Vở kịch "Hedda Gabler":

Tính hiện đại trong không gian cổ điển

Thứ Ba, 02/11/2004, 19:48

Xem Hedda Gabler, có thể hình dung ra sự mục ruỗng của tâm hồn con người và lối sống giả tạo của giới quý tộc châu Âu cuối thế kỷ 19. Tại đó, dường như sự thật không được xem trọng mà sự hào nhoáng giả dối đã vươn mình như một thế lực và được một bộ phận không nhỏ trong xã hội chấp nhận, theo đuổi…

Lần đầu tiên trên sân khấu kịch Việt Nam xuất hiện Hedda Gabler của nhà viết kịch lớn nhất Na Uy - Henrich Ibsen. Đạo diễn Ngọc Phương và các diễn viên của nhà hát Vũ kịch Việt Nam đã dựng lên một sân khấu hoành tráng, mang phong cách của giới quý tộc châu Âu thế kỷ 19. Một yêu cầu nữa đầy khó khăn: Các diễn viên phải diễn "mộc",  không qua loa phóng thanh điện tử.

Một ngôi nhà duy nhất, một không gian duy nhất (xảy ra liên tục trong 48 tiếng đồng hồ) và một câu chuyện đi suốt cả bi kịch, đó là cách mà Henrich Ibsen đưa đến cho khán giả một cách nhìn mới của loại kịch luận đề, kịch tư tưởng. Một căn phòng ngột ngạt, ánh sáng yếu ớt và tù túng, khiến đông đảo khán giả trong khán phòng rạp Hồng Hà cũng cảm thấy ngột ngạt khi dõi theo từng trường đoạn bi kịch. Và ngay thế kỷ 19, thông điệp mà Henrich Ibsen gửi tới khán giả đến hôm nay vẫn không hề cũ: Không có tình yêu và sự chân thật thì sẽ không bao giờ tìm thấy sự thanh thản cho tâm hồn và hạnh phúc trong cuộc đời.

Henrich Ibsen được coi như đại diện tiêu biểu của sân khấu Na Uy, có khuynh hướng hiện thực phê phán trong kịch Bắc Âu và có ảnh hưởng sâu sắc  đến sân khấu cũng như văn học thế giới trong thế kỷ 19. Ông là nhà cách tân đã khôi phục lại vị trí xứng đáng của nghệ thuật sân khấu trong đời sống xã hội vào thời điểm đó. Và cũng có thể nói, ông đã mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh của sân khấu châu Âu.

Hedda Gabler được Henrich Ibsen sáng tác tại Oslo năm 1890. Hedda Gabler, con gái tướng quân Jabler, sau một thời gian ăn chơi mệt nhoài và khi cảm thấy mình đã hết thời ở lứa tuổi gần 30, cô đành chấp nhận làm vợ tiến sỹ Jorgen Tesman, nhà nghiên cứu lịch sử văn minh, một người cần cù, trung thực nhưng nhu nhược.

Bi kịch bắt đầu xuất hiện khi Hedda đi hưởng tuần trăng mật 6 tháng trở về ngôi nhà mà họ cùng ngưỡng mộ với khoản tiền lớn còn vay nợ. Bản tính kiêu căng, thích những ao ước phù phiếm của Hedda lại cồn cào trở lại khi nghe tin Lorborg xuất hiện tại thành phố.

Lorborg, đồng nghiệp của Tesman, là một người tha hóa, rượu chè và luôn đem lòng yêu Hedda. Tuy vậy, nhờ có tình yêu chân thực của Thea, ông đã tu tỉnh và phát huy trí sáng tạo, viết xong một công trình về tương lai văn minh nhân loại. Điều đó khiến Hedda không chịu nổi, nó kích thích thói kiêu sa để cô chứng tỏ quyền năng định đoạt số phận một người đàn ông. Chính cô một lần nữa đưa Lorborg trở về với những thói hư tật xấu cùng với tập bản thảo bị Hedda ném vào lò lửa.

Thẩm phán Brack, đại diện cho quyền lực và đem quyền lực chuyên chế đến với Hedda, mong được cô chấp nhận với chân lý "Một con gà trống trên sân nhà", nhưng với bản tính kiêu hãnh của mình, Hedda đã không chịu chấp nhận. Bi kịch phát triển mạnh mẽ theo những kiêu sa phù phiếm của người đàn bà đầy quyền năng Hedda. Sau một hồi giễu cợt Lorborg, Thea, Tesman, Brack, cô đã dùng súng để kết thúc cuộc đời mình.

Đi xem kịch không loa phóng thanh trên sân khấu gỗ mới thấy, đài từ của diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam rất ổn. Tuy vậy, ngoại trừ  NSƯT Lan Hương đã vào vai Hedda Gabler một cách thuyết phục, các diễn viên còn lại đều chưa thực sự xuất sắc trong việc "sai khiến" nhân vật của mình. Một điểm nữa, đây là một vở kịch sang trọng và khá… "nặng đô" của thể loại kịch luận đề. Chính vì thế, để khán giả hôm nay tiếp nhận được quả là một việc không đơn giản

Toàn Nguyễn
.
.
.