Trăn trở cùng cồng chiêng Tây Nguyên
>> Cồng chiêng như lẽ sống
Nói đến văn hóa Tây Nguyên, có lẽ chúng ta không bao giờ quên "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bắt rễ từ truyền thống văn hoá và lịch sử lâu đời của cộng đồng văn hoá Đông Nam Á. Âm nhạc cồng chiêng được người dân sử dụng giao tế với thần linh, cầu xin, giãi bày với tổ tiên, đối thoại với cộng đồng và với chính mình.
Khó có nhạc khí nào mà trong mọi sinh hoạt văn hoá cộng đồng đều có vai trò như cồng chiêng Tây Nguyên. Với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, phương tiện để khẳng định cộng đồng và bản sắc cộng đồng là cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng. Cồng chiêng Tây Nguyên còn có giá trị như một bằng chứng độc đáo của đặc trưng truyền thống văn hoá dân tộc.
Cồng chiêng Tây Nguyên trong lễ hội. |
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ của sự mai một. Trước hết là sự suy giảm nhanh chóng về số lượng các dàn cồng chiêng. Nguy cơ mai một cồng chiêng còn thể hiện ở các bài nhạc chiêng dần dần bị lãng quên. Các nghệ nhân trải qua thời gian, do nhiều tác động khác nhau đã quên nhiều bản nhạc chiêng. Người M'nông trước đây có 40 bản nhạc chiêng, nay các nghệ nhân chỉ còn nhớ, lưu truyền và trình diễn được 10 bản nhạc chiêng. Mặt khác, những nghệ nhân có đôi tai thẩm âm, có năng khiếu trong việc chỉnh chiêng cũng thưa vắng dần trong các cộng đồng cư dân. Đáng tiếc là khi những người già, những nghệ nhân Tây Nguyên chết đi đã mang theo cả kho tàng di sản văn hoá cồng chiêng mà không dễ dàng tạo dựng và khôi phục được cho thế hệ đời sau.
Các chuyên gia ngành văn hóa cho rằng, cách tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên là cần phải có một chương trình tổng thể, quy mô. Cồng chiêng nói riêng và các loại hình nghệ thuật âm nhạc Tây Nguyên đều gắn với môi trường diễn tấu của nó ở buôn làng Tây Nguyên. Ở đây không chỉ là nghệ thuật biểu diễn đơn thuần, mà gắn bó chặt chẽ với nghi lễ, với đời sống hằng ngày, với chính không gian của vùng đất và con người nơi ấy. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn cần có một chương trình tổng thể, quy mô cho công việc này. Ngoài việc đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép và nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống về cồng chiêng, văn hóa cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa bản địa để tạo môi trường diễn xướng của sinh hoạt văn hóa âm nhạc trên sự kế thừa có chọn lọc.
Lễ ăn mừng lúa mới, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên. |
Đồng thời có kế hoạch đào tạo dài hạn, cơ bản đội ngũ cán bộ khoa học am hiểu về âm nhạc truyền thống, văn hóa, lịch sử Tây Nguyên, chú trọng đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Mở lớp truyền dạy kinh nghiệm đánh chiêng, chỉnh chiêng, chế tác các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc tại cộng đồng. Bản chất của cồng chiêng và các loại nhạc cụ dân tộc, văn hóa Tây Nguyên là sáng tạo của cộng đồng và cũng chính cộng đồng bảo tồn, lưu giữ, trao truyền nó.
Tôi còn nhớ trong khuôn khổ hoạt động của Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, có một Hội thảo quốc tế với chủ đề: "Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á". Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Việt Bích-Ủy viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với các tộc người thiểu số bản địa trên cao nguyên, trước tiên là phải tuyên truyền giá trị cồng chiêng với đồng bào.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Doanh - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, khẳng định cần phải chuyên nghiệp hóa các công việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Nếu không giữ được không gian văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong sự phát triển hiện đại thì cũng có nghĩa là cồng chiêng sẽ mất vì không còn môi trường sống thích hợp.
Một thông tin về văn hóa khiến chúng ta phải nặng lòng trăn trở là trong vòng 5 năm qua, số cồng chiêng của đồng bào các dân tộc ở Kon Tum đã giảm hơn 30%. Ở Gia Lai thì trước năm 1980, cả tỉnh có hàng chục nghìn bộ cồng chiêng ở các buôn làng. Trong đợt sưu tầm mới đây của địa phương hiện Gia Lai còn khoảng 5.600 bộ cồng chiêng các loại, sở hữu chủ yếu thuộc các tộc người Jơ Rai và Ba Na. Còn ở Đắk Lắk hiện có khoảng trên 3.300 bộ cồng chiêng các loại. Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 150 bộ cồng chiêng cho 150 nhà văn hóa cộng đồng ở các buôn thuộc vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chiêng ấy cũng chỉ được sử dụng khi có lễ hội cần thiết, chứ không được "sống" thực sự với đời sống văn hóa tinh thần người dân bản địa hàng ngày. |