Tôi đi chợ quê cầu ngói Thanh Toàn

Thứ Hai, 14/04/2014, 14:34
Khi sương mai còn đọng đầy trên những cánh đồng lúa xanh rì và hàng dậu của những nếp nhà nhỏ xinh xắn ở vùng quê Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, thì người người, nhà nhà đã tề tựu về chợ quê của mình. Chợ nằm bên cầu ngói Thanh Toàn, thơ mộng và lịch sử.

Ông Đào Túy, một người dân ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh tâm sự: “Các kỳ Festival Huế trước, chính quyền và người dân đều tổ chức “Chợ quê ngày hội – cầu ngói Thanh Toàn”. Nhưng so với các lần trước, năm nay lễ hội này được tổ chức hoành tráng hơn. Mọi sự chuẩn bị đều đã bắt đầu từ năm trước”.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động “Chợ quê ngày hội”, các vị lãnh đạo, các bậc cao niên trong làng tổ chức rước lễ cung nghinh hương linh phu nhân Trần Thị Đạo, vợ của một vị quan cao cấp dưới triều Lê Hiển Tông đã cúng tiền cho làng để xây dựng, cách đây 238 năm. Sau rước lễ, các hoạt động truyền thống ở đây đã bắt đầu sôi nổi và diễn ra hai bên cây cầu.

Tôi đi một vòng quanh chợ quê, ở đây mọi thứ từ xa xưa, đều được tái hiện một cách sinh động. Chợ diễn ra đủ đầy các hoạt động mua, bán, trưng bày, chằm nón, xay lúa. Đặc biệt, phần lớn ở chợ là những sản vật làm ra như quả cao, buồng chuối, gạo thơm, đậu xanh, đậu đỏ… được làm ra từ đất đai hương hỏa của mình. Ngoài ra, chợ còn có những lô quầy, địa điểm giới thiệu các mặt hàng nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Rộn ràng đi chợ quê cầu ngói Thanh Toàn.

Điều thú vị là diễn viên của ngày hội chính là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn với bộ bà ba nâu sòng, nụ cười thân thiện và hiếu khách. Họ đi chợ không chỉ có gánh rau xanh, mớ cá, cặp gà vườn, mà còn có những đứa trẻ theo mẹ ra chợ trên đôi quang gánh.

Bên cạnh chợ quê còn bày bán các gian hàng ẩm thực như một phần không thể thiếu của phiên chợ quê, như: bánh canh cá lóc, các gánh đậu hủ, hàng chè các loại, với các món nhậu đồng quê: cá lóc, cá trê nướng kết hợp với dưa môn chấm nước mắm gừng ớt…

Người đi chợ thực sự được hòa mình vào cuộc sống, sinh hoạt dân dã của người làng quê mộc mạc, chân chất.  

Đây cũng là dịp để nhiều người chiêm ngưỡng những sinh hoạt thuần nông tưởng chừng chỉ còn là ký ức đậm nét văn hóa nông thôn như xay lúa, giã gạo, giần, sàng, sảy; xay bột làm bánh; gói và nấu bánh chưng, bánh tét; đạp nước, tát nước, chằm nón… Bà Nguyễn Thị Chanh (78 tuổi), một người dân Thanh Thủy, chỉ tay vào cầu ngói, phấn khởi nói với khách: “Cây cầu này thuở xưa gắn bó với người làng từ thời thơ ấu cho đến ngày tóc ngã sang màu bạc. Người dân Thanh Thủy có đi đâu thật xa cũng không quên được những buổi sớm mai ngồi trên quang gánh của mẹ đi chợ cầu ngói Thanh Toàn”.

Về với chợ quê, mỗi người như đang trở về với chính quê hương mình, với chính nơi gắn bó với tuổi thơ cứ tưởng như chỉ còn trong quá khứ...

Thanh Bình
.
.
.