Tối nay, 29/9: Phim “Người cộng sự” lên sóng truyền hình
Để tái hiện câu chuyện, đoàn làm phim đã mất hơn 6 tháng chuẩn bị, khảo sát và quay tại nhiều bối cảnh ở Việt Nam và Nhật Bản. Tuy nhiên, những câu chuyện hậu trường sẽ đem đến sự lý thú hơn cho khán giả khi xem phim.
Xuất hiện trong buổi ra mắt bộ phim tại Hà Nội, trong số các diễn viên của Việt Nam và Nhật Bản, có một diễn viên nhí đã thu hút sự chú ý của mọi người. Đó là Mana Ashida, người vào vai con gái riêng của Testuya, khá “ghê gớm” với bà mẹ kế tương lai do Nguyễn Lan Phương đảm nhiệm. Cô bé 9 tuổi cực kỳ tự tin trước báo giới. Tuy nhiên, do thời gian bị khống chế, nên việc giao lưu với nữ diễn viên này rất ít.
Người viết bài này còn nhớ, trong cuộc họp báo để khởi quay bộ phim vào tháng 5/2013, qua cầu truyền hình trực tuyến, Mana Ashida chia sẻ: Em đã được biết đến Việt Nam qua những bức ảnh và ấn tượng của em về Việt Nam là một đất nước nóng bức, đường phố có nhiều xe máy và nhất là có những chiếc áo dài thật đẹp. Lần này, sang Việt Nam, ấn tượng của Mana Ashida đã hoàn toàn khác. Em tâm sự, điều em thích thú khi nhớ đến Việt Nam là chiếc áo dài, làm cho em thấy lưng mình thẳng hơn so với khi mặc kimono của Nhật Bản.
Một cảnh trong phim “Người cộng sự”. |
Theo TBS, Mana Ashida là một trong 10 diễn viên nhí tài năng, nổi tiếng nhất Nhật Bản, đã đóng hơn 10 phim truyền hình và điện ảnh. Cô bé vào vai chính đầu tiên trong phim truyền hình “Marumo no Okite” năm 2011, liên tiếp được phát sóng vào giờ vàng. Mana cũng đã đảm nhận vai diễn trong siêu phẩm “Pacific Rim”. Đặc biệt, Mana Ashida còn là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong lịch sử của chương trình thi hát có tên gọi Kôhaku Uta Gassen của Đài truyền hình NHK. Cô bé cũng là ca sỹ solo nhỏ tuổi nhất trong top 10 trên bảng xếp hạng hàng tuần của Oricon. Chưa đầy 10 tuổi, nhưng Mana đã là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá: “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Nikkan Sports Drama Grand Prix lần thứ 14 và Giải thưởng đặc biệt tại Tokyo Drama Awards lần thứ 4; Giải diễn viên mới tại giải Television Drama Academy và tại Japan Academy vv… Mana cũng thử sức với vai trò lồng tiếng cho nhân vật Agnes trong Despicable Me phiên bản Nhật.
Những câu chuyện hậu trường đầy thú vị của phim “Người cộng sự” chỉ được bật mí ngay trước giờ phim lên sóng.
Cảnh quay Phạm Huỳnh Đông trong vai Phan Bội Châu gào khóc nhớ thương Sakitaro, có ý nghĩa quan trọng như linh hồn của bộ phim. Là cảnh gần cuối nhưng lại quay từ những ngày đầu, khi Phạm Huỳnh Đông và Higashiyama (vai Sakitaro) chưa từng gặp nhau, khi Đông còn chưa hình dung rõ về nhân vật Sakitaro. Thế nhưng đạo diễn yêu cầu Phạm Huỳnh Đông phải khóc khi nhớ tới Sakitaro. Trời thì lúc mưa, lúc nắng, mà phải quay đi quay lại nhiều lần vì không đạt, do Huỳnh Đông không lấy được cảm xúc, khiến đoàn phim vô cùng lo lắng.
