Tổ chức Tết Trung thu: Phải hướng tới cái vui mang tính cộng đồng

Thứ Sáu, 06/10/2006, 07:55

"Đời sống ngày càng hưng thịnh, nhưng hình như Tết Trung thu có phần tẻ hơn xưa?" - đó không chỉ là nhận xét của riêng tôi, hoặc của thế hệ tuổi đã ngoài "băm" như tôi, mà là nhận xét của nhiều người đã từng chứng kiến những Tết Trung thu từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954) đến giờ.

Ý kiến đó phổ biến đến độ nhiều lúc tôi đã phải đặt câu hỏi: "Có lẽ nào lại như vậy, khi mà đời sống vật chất của chúng ta ngày càng được nâng cao, trẻ em ta cũng được bố mẹ mua sắm cho những đồ chơi "hiện đại", phong phú hơn nhiều lần so với những năm trước đó? Hay là chúng ta quá "nệ cổ", không nhập mình được vào cuộc vui của tụi trẻ, không nhìn sự việc bằng con mắt của chúng nên mới thành kiến ra thế ấy? Tất nhiên, tự hỏi vậy, chứ sự thật vẫn là sự thật.

Cái "tẻ" của những Tết Trung thu gần đây (và xem chừng ngày càng "tẻ" hơn), chúng ta có thể nhận thấy rõ rệt nếu quan sát thái độ của các cháu bé rồi đem so sánh với cái háo hức xa xưa ấy của mình. Vả chăng nó còn có những nguyên nhân khách quan, chưa hẳn đã phụ thuộc vào những yếu tố kinh tế nhắc tới trên.

Rõ ràng, vào quãng những năm 1975, 1976… (tôi chỉ nói giai đoạn mà một chú bé 7, 8 tuổi là tôi khi ấy đã được tận hưởng) không khí Trung thu nô nức đến dường nào. Những đoàn múa, rước sư tử suốt từ chiều đến tối diễu qua diễu lại phố tôi không biết bao nhiêu lượt. Tiếng trống tùng rinh tùng rinh ngày ấy như tưởng vẫn còn thập thình trong trái tim tôi đến tận giờ. Rồi thì cuộc vui tổ chức đêm Trung thu ở sân UBND phường (bấy giờ còn gọi là tiểu khu) với biết bao nhiêu trò "vui chơi có thưởng". Bây giờ nhìn lại, thấy những thứ ấy thật đơn sơ, nhưng niềm vui của chúng tôi thì vô cùng to lớn.

Chẳng cần nói, chúng ta cũng thấy đồ chơi của trẻ em ta ngày càng phong phú. Có những thứ bây giờ chẳng mấy ai xem là lạ, nhưng là cả niềm mong ước của chúng tôi ngày trước. Tất nhiên, cuộc đời phải càng ngày càng phát triển, và đồ chơi của trẻ em cũng phải cải tiến cho thích hợp với một cuộc sống văn minh, nhưng có một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây: Phàm đã là đồ chơi, thì dù tinh xảo đến mấy, trẻ em cũng chóng chán. Nếu là đồ chơi mà bố mẹ, anh chị hướng dẫn để chúng làm lấy được, thì niềm vui của chúng đối với những thứ đó sẽ lớn hơn và chắc hẳn lâu bền hơn.

Vả chăng, đồ chơi cũng có nhiều loại. Có loại hướng trẻ em tới cái đẹp của sự mơ mộng. Có loại thì kích động bản năng hung hãn của chúng. Có loại đồ chơi là để hòa nhập với cộng đồng, có loại thì chỉ đáp ứng những sở thích cá nhân tủn mủn. Còn nhớ, những năm thiếu thời, với "chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu", chúng tôi dung dăng dung dẻ với nhau, vui thú biết bao.

Còn bây giờ, nhìn những người bán đèn ông sao ở phố Hàng Mã cứ ngẩn ra vì ế khách, trong khi thiên hạ nô nức đua nhau mua những chiếc đèn lồng dùng pin của Trung Quốc giá mấy chục ngàn một chiếc mà thấy chạnh lòng! Càng chạnh lòng hơn khi phải chứng kiến những người bố bắt con ở trong nhà, không cho tụ tập với trẻ hàng xóm vì sợ chúng đùa nghịch, dứt đứt mất chiếc dây dẫn điện ở chiếc đèn lồng sang trọng ấy. Riêng tôi, tôi còn được chứng kiến một ông bố đã thẳng cánh tát tai một đứa trẻ hàng xóm vì nó sơ ý đùa làm rách chiếc mặt nạ đắt tiền của con ông. Chiếc mặt nạ bị rách một chút thôi nhưng người đàn ông kia đã thực sự lộ rõ bộ mặt thật nhẫn tâm của mình.

Trung thu là ngày Tết của các em. Ngày trước, vào dịp này, Bác Hồ thường có thơ gửi thiếu niên nhi đồng "Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng". Ý thức được điều này để các bậc phụ huynh của chúng ta, cũng như các đoàn thể xã hội tập trung hơn nữa, không chỉ là kinh phí, mà cả về công sức.

Đặc biệt, phải tạo ra những nguồn vui cho các em: không phải niềm vui đơn lẻ, co cụm, mà là niềm vui có tính chất tập thể, cộng đồng. Vả chăng, việc tung tiền trong các dịp Trung thu cho con cái chưa hẳn đã hoàn toàn thể hiện sự quan tâm của bố mẹ đối với chúng nếu như việc mua sắm ấy chỉ có tính chất phô trương "tiềm năng kinh tế" của mình với thiên hạ…

Hà Khải Hưng
.
.
.