Nhân xem Triển lãm "Tình yêu trong chiến tranh" tại Cần Thơ:

Tình yêu làm nên điều kỳ diệu

Chủ Nhật, 11/05/2008, 15:45
Được học, được nghe kể nhiều về tình yêu trong chiến tranh, nhưng thú thật, khi xem triển lãm với đề tài này tại Bảo tàng Cần Thơ (*), chúng tôi - thế hệ sinh ra khi đất nước hòa bình, hai miền Bắc Nam được thống nhất, mới thấy mình biết quá ít về chuyện tình yêu của thế hệ cha anh đi trước.

Trong khói lửa tàn khốc của cuộc chiến tranh, tất cả vẫn rất lạc quan, nung nấu một niềm tin sắt son vào ngày toàn thắng và họ đã dành cho "một nửa của mình" một tình yêu mãnh liệt. Chính tình yêu đó của những người chiến sĩ cách mạng đã góp phần làm nên điều kỳ diệu của dân tộc…

Tôi thật sự xúc động khi gặp lại những lá thư, những kỷ vật thiêng liêng của người chiến sỹ. Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân (thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân), trong lá thư gửi người con gái tên Lan, tuy lời ít nhưng ý trào dâng: "Vì khi biết Lan, định xây dựng với Lan, Hy đã đem cả lòng chân thành của mình cho Đảng, cho Lan và cho cuộc đời mình. Hy thấy rằng đã có một tình thân mặn nồng tha thiết với Lan".

Yêu rồi cách xa, nỗi nhớ nhung giữa hai con tim có rất nhiều cung bậc. Trong lá thư đề ngày 5/9/1964, chiến sĩ Hoàng Kim Giao đã viết gửi cho người yêu Nguyễn Thị Lan như sau: "Em yêu quý của anh! Anh mong gặp em ghê lắm. Anh muốn chúng ta dưới ánh trăng đẹp sẽ cùng nhau im lặng; đi trong vườn hoa vắng hoặc bơi thuyền dưới ánh trăng. Anh muốn lúc đó được nghe những lời yêu thương tha thiết của em. Anh muốn ghì chặt cô bạn xinh xắn của anh vào lòng và nói suốt đời yêu em. Anh muốn mãi mãi được âu yếm, hôn mãi đôi môi xinh đẹp của em, em có cho phép anh không?...".

Trên đường hành quân của Đoàn Công Tính.

Ngày ra tiền tuyến cùng lớp lớp cha anh, hành trang của những chiến sĩ trẻ luôn có chiếc khăn thêu tay, chiếc lược, tấm hình của người yêu  tặng. Có nhiều quyển nhật ký của người chiến sĩ được phát hiện cùng với hài cốt của họ. Thời gian tuy hủy hoại hoặc làm ố vàng những trang viết vội nhưng tình yêu của người chiến sĩ với cô gái giỏi giang, nhân hậu và thủy chung ở hậu phương vẫn mãnh liệt, tràn đầy niềm tin.

Trong một trang nhật ký của một liệt sĩ vô danh, tôi nhận ra những lời mộc mạc, chân chất nhưng tràn đầy tình cảm sâu nặng, thủy chung. Có chiến sĩ không có được lời văn, lời thơ trau chuốt, bèn mượn những câu thơ từ bài "Đợi anh về" vì nó cũng trùng với hoàn cảnh của mình: "Đợi anh về em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ ngày có dài lê thê/ Thì em ơi cứ đợi".

Tôi gặp lại câu chuyện "Đợi anh về" này trong dòng thư của người chiến sĩ Nguyễn Văn Giá gửi cho người vợ tên là Bùi Ngọc Hiên vào thời điểm chiến trường miền Nam khốc liệt - tháng 7/1967. Thương và nhớ người vợ mới cưới da diết, nhưng người chiến sĩ này vẫn tranh thủ giải thích cho vợ hiểu Tổ quốc và hòa bình vẫn là điều thiêng liêng và trên hết. "Chúng ta xây dựng hạnh phúc trong chiến tranh và sự tồn tại của Tổ quốc. Tại ai? Tại thằng giặc Mỹ man rợ tàn ác vô cùng tận. Đợi anh lại về em nhé...".

Kỷ niệm của đôi vợ chồng trẻ này trong lần gặp trước đó tuy ngắn ngủi nhưng thật đặc biệt, cảm động: "Em có nhớ cái ngày hôm đó không? Chúng ta dọn đồ đạc cứ như trong phim ấy. Em trèo lên ghế, anh lại lôi xuống, rồi đuổi nhau… Xa em trong lúc con ra đời anh chẳng giúp gì được... Hôn em và nhớ em nhiều!". Và người vợ ấy vẫn đợi theo lời hẹn ước.

Chỉ có điều, cũng giống như Hoàng Kim Giao và bao chiến sĩ khác, Nguyễn Văn Giá đã mãi mãi mang theo nỗi niềm thương nhớ đẹp đẽ ấy vào lòng đất; các anh gác lại tình riêng cho ngày toàn thắng, cho đất nước nở hoa.

Đường hành quân của tác giả Xuân Cường.

