Toà tháp 9 bậc trong khu lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng

Thứ Ba, 03/07/2007, 09:39
Một nhóm các nhà khảo cổ học Trung Quốc sau 5 năm nghiên cứu đã phát hiện ra một toà tháp 9 bậc nằm sâu trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở gần cố đô Tây An.

Theo tin Tân Hoa Xã phát đi ngày 2/7, do việc khai quật khu lăng mộ này vẫn đang bị cấm nên người ta chỉ có thể khẳng định sự tồn tại của tòa tháp đó bằng phương pháp cảm ứng điều khiển từ xa.

Khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng được tình cờ phát hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước ở tỉnh Thiểm Tây, phía Tây Bắc Trung Hoa. Tại đó người ta đã tìm thấy hàng nghìn binh sĩ làm từ đất nung to như người thật, canh giữ cho anh linh của vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Trung Hoa thống nhất. Từ đó tới nay, khu lăng mộ này đã trở thành một trong những di tích lịch sử thu hút được sự chú ý lớn nhất ở Trung Quốc.

Do nhận thấy công nghệ khảo cổ hiện đại chưa đủ để thực hiện một nhiệm vụ lớn và quan trọng như khai quật khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng nên chính quyền Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa "bật đèn xanh" cho việc này. Các nhà khảo cổ học hiện vẫn phải sử dụng phương pháp cảm ứng điều khiển từ xa để nghiên cứu những bí ẩn nằm sâu trong lòng đất trong khu lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng.

Tần Thuỷ Hoàng danh chính ngôn thuận là con trai của Trang Tương Vương nước Tần nhưng nhiều người lại cho rằng ông là con đẻ của doanh gia Lã Bất Vi (tương truyền, Lã Bất Vi sau khi làm cho mỹ nhân Triệu Cơ có mang đã mang dâng nàng cho công tử Tử Sở, tức Trang Tương Vương sau này).

Tần Thuỷ Hoàng lên ngôi hoàng đế ở thế kỷ thứ III trước Công nguyên, chọn Tây An làm kinh đô. Tần Thuỷ Hoàng là ông vua được coi là có nhiều công tích kỳ vĩ đối với sự nghiệp xây dựng quốc gia. Chính ông đã chia đất nước thành 36 quận với quan cai trị từng quận do triều đình trực tiếp bổ nhiệm.

Ông là người có công thống nhất ngôn ngữ, văn tự, cải cách bộ máy hành chính cho đế chế Trung Hoa. Ông cũng là người cho nối các đoạn thành đã có từ trước, đắp bồi, củng cố thêm thành Vạn Lý Trường Thành lưu danh thiên cổ.

Tuy nhiên, theo sách "Sử ký" của Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng tôn vinh "thuỷ đức", nên "cai trị thì cứng rắn nghiêm nghị, gay gắt, sâu sắc, mọi việc đều dùng pháp luật để quyết định, khắc bạc, không dùng ân đức, nhân nghĩa…" (bản dịch của học giả Phan Ngọc). Chính vì thế nên đã có rất nhiều giai thoại lịch sử khốc liệt về thời kỳ trị vì của Tần Thuỷ Hoàng.

Ông đã từng xuống chiếu đốt sách, chôn hàng trăm nho sĩ ở ngoài thành Hàm Dương. Ông cũng là người khai thác sức dân thậm tệ để xây dựng những lâu đài nguy nga cho mình…. Cung A Phòng của ông đã sử dụng tới 70 vạn tù nhân để xây nên…

Tần Thủy Hoàng băng hà ở Sơn Đông năm 211 trước Công nguyên trên đường đi kinh lý. Cái chết bất ngờ của ông là một thảm kịch lớn đối với nhà Tần vì thừa tướng Lý Tư đã làm giả chúc thư đưa người con thứ là công tử Hồ Hợi lên làm Thái tử và buộc người con lớn là công tử Phù Tô phải tự sát. Thái tử Hồ Hợi sau đó lên nối nghiệp làm Nhị Thế Hoàng đế, đã đưa xác của vua cha về táng tại núi Ly Sơn gần Tây An.

Lính đất nung trong khu lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng.

Khu lăng mộ này của Tần Thuỷ Hoàng cũng ẩn chứa trong mình nhiều huyền tích li kỳ. Ngay từ khi mới lên ngôi, Tần Thuỷ Hoàng đã chọn núi Ly Sơn làm nơi an nghỉ nghìn thu cho mình và "đến khi thôn tính cả thiên hạ, dời hơn 70 vạn người trong thiên hạ đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào.

Đem những đồ quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên có ai đào tới gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư (tức con hải báo) để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy lâu không tắt…" (Sử ký).

Sau khi xác Tần Thuỷ Hoàng đã được mai táng, Nhị Thế Hoàng đế đã sai chôn sống cùng rất nhiều người không chỉ từng ở hậu cung vua cha, mà cả những người thợ đã thiết kế nên những cỗ máy tinh xảo trong lăng mộ với lý do "bảo toàn bí mật". Nhị Thế Hoàng đế cũng sai trồng cây cỏ lên trên khu lăng mộ để cho nó trông giống như một quả núi tự nhiên…

Cho tới hôm nay, những tư liệu khoa học về khu lăng mộ của Tần Thuỷ Hoàng đã thu thập được vẫn còn ít ỏi. Vì vậy, việc phát hiện ra tòa nhà hình tháp ở đây đã là một sự kiện thu hút được sự chú ý của giới khảo cổ và nghiên cứu lịch sử không chỉ ở riêng Trung Quốc.

Các nhà khoa học cho rằng, tòa tháp nằm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được coi là nơi để anh linh hoàng đế Trung Hoa siêu thoát

Trần Lương
.
.
.