Nhà văn Cao Tiến Lê:

Tôi là người có "lãi" khi được hồi sinh cuộc đời

Chủ Nhật, 13/11/2011, 15:07
Xuất hiện sớm trên văn đàn với trên chục đầu sách là truyện ngắn, tiểu thuyết, từng làm nhiều chức vụ khá chủ chốt trong Hội Nhà văn VN như Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa VI, Trưởng ban Quản lý xây dựng Bảo tàng Văn học VN… nhưng nhà văn Cao Tiến Lê không phải là một người thích PR mình. Ông cho rằng, tác phẩm, tự nó sẽ có một đời sống để đánh giá đời viết của một nhà văn. Với ông, bản thân được sống và viết, sau khi trải qua vài lần… chết hụt, đã là một người có "lãi"…

Lần chết hụt đầu tiên của ông chính là ngày lọt lòng chào đời ở mảnh đất Đô Lương, Nghệ An. Ngày đó, mẹ ông đẻ con rất dày, "ba năm đôi" là chuyện thường tình, mà những người nông dân hồi ấy, họ đẻ rơi con trên bờ ruộng là chuyện cũng chẳng hề xa lạ. Ngày nhà văn Cao Tiến Lê chào đời, ông đã không có dấu hiệu của sự sống. Hồi đó, mẹ ông sinh ông tại nhà cho nên, ngay khi vừa đẻ xong con, thấy con không khóc, không ngọ ngoạy, bà đoán con đã… chết, vì thế, bà quấn con trong một cái mấn (váy) rồi để ở góc nhà rồi gọi hai ông chú sang để mang ra đồng chôn. Hai ông chú của nhà văn sang ngay sau đó nhưng trước khi mang đứa cháu đi chôn, hai ông ngồi lại hút điếu thuốc lào và một ông đã… bị say, đành phải nằm lại nghỉ ngơi chốc lát.

Trong thời gian đó, ông chú còn lại đã vô tình nhìn và thấy cái váy quấn đứa cháu đã chết, bị… ướt, ông tự hỏi, hay là nó còn sống và đái dầm? Rồi ông chú đến để kiểm tra thì thấy cơ thể đứa bé vẫn còn ấm, lấy một sợi dây bấc để trước mũi thì thấy nó bay phập phù và biết chắc chắn đứa bé vẫn còn sống.

Nhà văn Cao Tiến Lê đã được hồi sinh như một sự may mắn ấy của số phận. Chính vì thế, dù sau này nhà văn Cao Tiến Lê không bao giờ hút thuốc và rất ghét mùi thuốc, song ông lại rất yêu quý những người hút thuốc, vì ông cho rằng, chẳng có điều gì tồn tại trong đất trời mà không có… cái lý của nó. Cũng như chính nhờ cái thói quen hút thuốc lào của những người dân quê mà ông đã được quay trở lại cuộc đời để được sống và viết.

Lớn lên, rời ghế nhà trường phổ thông, ông xung phong đi bộ đội. Nhà văn Cao Tiến Lê chia sẻ rằng, từ cuộc sống chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ đã hun đúc trong ông niềm khát vọng làm một chứng nhân lịch sử của hai cuộc chiến tranh khốc liệt, đã thôi thúc ông tập viết văn kiên trì và miệt mài ghi chép, viết trên mọi nẻo đường hành quân.

Ông nhớ lại tác phẩm đầu tay ông viết năm 1957 đó là truyện ngắn "Bức thư bị nát". Chuyện kể về một anh lính có niềm khát khao được học tập. Trong chiến trường nhiều gian khổ hy sinh, anh có một khát vọng muốn được đi học, đi học không phải để trốn tránh nhiệm vụ, mà anh muốn đi học để bổ trợ kiến thức và bằng cách đó, anh có thể ghi lại được những hình ảnh đau thương và anh dũng của những người lính yêu nước trong chiến tranh một cách sâu sắc hơn. Anh lính đã viết một bức thư gửi lên cấp trên, nhưng đắn đo ngày này hết ngày khác, anh vẫn không thể nào có can đảm để gửi bức thư ấy. Rồi dần dần, khát vọng được đi học cũng dần phai đi trong thực tế chiến tranh khốc liệt. Đến một ngày, anh giặt quần áo và phát hiện ra một vật gì đó trong túi quần của mình, mở ra thì đó chính là… bức thư ấy đã bị nát trong quá trình giặt quần áo.

