Tới Thổ Chu lắng lòng trong đờn ca tài tử

Thứ Tư, 25/03/2015, 08:01
Với những thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử và ca nhạc của Hội Nông dân đảo Thổ Chu, niềm say hát cũng chính là tiếng trải lòng được cất lên giữa mênh mông sông nước, giữ niềm tin cùng nhau bám đảo, bám biển.

Mấy năm gần đây, việc đi lại từ đất liền ra đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn trước thì cứ một tháng đôi lần, ông Nguyễn Văn Tám, ở Rạch Giá, Kiên Giang lại ra thăm ông bà sui gia là ông Lê Trường Giang và bà Nguyễn Thị Dung. 

Ông Tám kể: Anh em có duyên được làm sui gia đã là mừng, nhưng vui hơn nữa, ông Lê Trường Giang lại rất hợp cạ với ông Tám trong những lần ca đờn ca tài tử. Tay đàn, tay hát không rời, vì thế mà mỗi bận ra chơi, ông có thể lưu lại vài ngày để giao lưu với các anh, chị em trong câu lạc bộ đờn ca tài tử và ca nhạc của Hội Nông dân đảo Thổ Chu. 

Ông Tám kể: “Ở đây cũng nhiều người ca, nhiều người đờn. Sẵn có mặt ở đây tôi cũng góp vui trong gia đình, cùng với mấy anh em. Tôi vui lắm”.

Ông Lê Trường Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đờn ca tài tử và ca nhạc của Hội Nông dân đảo Thổ Chu ra đảo sinh cơ lập nghiệp hơn 20 năm nay. Ông nhớ lại: “Lúc đó đời sống tinh thần của bà con thiếu thốn lắm. Mình là người biết nên muốn xây dựng món ăn tinh thần cho địa phương, cũng là để giao lưu với các đoàn tới thăm, vừa là để phục vụ đám cưới, đám tiệc của bà con nơi đây”. 

Một buổi sinh hoạt của CLB đờn ca tài tử xã Thổ Chu.

Ông cũng cho rằng, là một đảng viên nên trách nhiệm xã hội của mình cũng phải nhiều hơn, từ đó mới ra sức đóng góp tiền của, thời gian mua nhạc cụ và kêu gọi anh em trên đảo tham gia câu lạc bộ. Lúc đó, câu lạc bộ của ông có trên 20 người. Nhưng do bận rộn mưu sinh, số thành viên câu lạc bộ nay chỉ còn 8 người. Tuy ít người nhưng mật độ sinh hoạt lại chất lượng và dày dặn hơn, một tháng vài lần, mỗi bận có khi 2-3 ngày liên tục. Ông hài hước: “Hễ có đủ dân chơi là tập hợp lại thôi”. 

Ông Giang cũng là thành viên Hội Văn học nghệ thuật huyện đảo Phú Quốc, chuyên sáng tác lời mới dựa trên làn điệu đờn ca tài tử. Bài hát đầu tiên ông viết năm 1995, với tinh thần động viên người tốt việc tốt, về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ bấy đến giờ, người cựu chiến binh năm xưa đã có một vốn liếng bài hát dày dặn, tham gia các kì liên hoan trong tỉnh. Mới đây, ông đạt giải ba Hội thi “Tiếng hát cựu chiến binh” khi nhắc đến kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Như để vơi bớt nỗi nhớ quê, xa nhà hay đơn giản là để động viên tinh thần giữa đảo xa, những thành viên trong câu lạc bộ đờn ca tài tử và ca nhạc của Hội Nông dân đảo Thổ Chu đã chung tay xây dựng một không gian sinh hoạt chung tại nhà ông Lê Trường Giang. Không có đầy đủ nhạc cụ để gọi là “dân chơi chuyên nghiệp” nhưng đàn kìm, ghi ta, sáo thì luôn sẵn sàng. 

Không gian nhỏ nơi sân vườn nhà ông Giang đã trở nên quen thuộc với họ mấy mươi năm nay. Cũng trang trí, cũng sắm đôi loa thùng để làm cho giọng hát được vang xa hơn cho mọi người cùng nghe, những người nghệ sĩ nông dân đã cất lên những bài hát tự sáng tác như “Tiếng hát lứa đôi”, “Yêu lắm Thổ Chu tôi” hay những làn điệu đơn ca tài tử tân cổ như “Hàn Mặc Tử”, “Lá trầu xanh”, trích đoạn “Đêm lạnh chùa hoang”... trong những lần giao lưu. 

Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Lê Trường Giang khoe: “Ở đây, món ăn tinh thần chỉ có đờn ca tài tử là chủ yếu thôi. Đoàn nào từ đất liền ra muốn giao lưu là chúng tôi tới liền”.

Còn hai vợ chồng bà Trần Kim Hằng và ông Huỳnh Văn Lộc cũng tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử được 6 năm nay, phối hợp với nhau rất ăn ý. Bà Hằng là người chuyên hát những làn điệu tân cổ. Có khi, một mình bà còn tự đóng vai nhiều nhân vật trong một trích đoạn. Bà cũng mong muốn được đi giao lưu ở nhiều nơi khác, cũng mong được thể hiện giọng hát của mình qua sóng phát thanh, truyền hình. 

Bà kể: “Tôi thích hát lắm, muốn đi tham gia giao lưu chỗ này, chỗ kia cho biết nhưng mà chưa có điều kiện. Có khi giao lưu ở dưới An Giang là Câu lạc bộ Bình Minh. Thấy đoàn người ta mặc quần trắng, áo đỏ, mình thích cũng được như người ta, cũng được đi giao lưu chỗ này, chỗ kia cho biết”.

Mọi kinh phí duy trì hoạt động câu lạc bộ tới nay là tự nguyện. Bà con nhân dân trên đảo Thổ Chu ủng hộ, thi thoảng lại mời câu lạc bộ tới hát góp vui. Ông Lê Trường Giang cũng cho mình là người may mắn vì hơn 20 năm nay được sự ủng hộ của vợ con. 

Ông hóm hỉnh: “Vợ chồng đồng lòng tát biển đông cũng cạn. Đây là vấn đề rất cần thiết cho đời sống tinh thần của mình. Cho nên hễ mình vui thì mọi người đều vui - thì đó là cái vui chung”. 

Tất nhiên, ông và các thành viên trong câu lạc bộ của mình cũng mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, để mọi người có thể vững tin hơn trong việc gìn giữ một giá trị tinh thần quý của dân tộc. 

Trong vị thế mới là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền, các cấp quản lý văn hóa và giới nghệ sĩ tài tử cùng công chúng phương Nam đang nỗ lực để gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình âm nhạc độc đáo này. 

Riêng với những thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử và ca nhạc của Hội Nông dân đảo Thổ Chu, niềm say hát cũng chính là tiếng trải lòng được cất lên giữa mênh mông sông nước, giữ niềm tin cùng nhau bám đảo, bám biển.

Bảo Trân
.
.
.