Tôi thật sự xúc động khi tìm thấy bức thư tay đề ngày 1/1/1972 của cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - "Người viết sử ca vĩ đại" của âm nhạc cách mạng Việt Nam. Bức thư này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gửi nhân ngày sinh nhật lần thứ 40 của người vợ yêu dấu của mình - họa sĩ Trịnh Kim Vinh: "Em yêu của anh! Ngày hôm nay là ngày sinh nhật của em. Anh đang ở một điểm thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định. Anh vẫn nhớ em, viết thư cho em nhưng chắc là lâu mới gởi đi được vì ở đây không tiện đường chuyển thư ra. Em đã tròn 40 tuổi. Ngày xưa thì có vẻ đó là già nhưng ngày nay người cách mạng không bao giờ già. Bốn mươi tuổi là bốn mươi mùa xuân, cứ xuân mới đấy thôi…".

Mỗi người chọn cho mình một cách nhớ thương; người thì gửi vào thư, vào nhạc, người thì gửi vào nhật ký, vào tranh, ảnh. Chiến sĩ Trần Sáng - Đại đội 2, Lữ đoàn 126 nhặt được một mảnh vỏ máy bay và anh đã công phu tạo ra chiếc lược, ghi tặng người yêu tên Linh. Tuy nhiên, chưa có dịp gửi tặng cho người yêu mình thì anh đã mang nó theo mình vào lòng đất.

Chiến sĩ Phạm Văn Lân cũng gửi cho "đồng chí" mình chiếc lược. Nhờ nó mà chị Nguyễn Thị Thìn - Đơn vị Đ222, QK4 vững tin "Đợi anh về". Và chị cũng xông pha lên tuyến lửa. Tuy nhiên, đến ngày hòa bình chị nhận được tin anh đã hy sinh và chị cũng là một thương binh nặng.

Chuyện 2 người yêu nhau trao cho nhau kỷ vật thời chiến hết sức gian khó. Vợ chồng cựu tù chính trị Phạm Quang Hồng - Nguyễn Thị Quế cùng bị giam tại Khám Chí Hòa. Tuy nhiên, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai người mới gặp nhau; con gái duy nhất đã hy sinh năm 1969. Ông xúc động nhận từ tay người vợ hiền chiếc khăn quàng cổ mà suốt thời gian ngồi tù, bà đã đan thắt. Điều độc đáo là đuôi chiếc khăn được bà thắt thành hình 2 trái tim cận kề.

Trong những chặng đường hành quân của chiến trường luôn đầy lửa đạn, người chiến sĩ vẫn tranh thủ "chia vui" cùng đồng đội mình, chứng kiến giây phút đăng quang của tình yêu chín mùi và cũng là sự kiện quan trọng nhất nhì trong mỗi đời người - đám cưới. Có lẽ đẹp và nhiều kỷ niệm nhất đối với những người chiến sĩ còn sống đến hôm nay vẫn là những lần dự đám cưới của đồng đội mình được tổ chức trong căn cứ cách mạng.

Đám cưới của nhà báo Đinh Phong tại chiến khu Tân Biên, Tây Ninh năm 1974.

Tôi nhận ra điểm chung nhất là trên những tấm phông, màn của đám cưới, luôn có hình ảnh đôi chim bồ câu đang hướng mắt vào nhau, thể hiện rõ khát vọng hòa bình - hạnh phúc. Đó là chuyện của anh Trỗi và chị Quyên. Có ai ngờ rằng, chỉ đúng 20 ngày sau khi cưới (21/4/1964), anh Trỗi đã bị bắt. Người vợ trẻ bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chồng qua khắp các trại giam và cho đến ngày 15/10/1964, anh bị đưa ra pháp trường… Chiếc áo dài mà chị Quyên mặc trong ngày cưới đặt cạnh chiếc áo dài chịu tang chồng…

Cùng cảnh tang tóc như chị Quyên, ống kính của một phóng viên chiến trường đã bất ngờ ghi lại được nỗi đau tột cùng của chị Hạnh - người vợ của Anh hùng liệt sĩ Lý Văn Lâm (Cà Mau) đang ngồi giữa cánh đồng trong một chiều tà… Nén nỗi đau và nhớ thương vào lòng, cả tiền tuyến và hậu phương đều bám sát nhiệm vụ cách mạng và cùng hướng đến ngày toàn thắng.

Trong lá thư vào cận kề ngày giải phóng, ông Nguyễn Văn Giác (Mười Quang) - Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (giai đoạn 1972 - 1975) gửi người thương mình bấy giờ là bà Lê Minh Châu - Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Cần Thơ rằng: "Cứ mỗi lần đọc thư em nó là nguồn an ủi anh vượt qua khó khăn trong lúc xa vắng để hoàn thành nhiệm vụ… Thắng lợi đã gần, ác liệt, gian khổ vẫn còn, phấn đấu vượt qua đến ngày hội ngộ. Nắm chặt tay em…".

Tôi thật sự ấn tượng khi xem tấm ảnh cựu tử tù chính trị Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu trong ngày lễ "tuyên hôn". Trên tay và ngực áo của cô dâu, chú rể đã có những bông hoa tươi thắm thay cho những cánh hoa dại hay nhánh lan rừng. Hoa nói thay lời trái tim. Hoa mừng ngày chiến thắng…

(*): Triển lãm do Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Cần Thơ và Bảo tàng QK9 phối hợp tổ chức, kéo dài từ tháng 4 đến 8/2008

Binh Huyền
.
.
.