Nhà văn Cao Tiến Lê vẫn còn nhớ, sau khi viết xong truyện ngắn đó, ông đã chạy ra đường vẫy xe và gửi theo hòm thư ra Báo Quân đội nhân dân và được in ngay sau một thời gian ngắn. Nỗi vui mừng hạnh phúc xen lẫn đã khiến cho tâm hồn yêu và say mê văn chương trong ông trỗi dậy một cách mạnh mẽ. Cộng với cảm hứng về người lính, về đồng đội cũng như sự hy sinh mất mát trong chiến tranh đã thôi thúc ông viết một loạt tác phẩm gửi in trên các báo.

Cùng thời gian đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tập hợp lại và in tập truyện ngắn đầu tay cho Cao Tiến Lê với tựa đề "Phía trong" (năm 1972). Thời ấy, được in một cuốn sách riêng là một việc cực kỳ hi hữu, nhất là đối với những nhà văn mới xuất hiện như Cao Tiến Lê. Sau này, nhiều người hỏi ông về cảm hứng sáng tác những tác phẩm trong tập "Phía trong", ông lặng lẽ nói rằng, khi đó, ông không viết vì cảm hứng, ông cũng chẳng có đủ thời gian để chờ cảm hứng đến, mà ông viết vì sự thôi thúc từ bên trong, từ chính sự nhức nhối bởi những vết thương chưa lành của bản thân ông cũng như đồng đội, từ sự rình rập của sợ dây mong manh, vô hình giữa cái sống và cái chết.

Đối với ông, con đường văn nghiệp là một con đường khổ ải chẳng kém gì chặng đường đời trong bom đạn mà ông đã phải nếm trải. Vì thế, trong các tác phẩm của mình, nhà văn Cao Tiến Lê có một cách nhìn đời rất nhân bản. Mỗi câu chuyện của ông là một câu chuyện về một tấm lòng tốt, một việc làm đẹp mà ông đã gặp, đã chứng kiến. Khi viết về chiến tranh, ông đi sâu vào các tình huống, các sự việc cụ thể, dù rất nhỏ để phản ánh cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu của những người lính trẻ, những con người ông đã gặp, đã được che chở nơi những vùng quê ông đã đi qua.

Năm 1972, ông đã đoạt giải Nhì Cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ với truyện ngắn "Mùi thơm dây cháy chậm". ông vẫn còn nhớ, hồi đó ông biết được tin mình đoạt giải là qua cái đài Orionton mà ông vừa đạp xe vừa đeo bên hông vừa nghe điểm báo qua sóng phát thanh. Cảm giác của ông lúc đó thật khó tả. ông vừa đạp xe, vừa thấy con đường phía trước của mình rộng thênh thang và trải đầy màu xanh của hòa bình. ông biết chắc chắn định mệnh đã gắn ông với cây bút và chắc chắn rằng tình yêu văn chương trong ông sẽ chẳng thể nào vơi cạn.

Nhà văn Cao Tiến Lê tâm sự: "Tôi từng là lính bảo vệ ở giới tuyến 17, rồi lăn lội ở tuyến lửa khu IV, đi lên từ một Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng rồi trở thành một Đại đội trưởng. Một năm thì có tới 8 tháng tôi ở trong chiến trường nên xông pha chẳng kém bất cứ một chiến sĩ chiến đấu trực tiếp nào. Tôi cảm ơn nơi vùng khói lửa đã cho tôi dũng khí để trưởng thành, cho tôi lòng tin yêu vào con người để viết nên những trang văn giàu lòng trắc ẩn, dù có rất nhiều lần đã bước hụt chân vào cái chết, bị thương tích đầy mình. Tôi viết được những câu chuyện ấy là đồng nghĩa với nhiều đêm thức trắng trong căn hầm tối, trong ánh đèn dầu leo lét, kê mảnh giấy vào đầu gối, quý từng giọt mực bút bi đã sắp cạn… Có khi vừa viết vừa nếm nước mắt thương quê hương, thương mẹ già đã xanh cỏ ở quê nhà mà đứa con trai cứ đi biền biệt không về được để thắp nén hương cho mẹ ngày giỗ, thương cả đồng đội mình, vừa mới chia nhau từng ngụm nước mà giờ đã hy sinh…".

Bìa tiểu thuyết “Bây giờ nên xử sự thế nào”.

Sau khi rời đơn vị chiến đấu trực tiếp về làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân rồi chuyển qua làm biên tập viên, rồi Phó Tổng biên tập NXB Thanh Niên cũng chính là thời kỳ nhà văn Cao Tiến Lê viết được nhiều nhất, trong tầng hầm của trụ sở NXB Thanh Niên ở phố Bà Triệu (căn phòng mười mấy mét vuông mà ông vẫn gọi vui là Thung lũng Bà Triệu). Nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của ông đã nhận được nhiều đánh giá của bạn đọc như: "Ngược rừng Cha Chẽ", "Bến quê", "Mùa ca dao", "Cây sau sau lá đỏ", "Bây giờ nên xử sự thế nào", "ở trần", "Nếm trải Điện Biên", "Đến với bình minh", "Trung tướng giữa đời thường", "Một đời vô duyên"…

