Tổ chức chương trình thơ Tố Hữu: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi”

Thứ Bảy, 02/10/2010, 21:55
Sáng 2/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình giao lưu thơ nhạc "Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi" nhân kỷ niệm 90 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2010) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra trong không khí lắng đọng, thân tình.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, bà Vũ Thị Thanh - phu nhân  nhà thơ Tố Hữu, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều nhà văn, nhà thơ, đông đảo người yêu mến thơ Tố Hữu đã tham dự buổi giao lưu.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, bà Vũ Thị Thanh - phu nhân nhà thơ Tố Hữu tại buổi giao lưu.

Theo lời nhà thơ Hồng Thanh Quang, người tham gia dẫn chương trình với MC Huyền Sâm: Tố Hữu là một chiến sĩ cách mạng, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, nhà thơ lớn của nền thi ca cách mạng. Nhà thơ Tố Hữu bằng những bài thơ và sáng tác của mình đã tạo nên cảm hứng lớn cho nhân dân ta, đất nước ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Thơ của ông đồng điệu với tâm hồn của nhân dân và bởi thế nhân dân rất yêu thơ ông.

Hôm nay tại buổi giao lưu, các nghệ sĩ: NSƯT Vương Hà, NSƯT Hà Vy, NSƯT Phan Muôn, NSƯT Hồng Ngát, NSƯT Hồng Hạnh và dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội... đã thể hiện những bài thơ hay của Tố Hữu, đưa người nghe trở về với tình yêu quê hương, đất nước và cách mạng mà cả cuộc đời của ông đã viết nên.

Tại buổi giao lưu hôm nay, chúng tôi gặp ông Bùi Xuân Năm, từng là chiến sĩ đặc công rừng Sác, nay đã trở thành Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ vận tải thủy miền Nam, vừa bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để được tham dự chương trình thơ nhạc Tố Hữu.

Ông đã lên sân khấu để ngâm bài thơ "Trăng trối" mà đã từng yêu da diết suốt một thời chiến đấu giữa vùng lòng chảo cá sấu, cái chết nắm chắc hơn sự sống, lúc đó ông đã đọc bài thơ này của Tố Hữu để tự trấn an mình, lấy lại tinh thần: "Đời cách mạng, từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày. Là gươm kề cận cổ, súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa". Để rồi "Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng. Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng. Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành. Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh. Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng". 

Ngồi ngay hàng ghế đầu, bà Vũ Thị Thanh - phu nhân nhà thơ Tố Hữu chăm chú lắng nghe từng bài thơ của chồng mình. Bà khẳng định với tôi rằng, bà đã nghe những bài đó nhiều đến nỗi đã thuộc làu từ lâu. Nhưng mỗi lần nghe lại, bà lại thấy có những cảm xúc thân thương.

"Tôi rất xúc động khi khán phòng chật kín người, im lặng nghe những bài thơ của Tố Hữu. Tố Hữu ra đi nhưng người yêu mến Tố Hữu còn nhiều lắm" - bà Thanh chia sẻ. Để lưu giữ những kí ức về  nhà thơ Tố Hữu, bà Vũ Thị Thanh đã tổ chức nhà lưu niệm Tố Hữu ngay tại nhà riêng: biệt thự D9, Làng quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy - Hà Nội). Những người yêu mến Tố Hữu, có thể đến thăm nhà lưu niệm vào sáng thứ Bảy hàng tuần, từ 9h tới 12h.

Chương trình thơ “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” đã khép lại tại Nhà hát Lớn trong buổi sáng của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng dư âm những bài thơ của nhà thơ Tố Hữu thì còn sống mãi...

Lâm Khánh Vy
.
.
.