Đạo diễn Muto chỉ đạo tỉ mỉ về diễn biến tâm lý tinh tế của nhân vật cho Phạm Huỳnh Đông: “Hãy thật phẫn uất và hét lớn lên, hãy khóc như chưa từng khóc trong đời”. Sau nhiều lần tập dượt và với sự giúp đỡ của đạo diễn Phạm Thanh Phong, Huỳnh Đông mới có được cảm xúc để diễn. Khi đạo diễn hô “OK” và ra bắt tay cảm ơn Phạm Huỳnh Đông thì bất ngờ, trời bỗng đổ mưa tầm tã, như thể ông trời cũng chờ đợi cảnh quay của Huỳnh Đông hoàn tất để trút mưa vậy.
Tiếng Nhật Bản và Việt Nam có nhiều từ hơi giống nhau, như “kou an” nghĩa là “công an”, “chu y” nghĩa là “chú ý”, hay “Junbi” là “chuẩn bị”. Bắt đầu quay phía bên Nhật thường hô “Yo-i, Suta-to”, còn bên Việt Nam hô “Chuẩn bị, bắt đầu”. Trong khi quay phim, nếu đạo diễn Matsuda hô “Yo-i” thì trợ lý đạo diễn người Việt sẽ lập tức quay về phía diễn viên Việt Nam hô “Chuẩn bị”. Và sau tiếng hô “Suta-to” là tiếng hô “Bắt đầu”… Hơn một tháng trời quay phim như thế mọi người trở nên thuộc luôn. Có khi đạo diễn Matsuda hô “Yo-i”, thì nhân viên Việt Nam đã nói luôn “Bắt đầu” và cảnh quay được thực hiện. Cũng chính vì sự “hao hao” trong ngôn ngữ này mà xảy ra chuyện buồn cười: “Xin chào” tiếng Nhật có nghĩa là “Konichiwa”. Tên thân mật của một nhân viên người Nhật trong đoàn phim này là “Sinchan”, nhưng mỗi khi nghe gọi thế, các bạn Việt Nam lại tưởng là chào mình.
Ở cảnh quay ngư dân tìm cách bắt giữ Phan Bội Châu bằng vũ khí, ban đầu, mọi người cầm rìu, cuốc. Thấy vậy, đạo diễn vội nói nhỏ: “Vũ khí này có thể gây chết người nhỉ”. Thế là, rìu, cuốc được thay bằng những chiếc gậy “gỗ”, có chất liệu mềm, khi vụt mạnh chiếc gậy gỗ này sẽ bị cong và bật lại, nên dù bị đánh trúng, đối phương cũng không đau. Còn tấm bia đá cổ trong cảnh quay tại ngôi chùa Koushoji thuộc tỉnh Shiga, thực chất là một tấm xốp, còn bên ngoài là lớp gỗ dán được khắc chữ. Còn tấm bia đá có thật nằm ở tỉnh Shizuoka. Đây là tác phẩm được đội ngũ chuyên gia mỹ thuật tạo ra bằng sự khéo léo, khiến chính cả đạo diễn cũng phải tấm tắc khen.
Ở cảnh quay tại ngôi chùa Zenkoji (tỉnh Ishioka), trời mưa nên các thành viên đoàn phim mặc quần lửng, đi dép nhựa, hoặc ủng. Thế là, có nhiều người trong êkíp quên mất, vẫn đi nguyên cả ủng để tham gia các cảnh quay. Nhiều người còn bị kiến lửa đốt sưng vù cổ chân, dù trước đó đoàn phim đã xịt rất nhiều thuốc diệt côn trùng.
Một kỷ niệm mà nhóm làm phim người Nhật vừa giật mình, vừa thích thú, là khi quay cảnh Suzuki Testuya và Hatakeyama Noriaki uống cà phê tại một quán cà phê trên sân thượng với những chiếc ghế rất phong cách. Đạo diễn, nhà sản xuất và VTV đi khảo sát nhiều phố phường ở Việt Nam mới quyết định chọn nơi này. Thế nhưng trước khi quay 2 tuần, cả êkip từ Tokyo đến Hà Nội thì quán trống không. Ngày quay đến gần, các thành viên của Nhật vô cùng lo lắng thì ekip của VTV vẫn tươi cười. Khi đến trường quay, các bạn Nhật vô cùng ngạc nhiên khi thấy quán cà phê đã lại đúng như khi đạo diễn tìm bối cảnh, cả bàn ghế và đồ uống