Truyện của ông đầy nhiệt tâm và mang đậm chất chiến sĩ và sự nhạy bén khi tái hiện được hiện thực cuộc sống, đôi khi có cả chút ngang tàng và chút gàn của ông đồ Nghệ. Đọc tập truyện ngắn "Một đời vô duyên" của Cao Tiến Lê, có nhà phê bình đã nhận xét rằng, đó là chiếc cầu nối giữa chiến tranh và hòa bình, là minh chứng cho sự bền gan, bền chí, chờ đợi của những con người đối mặt với cả phía sau chiến tranh. Có thể coi đây là một tác phẩm văn học đích thực để ông tiếp tục sáng tác trên nền thế kỷ XXI".

Nhà văn Cao Tiến Lê cho rằng, đối với ông, văn chương không chỉ là một phương tiện để phản ánh đời sống, mà nó chính là đời sống. Kể từ tác phẩm đầu tay cho đến nay, khi đã có trong tay hàng nghìn trang sách, làm giám khảo cho hàng chục cuộc thi thơ văn, đọc của bạn bè không biết bao nhiêu cuốn, ông coi văn chương là nơi chuyển tải nỗi lòng và tâm sự của mỗi nhà văn trước thời cuộc. Những trang viết đối với ông còn hơn thế, nó là những thước phim cuộc đời bằng chữ để ông neo giữ cuộc đời mình. ông đã rưng rưng nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm đã làm nên một phần đời ông khi tôi gợi lại những quãng thời gian đã qua của một thời binh lửa.

Ông kể lại: "Tôi nhớ như in trong tâm trí những lần bị sốt rét rừng hành hạ. Những đêm hành quân bị vắt bám vào đầy người. Có lần, tôi bị một con vắt chui vào vết thương bưng mủ và làm tổ trong đó mấy ngày liền mới phát hiện ra. Lần khác, nghỉ giữa chặng hành quân, tôi nằm lên một thanh gỗ mục chỉ trong vài phút mà sau khi tỉnh dậy tấm lưng của mình bám đầy những con vét căng mọng máu. Một lần nữa, khi một chiến sĩ đi lấy nước về uống, tôi đã tu gần vơi nửa bi đông liền một mạch thì thấy có cái gì vướng ở răng mình, lấy tay gỡ ra thì đó là một… con đỉa! Những câu chuyện này, ắt hẳn không chỉ tôi mà tất cả những người lính đều đã vài lần nếm trải, song nhiệm vụ của những nhà văn như chúng tôi là ghi lại những quang thời gian ấy, những câu chuyện ấy để cho một thế hệ mai sau, thế hệ không biết đến chiến tranh và mất mát, hiểu được phần nào giá trị của sự hy sinh mà cha anh. Dù biết rằng, chiến tranh đã lùi xa lâu lắm rồi, nhưng chắc chắn thế hệ của chúng tôi sẽ không bao giờ quên được một phần đời của mình đã nằm lại nơi ấy. Và ngay cả những vết thương chưa lành trên thịt da, cũng nhức nhối mỗi khi trở trời là động lực để chúng tôi vẫn tiếp tục cầm bút để sáng tác".

Sắp tới đây, nhà văn Cao Tiến Lê sẽ cho ra mắt cuốn tiển thuyết "Mắt trời" và tập truyện ngắn "Xin đừng quên tôi" và đã viết xong đề cương hai cuốn tiểu thuyết "Phía sau tấm màn nhung đỏ" và "Bí thư thứ Nhất", ngoài ra ông vẫn tiếp tục đảm đương công việc ở dự án Bảo tàng Văn học Việt Nam. ông chia sẻ rằng, đã đến lúc chúng ta có một bảo tàng của các nhà văn Việt Nam từ trước đến nay. Đó là cách lưu giữ lịch sử văn chương nước nhà, cũng là một cách khác để lưu giữ dòng chảy của lịch sử một dân tộc. Vì một dân tộc như chúng ta có quá nhiều chiến tích, mà trước mỗi chiến tích đó, các nhà văn cũng góp phần vinh danh, ngợi ca, thậm chí có nhiều nhà văn đã hy sinh bản thân mình để góp phần gìn giữ dòng chảy đó.

Còn với riêng ông, còn một ngày khỏe mạnh và minh mẫn, thì ông vẫn còn nghĩ tới những trang viết của mình, cũng là cách ông nghĩ tới những giờ khắc của sự hồi sinh… Bởi vì như ông nói, với riêng ông, được hồi sinh trở lại cuộc đời để sống đến ngày hôm nay, ông đã là người có lãi…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.