Tôn vinh thơ là tôn vinh văn hóa Việt

Chủ Nhật, 08/02/2009, 10:53
“Ngày Thơ Việt Nam tại TP HCM tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, của thành phố trong thơ. Đây là dịp tôn vinh tác phẩm và người sáng tạo nên các tác phẩm giữ được bản sắc văn hóa Việt, giữ được hồn Việt, thể hiện được nét đặc trưng của TP HCM và đến được với người đọc, tạo được dấu ấn của sự sáng tạo về ngôn từ và kỹ thuật...” - nhà văn Trần Văn Tuấn nói.

Hòa trong không khí náo nức đón chào Ngày Thơ Việt Nam trên cả nước, đã thành thông lệ, đúng ngày 14 tháng Giêng, đông đảo nhà thơ thuộc nhiều thế hệ tại TP HCM và nhiều tỉnh lân cận sẽ lại hội tụ về Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1, tham gia buổi gặp gỡ, giao lưu với bạn đọc, cùng tôn vinh, chắp cánh cho thơ Việt.

Nhân dịp này, nhà văn Trần Văn Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP HCM, Trưởng ban tổ chức Ngày Thơ Việt Nam năm nay đã dành cho chúng tôi một buổi trao đổi thẳng thắn và cởi mở xung quanh việc tổ chức Ngày Thơ cũng như chuyện của làng thơ thành phố.

PV: Ngày Thơ Việt Nam tại địa phương nhưng không do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức mà lại do Chi hội Nhà văn Việt Nam đứng ra thực hiện, người chủ trì chương trình cũng không phải là nhà thơ như các năm trước, việc này liệu có làm giảm tình trạng nhà văn không "chịu" hiện diện trong Ngày Thơ?

NV Trần Văn Tuấn: Theo tôi, giữa văn xuôi và thơ có đặc thù riêng và việc chọn Ngày Thơ Việt Nam hàng năm mang ý nghĩa văn hóa lịch sử đặc thù. Từ xa xưa, thơ đã gắn bó với người Việt mình nhiều hơn văn xuôi. Khi ngôn ngữ viết chưa được độc lập, trong một thời gian dài, thơ ca đã phổ biến, gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người biết chữ và không biết chữ thông qua nhiều hình thức, từ thơ ca đến hò vè... Việc những người chuyên viết văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn...) ít tham dự Ngày Thơ là chuyện bình thường.

Về Ngày Thơ Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh năm nay, nói chính xác phải là do Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức. Chương trình được xây dựng theo chủ đề rõ ràng. Đó là "Cội nguồn - Hội nhập - Sáng tạo"...

PV: Nghe qua có vẻ khô khan và hơi nặng về chính trị...

NV Trần Văn Tuấn: Chính trị nhưng rất văn hóa. Mục đích việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam là để tôn vinh những bài thơ hay và thơ như thế nào được coi là hay thì phải có tiêu chí chuẩn mực của nó...

PV: Nhưng ở Việt Nam hiện nay, xác định giá trị của một bài thơ hay hoặc không hay lại có nhiều quan niệm không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau.

NV Trần Văn Tuấn: Đúng là có tình trạng bài thơ được người này cho là hay, người khác lại chê không hay nhưng nói chung, một tác phẩm hay phải giữ được tiêu chí chung, phải giữ được cái chuẩn chung. Sở dĩ Truyện Kiều là tác phẩm truyện thơ được hầu hết các tầng lớp công chúng yêu thích xưa nay, thậm chí cả người nước ngoài cũng thích bởi nó có được giá trị mang tính chuẩn mực nhất.

Quay trở lại Ngày Thơ Việt Nam tại TP HCM. Tôi nói chính trị nhưng rất văn hóa bởi không có thứ văn hóa lửng lơ, phi chính trị. Với văn hóa, bản sắc dân tộc, tính thời đại luôn có dấu ấn chính trị, mang màu sắc chính trị. Văn hóa là phạm trù rất rộng, mục đích phục vụ đời sống con người và phát triển xã hội. Vậy là chính trị rồi còn gì. Thơ không thể tách khỏi văn hóa.

Ngày Thơ Việt Nam tại TP HCM tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, của thành phố trong thơ. Nói cách khác, đây là dịp tôn vinh tác phẩm và người sáng tạo nên các tác phẩm giữ được bản sắc văn hóa Việt, giữ được hồn Việt, thể hiện được nét đặc trưng của TP HCM và đến được với người đọc, tạo được dấu ấn của sự sáng tạo về ngôn từ và kỹ thuật...

PV: Điều đó được thể hiện cụ thể tại Ngày Thơ Việt Nam năm nay như thế nào? Hình như các hình thức tổ chức năm nay cũng không có gì mới?

NV Trần Văn Tuấn: Vấn đề không phải là hình thức mà là nội dung và chất lượng. Ví dụ như việc tuyển chọn các gương mặt tiêu biểu để giao lưu, các tác phẩm để giới thiệu. Ngay sân chơi cũng khá phong phú...

PV: Nhưng các gương mặt tham gia năm nay không khác nhiều so với trước, trong khi nhà thơ tại thành phố thì rất đông?

NV Trần Văn Tuấn: Đây cũng là cái khó đối với ban tổ chức. Mời tất cả các nhà thơ đến tham dự nhưng không phải ai cũng có điều kiện đến dự, có thể lỡ đi xa không về kịp, bận việc này việc khác hoặc không muốn đến dự. Tuy nhiên, thành phần tham gia giao lưu trong Ngày Thơ năm nay vẫn rất đa dạng. Thế hệ đàn anh đàn chị có Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Trần Thế Tuyển, Hồ Thi Ca... Trẻ hơn có Lê Thiếu Nhơn, Ngô Thị Hạnh, Lê Thùy Vân, Phan Trung Thành...

PV: Xin cảm ơn anh!

N.N.
.
.
.