Tìm thấy áo choàng “Vân Phụng Tiên Y” thời Minh Mạng

Thứ Tư, 07/09/2005, 08:10

Bảo tàng tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện một chiếc áo choàng có thêu 4 chữ "Vân Phụng Tiên Y" tại nhà ông Kôn Thí, bản A Xợp, xã A Xing, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Theo ông Kôn Thí, chiếc áo Vân Phụng Tiên Y là do vua Minh Mạng đã ban tặng cho ông nội của Kôn Thí ngày trước khi giữ chức Tri Châu (Tù trưởng).

Chiếc áo gồm 3 thân: 2 thân trước và 1 thân sau, mỗi thân dài 120cm, rộng 64cm; cổ áo tròn, ống tay áo rộng; được may thủ công bằng 2 lớp vải, bên trong là lớp vải lanh màu đà, bên ngoài là lớp vải lụa màu xanh da trời; trang trí hoa văn trên áo là hình chim phụng ẩn trong mây cùng với hàng chục dải đai ngũ sắc.

Theo Thạc sỹ khảo cổ học Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, chiếc áo trên được vua Minh Mạng (1820-1840) dùng để ban thưởng cho một số Tri Châu ở miền núi tỉnh Quảng Trị. Sự ban tặng Vân Phụng Tiên Y thể hiện chính sách "nhu Việt" của triều đình nhà Nguyễn với mục đích khuyến khích các Tù trưởng bảo vệ biên giới quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện công việc quản lý thu thuế.

Đối với các Tri Châu, chiếc áo trên được mặc chủ yếu vào các dịp tế lễ linh thiêng và mặc để chỉ huy cộng đồng chống ngoại xâm, bởi vậy chiếc áo vua ban mang ý nghĩa thần quyền và vương quyền

T.B.
.
.
.