Tọa đàm “70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch”: Tính nhân văn và sức sáng tạo làm nên giá trị trường tồn

Thứ Bảy, 07/09/2013, 12:16
Ngày 6/9, Ban Tuyên giáo TW và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN tổ chức tọa đàm khoa học “70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ tịch”. Đến dự, có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên BCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW; đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW; đại diện một số bộ, ban, ngành và các nhà văn, nhà nghiên cứu…

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Tọa đàm khoa học thêm một lần khẳng định giá trị to lớn của “Nhật ký trong tù”. Tác phẩm không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc, mà là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt từ khi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi năm 1960, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam… “Nhật ký trong tù” chẳng những là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, mà còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh.

Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các nhà văn, nhà nghiên cứu tiếp tục làm rõ hơn hoàn cảnh đặc biệt ra đời tập thơ “Nhật ký trong tù”; những giá trị lớn lao về tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm; ảnh hưởng lâu bền, sâu sắc của tập thơ “Nhật ký trong tù”; làm thế nào để tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị và ảnh hưởng to lớn của tác phẩm “Nhật ký trong tù”. Qua đó, góp phần đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác phẩm “Nhật ký trong tù”; có thể chuyển tải “Nhật ký trong tù” bằng nhiều hình thức, như sách điện tử, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, nghệ thuật thư pháp, mỹ thuật, âm nhạc… để giới thiệu và truyền bá sâu rộng hơn nữa những giá trị bất hủ của tập thơ.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW và các đại biểu cùng tác phẩm “Nhật ký trong tù” do Nhà giáo Ưu tú Hoàng An dịch sang tiếng Tày - Nùng.

Hơn 30 tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu đã tiếp tục làm rõ những giá trị lớn lao và trường tồn của “Nhật ký trong tù”. GS. Hà Minh Đức đi sâu vào đặc điểm là ghi chép tên các bài thơ trùng với các huyện mà Hồ Chí Minh bị áp giải trong suốt 388 ngày bị giam giữ, đặc biệt, dựa vào hiện vật gốc là cuốn sổ màu vàng nhạt với 133 bài thơ, để bác bỏ quan điểm của tác giả Lê Hữu Mục cho rằng, đa phần thơ trong “Nhật ký trong tù” là của ông già Lý cùng bị tù với Bác; tác phẩm chỉ có 100 bài thơ và bìa cuốn sổ là màu xanh! Cũng theo GS. Hà Minh Đức, hiện có nhiều bài, câu thơ dịch khác nhau, nhưng không có trọng tài để phân định.

GS. Phong Lê đặt vấn đề: Cho đến nay, hành trình của nguyên tác vẫn còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ cần được làm rõ: Ai giữ hộ tập thơ cho Bác? Ai gửi tập thơ về Hà Nội? Từ Hà Nội, hành trình của nguyên tác đi theo con đường nào để đến Bảo tàng Cách mạng? Hành trình đó là ngẫu nhiên hay do chủ ý của Bác, hay của tổ chức nào? Với khoảng thời gian 17 năm im lặng mới đến với công chúng, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến sản phẩm làm ra, hoặc không xem đó là áng văn chương, hoặc có giá trị văn chương thực sự? Việc chọn chữ Hán sau 23 năm viết bằng chữ Pháp và Việt, là hình thức chuyên chở thích hợp nhất ý tưởng và cảm xúc của Người, vì Bác xuất thân và được đào tạo trong truyền thống Nho học, chứ không phải là để “giữ bí mật” với kẻ thù. Tập thơ ra đời ngẫu nhiên, là nhu cầu ghi chép cho riêng mình, nhưng lại mang giá trị thơ đích thực và là bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh. “Nhật ký trong tù” viết cho riêng mình và Tuyên ngôn Độc lập viết cho hàng triệu người dân Việt chính là 2 tượng đài Người để lại.

Nhiều đánh giá mới về “Nhật ký trong tù” cũng được đưa ra: mọi đề tài, chất liệu đều có thể bước vào thơ, nhưng không tự nhiên chủ nghĩa, mà luôn trùm lên tình yêu thương của con người. Bác có tài trong sử dụng ngôn ngữ, miêu tả hiện thực và tự biểu hiện nội tâm, nên ngôn từ chắt lọc và phóng khoáng của một nhà thơ chuyên nghiệp, tự nhiên, chân thật, nhưng cũng uyên bác và gợi cảm. Tính nhật ký tạo nên sự hồn nhiên, nhưng vẫn thấy cái lớn lao. Từ những ý kiến đánh giá của bạn bè quốc tế, GS. Đặng Thanh Lê khẳng định: Hồ Chí Minh là nhà chính khách tầm cỡ thế giới và nhà thơ nổi tiếng. Người không chỉ là nhà lãnh đạo một đất nước mà là nhà lãnh đạo một giai đoạn lịch sử của thế giới. “Nhật ký trong tù” sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, thể thơ Đường nhưng mang cốt cách dân tộc. Một phát hiện mới về ngôn ngữ của “Nhật ký trong tù” đã được GS. Phương Lựu chỉ rõ: từ ngữ sử dụng theo hướng đại chúng hóa và nhất là, “Nhật ký trong tù” đã sáng tạo ra thể thơ tứ tuyệt tự sự hầu như không có trong thơ Đường, cùng với phá vỡ phong cách cấu tứ của thơ Đường.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, nhiều tham luận sâu sắc, có giá trị khoa học, khẳng định “Nhật ký trong tù” có sức sống vượt thời gian, khi thỏa mãn yêu cầu khắt khe của các tiêu chí Đông –Tây ở cả nội dung tư tưởng, nghệ thuật và ngôn ngữ: “Nhật ký trong tù” là bộ sử thi về thế giới tâm hồn và nhân cách Hồ Chí Minh với chủ nghĩa nhân văn đậm đà, có sức lan tỏa. Ngoài tính hàm súc, cô đọng, tác phẩm còn mang yếu tố văn xuôi vào thơ, hiện đại hóa thơ Đường. Xưa nay, chúng ta chỉ khai thác chất thép, tinh thần đấu tranh giai cấp bằng vũ lực, nhưng thơ Hồ Chí Minh lại mang đậm chủ nghĩa nhân văn, điều đó mới chinh phục con người bền lâu và mạnh mẽ. Hôm nay, tác phẩm vẫn như đang giải đáp cho chúng ta về vấn đề phát triển nhân cách, giá trị nhân văn.

Hiện đã có gần 30 nước dịch “Nhật ký trong tù” ra các thứ tiếng và mới đây Hội Nhà văn đã ký thỏa thuận để dịch ra tiếng Ả rập

Thanh Hằng
.
.
.