“Trạng Quỳnh” trên sân khấu kịch Hà Nội

Chủ Nhật, 21/05/2006, 08:23

Một ông Trạng vẫn lặng lẽ trong đời sống nhân dân bao đời nay, ông Trạng đó đã lên phim và đến bây giờ, lần đầu tiên xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. Nhà hát kịch Hà Nội có vẻ mạo hiểm khi dựng lại một câu chuyện mà "già trẻ lớn bé" bao đời nay đã biết. Còn đạo diễn, NSƯT Xuân Huyền lại tin rằng, vở kịch của ông sẽ "ăn đứt" bộ phim Trạng năm nào.

Hơn 100 phút trên sân khấu, Trạng Quỳnh (Trung Hiếu thủ vai) xuất hiện trong những thanh âm ồn ã của những lời rao dù có một không hai trong lịch sử nhưng vẫn tồn tại bao đời nay trong xã hội: "Ai cử nhân đây, cử nhân giá rẻ đây! Ai bảng nhãn thám hoa khuyến mại hấp dẫn đây! Lý trưởng đại hạ giá đây!", xuất hiện trong những toan tính hẹp hòi của những kẻ quyền cao vọng trọng.

Tích Trạng của dân gian tồn tại dưới dạng truyện cười. Điều này có vẻ thuận lợi khi dựng thành một vở câu khách bởi "dịch cười" đang hoành hành trên sân khấu và trên một số phương tiện truyền thông đại chúng. Đạo diễn Xuân Huyền cương quyết: "Không! Trạng như viên ngọc quý tích tụ từ bao đời, đưa Trạng ra làm trò cười là có tội. Đời Trạng là một bi kịch của một người có tài sinh nhầm thời thành kẻ anh hùng lỡ vận, lại sống trong cảnh đồng tiền làm vua chúa, đất nước nội chiến, các thế lực phân tranh quyền bính. Minh chủ không có, tài năng cũng chỉ là trò đùa của số phận mà thôi".

Đạo diễn Xuân Huyền chọn cách dàn dựng là dựng thành vở bi hài kịch. Tiếng cười và chi tiết gây cười trên sân khấu không nhiều, chỉ giữ lại ít giọng sâu cay của dân gian nhưng không phải mọi góc, mọi cạnh của cuộc sống đều đặt tiếng cười vào.

Lát cắt của vở "Trạng Quỳnh" là sự phản kháng quyết liệt của nhân dân lao động với quyền uy độc đoán, là sự khinh rẻ tột cùng với nạn mua quan bán chức, gian lận thi cử. Truyện Trạng thuở xa lắc xa lơ nhưng vẫn thật gần với đời sống hiện đại. Cái chết của Trạng được báo trước, tuy nhiên cuộc sống của Trạng trong vở kịch này lại không phải là điều được báo trước.

Tiếng trống thi rộn rã kinh đô, Trạng hồn nhiên bên lời giễu cợt của những kẻ buôn quan bán chức: "có danh mà không có thực". Trạng tin, tôn trọng và yêu thương phụ nữ, kể cả vợ của tên bạo chúa. "Trong 4 người ở đây em là người đáng sống nhất. Bàn tay em sinh ra không phải để làm những cái việc nhơ bẩn". Trạng mỉa mai số phận mà chua chát chấp nhận số phận. Trạng coi khinh cả xã hội nhưng lại xót xa cho thân phận của mình để rồi trách mình: "Thương dân mà chẳng giúp gì được cho dân, đành thôi cũng làm tro làm bụi".

Trạng có một tình yêu, nhỏ nhỏ, nhoi nhói sau những tích cười. Người đó không xa lạ trong lịch sử văn học nước nhà, đó chính là nữ sỹ Đoàn Thị Điểm. Trong vở kịch, Đoàn nữ sỹ xuất hiện qua hai phân cảnh rất ngắn, ngắn nhưng đủ nói được cái mênh mông vô vọng của tình yêu trong hai con người tài năng sống và yêu giữa dòng đời đen bạc. "Thôi, chuyện đã qua Quỳnh còn nhắc lại làm gì. Quỳnh phải sống! Quỳnh phải sống". "Những câu đối năm xưa, Điểm cho Quỳnh nợ, xuống suối vàng Quỳnh sẽ đối lại". Hỡi ôi, những câu đó hậu thế đến giờ cũng chưa ai đối được. Quá khứ đã quá xa mà món nợ vẫn còn…

Một thành công nữa của vở kịch là đạo diễn không bỏ qua bất cứ một tình tiết nhỏ nào. Từ câu "Nam mô… lên chùa bẻ một cành sen" đến việc bà chúa ân hận vì không hối lộ cho quan lại để ngày xưa đừng "quá tay" với tên thái giám. Các nhân vật phụ không hề mờ, thậm chí xuất hiện ngang ngửa so với nhân vật Trạng Quỳnh, nhân vật mà Trung Hiếu vào khá "ngọt" - nhưng không giảm đi độ đậm đặc của nhân vật Trạng trong mắt người xem. Đó là một thành công bởi chất liệu cuộc sống được bày ngồn ngộn trên sân khấu, kịch dựng tích xưa mà nói được bao điều trong xã hội ta đang sống và người xem có thể tìm thấy mình đâu đó sau những nhân vật, sau những cảnh khép lại.

Đạo diễn Xuân Huyền cho biết, ông đặt nhiều hy vọng vào "Trạng Quỳnh" và tin sẽ thành công hơn "Thầy khóa làng tôi" trước đây. Được biết, vở kịch này sẽ là tâm điểm của chuyến biểu diễn xuyên Việt thời gian tới của Nhà hát kịch Hà Nội

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.