Tính dự báo thiên tài trong Di chúc của Hồ Chủ tịch

Thứ Sáu, 22/05/2009, 11:37
Sắp tròn 40 năm cả nước thực hiện Di chúc thiêng liêng mà Hồ Chủ tịch để lại, bản Di chúc Người đã chuẩn bị từ 5/1965 đến 5/1969, chứa đựng muôn vàn tình thương yêu với toàn dân tộc, kết tinh bao suy nghĩ, trăn trở của Người về con đường và tương lai đất nước Việt Nam. Đây cũng là thời điểm để tổng kết lại một chặng đường cả dân tộc đã làm theo lời Người và khẳng định giá trị trường tồn của Di chúc.

Đó là lý do để lần đầu tiên, toàn văn bút tích trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 5 năm chuẩn bị đã được công bố vào ngày 20/5, cùng Hội thảo khoa học "Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn" do Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức.

44 bản tham luận cùng nhiều nhà khoa học có uy tín đã tham dự. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đi sâu vào các vấn đề mang tầm thời đại mà bản Di chúc lịch sử đã đặt ra từ 4 thập kỷ trước: chiến lược con người, mối quan hệ giữa Đảng và dân, chính sách thương binh, liệt sĩ, vấn đề thanh niên, người lao động, tư tưởng nhân văn… và soi rọi vào thực tiễn đất nước để rút ra giá trị lý luận.

PGS.TS Phạm Ngọc Anh và Ths. Nguyễn Thế Phúc khẳng định: "Bản Di chúc lịch sử chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc và độc đáo về đạo đức, nhân văn, văn hóa, triết học nhưng trong đó, chiến lược con người bao trùm lên tất cả. Di chúc của Người đề cập công việc trước hết phải làm là chính sách đối với những người trực tiếp tham gia cách mạng, kháng chiến và gia đình họ… Quá trình đổi mới của đất nước, để hội nhập quốc tế thành công, cần phải đặc biệt chú trọng đến thực hiện chiến lược con người mà Hồ Chí Minh để lại."

Ông Đỗ Trọng Bằng - PGĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Những lời dặn trọn nghĩa vẹn tình của Hồ Chí Minh được đúc kết từ truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc và kết tinh từ tình cảm sâu nặng, sự chăm lo ân cần của Người đối với thương binh, liệt sĩ".

40 năm qua, thực hiện lời Người, chúng ta đã có nhiều chính sách ưu đãi với thương binh, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ như, về danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, Quĩ Đền ơn đáp nghĩa, đỡ đầu con liệt sĩ… Những việc làm đó góp phần xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, thúc đẩy phát triển đất nước, càng giúp chúng ta thấm nhuần hơn bài học mà Bác để lại.

TS. Đinh Quang Hải (Viện Sử học) nhận ra sự đặc biệt trong Di chúc là "một tầm cao trí tuệ một thiên tài, khả năng trí tuệ vô song, khả năng tuyệt vời về nắm bắt các khuynh hướng, qui luật phát triển lịch sử để đưa ra những dự báo thiên tài mà ngày nay chúng ta thấy như Người vẫn tiếp tục dẫn dắt chúng ta". Người đã dự báo về sự khó khăn, gian khổ, có thể kéo dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng với niềm tin sâu sắc vào thế hệ tương lai, Người cũng khẳng định cuối cùng sẽ giành được thắng lợi.

Từ các nghiên cứu thấu đáo thực tiễn đất nước sau 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, các nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm: Hồ Chí Minh có một tầm nhìn thiên tài. Di chúc của Người đặt ra những vấn đề đến hôm nay còn nguyên giá trị: Người trăn trở "đầu tiên là công việc đối với con người" cũng như vấn đề thanh niên. Người cũng nhìn xa về vấn đề môi trường, yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến chỉnh đốn Đảng, đồng thời, thương yêu, tin tưởng và kính trọng nhân dân.

Tầm nhìn thời đại của Người còn được khẳng định với chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế. Một chặng đường lịch sử làm theo lời dặn của Hồ Chí Minh đã cho thấy:

Tư tưởng của Người trong bản Di chúc lịch sử thể hiện một cương lĩnh không chỉ xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ mà còn tiến kịp thời đại. Chân giá trị lý luận và thực tiễn của Di chúc Bác Hồ trong thời đại ngày nay đã được khẳng định, là niềm tin cho đất nước đi tới tương lai

Thanh Hằng
.
.
.