Tổ chức nhiều hoạt động Lễ hội Cần Vương
Đến thời điểm này, đã có gần 20 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các đơn vị từ Trung ương đến địa phương đăng ký tham gia hội thảo, với các báo cáo khoa học như: Quá trình xây dựng thành Tân Sở, vai trò Nguyễn Văn Tường từ xây dựng Tân Sở đến sau sự kiện thất thủ kinh đô 5/7/1885, vai trò vua Hàm Nghi đối với Tân Sở và lễ tuyên chiếu Cần Vương…
Theo lịch sử, thì năm 1884 vua Hàm Nghi lên ngôi khi mới 13 tuổi trong giai đoạn lịch sử hết sức cam go, chủ quyền đất nước đã bị đặt dưới ách thực dân Pháp. Thời điểm này, nhà vua và các quan đại thần thuộc phe chủ chiến đã bí mật tổ chức đánh thực dân Pháp để bảo vệ độc lập dân tộc. Nửa đêm mùng 4/7/1885 (nhằm 22 tháng 5 âm lịch), quan đại thần Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công vào Tòa Khâm Sứ Pháp ở bên kia bờ sông Hương và đồn Mang Cá ở phía Đông Bắc Kinh thành. Tuy nhiên, do chênh lệch lớn về lực lượng và vũ khí chiến đấu, đến sáng hôm sau quân của nhà vua đã bị bại trận.
Sau đó, nhà vua cùng các quan đại thần và số binh lính còn sống sót bí mật rời bỏ kinh thành, hành quân ra Tân Sở để lập căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, ngày 13/7/1885, nhà vua đã tuyên chiếu Cần Vương, kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập dân tộc. Nhà vua đã bị bọn thực dân bắt vào đêm 26/8/1888 tại Tuyên Hóa (Quảng Bình), khi đó ông mới 17 tuổi và phong trào Cần Vương mới được 3 năm. Mặc dầu vậy, phong trào Cần Vương đã lan tỏa, phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước cho tới hơn 10 năm sau và trở thành tiền đề của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ông Nguyễn Huynh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Cần Vương cho biết, các ý kiến thảo luận, báo cáo khoa học về thành Tân Sở với phong trào Cần Vương sẽ được tập hợp thành kỷ yếu, lấy đó làm cơ sở khoa học để phục vụ cho việc phục hồi di tích thành Tân Sở sau này