Tổ chức Lễ tưởng niệm người soạn thảo "Chiếu thoái vị" cho nhà vua Bảo Đại

Thứ Tư, 18/03/2009, 09:58
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vừa tổ chức Lễ tưởng niệm cụ Phạm Khắc Hòe, một nhân sỹ yêu nước, người đã có nhiều cống hiến xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tại Lễ tưởng niệm, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đánh giá: Cuộc đời cụ Phạm Khắc Hòe là tấm gương chuyển biến tư tưởng của trí thức Việt Nam, một Đổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng của Triều đình Bảo Đại với lòng yêu nước sáng suốt đã nhận thức đúng đắn con đường phải đi theo của đất nước, dân tộc và nhân dân nhằm lái vua Bảo Đại đi theo con đường chính nghĩa.

Trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945, trên cương vị là Đổng Lý Ngự Tiền Văn Phòng của Triều đình Bảo Đại, khi được cán bộ cách mạng liên hệ và giác ngộ, cụ đã góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ phong kiến từ bên trong và bảo toàn kho tàng, của cải của triều đình giao cho chính quyền nhân dân.

Trong khi các thế lực phản động ra sức lôi kéo nhà vua và xúi giục triều đình dựa vào Nhật, Pháp để chống lại Việt Minh, cụ Phạm Khắc Hòe đã tích cực thuyết phục vua Bảo Đại chấp nhận thà "Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ" và cũng trong thời khắc lịch sử ấy, cụ Phạm Khắc Hòe đã soạn thảo chiếu thoái vị cho vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn và đó cũng là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, cụ Phạm Khắc Hòe đã lần lượt được Nhà nước ta giao đảm nhận các chức vụ: Giám đốc Nha Pháp chính, Bộ Nội vụ; Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội vụ; Cố vấn kiêm Tổng Thư ký Phái đoàn Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị đàm phán với Pháp ở Đà Lạt và Phông-ten-blô.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, sau đó đưa đi giam giữ tại Sài Gòn, Đà Lạt và tìm mọi thủ đoạn để dụ dỗ mua chuộc, nhưng cụ kiên quyết từ chối, buộc chúng phải đưa cụ ra quản thúc ở Hà Nội.

Sau đó được sự giúp đỡ của tổ chức, cụ đã bí mật trốn lên chiến khu Việt Bắc để tham gia kháng chiến và trở lại làm Đổng Lý Văn Phòng, Bộ Nội vụ. Sau hòa bình lập lại, cụ tiếp tục được giao làm Vụ trưởng Vụ Dân chính kiêm Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng cho đến khi nghỉ hưu.

Từ tháng 4/1961, cụ được tín nhiệm cử làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiều khóa, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Luật gia Việt Nam và được Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân chương cao quý

L.V.
.
.
.