu và bán tranh Hàng Trống. Nhưng sau khi ông Bùi Hưng Hoàng mất, những người còn tha thiết với tranh Hàng Trống chỉ có thể tìm mua tranh ở ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Sau 50 năm bảo vệ dòng tranh Hàng Trống, Lê Đình Nghiên đã giúp dòng tranh này sống qua thế kỷ XXI. Năm 2005, tranh Hàng Trống vinh dự được cùng với làng nghề nổi tiếng ở Việt Nam tham gia trưng bày ở Mỹ. Những Festival về các làng nghề truyền thống trong nước cũng không thể thiếu vắng sự góp mặt của tranh Hàng Trống. Nhưng điều đó không làm Lê Đình Nghiên bớt lo lắng. Bởi tương lai của tranh Hàng Trống vẫn không vì thế mà bớt phần ảm đạm.

Để tránh cho dòng tranh Hàng Trống bị thất truyền sau khi mình qua đời, nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang cố gắng truyền thụ mọi bí quyết gia truyền cho người con trai út Lê Hoàn. Nhưng theo ông, để có thể trở thành một nghệ nhân tranh Hàng Trống thực thụ, ngoài năng khiếu vốn có, còn phải có sự kiên nhẫn, tỉ mẩn và niềm say mê với nghề nghiệp. Đó là những cái mà thế hệ như con trai ông thường chưa có. Nếu như tâm huyết của ông không được người con trai út kế tục, thì nguy cơ dòng tranh Hàng Trống hoàn toàn thất truyền như dòng tranh Kim Hoàng cũng sẽ trở thành sự thật trong một tương lai không xa

Nguyên Mộc
.
.
.