Tính chuyên nghiệp của văn học hiện đại

Chủ Nhật, 14/12/2008, 16:58
Nghị quyết của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật (NQ 23/NQTW): "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" đã cảnh báo chính xác với các cấp quản lý văn nghệ và văn nghệ sỹ một trong những "yếu kém, khuyết điểm" của hoạt động văn học nghệ thuật: "Tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động văn học nghệ thuật chuyên nghiệp có chiều hướng tăng lên".

Nhiều bài báo của các nhà lý luận, phê bình, văn nghệ sỹ đã bàn thảo, phân tích và đề nghị các giải pháp để đưa nền văn học trở lại quỹ đạo chuyên nghiệp. Chúng tôi đứng ở góc nhìn tính chuyên nghiệp như một đặc điểm loại hình của văn học hiện đại để hiểu thêm vấn đề này.

Ở đây có hai cặp quan hệ phải phân tích khu biệt rạch ròi:

Thứ nhất: Quan hệ giữa văn học chuyên nghiệp và văn học nghiệp dư. Văn học chuyên nghiệp là nói hoạt động văn học của nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn suốt đời làm nghề sáng tạo văn học nghệ thuật. Văn học nghiệp dư tức là văn học không chuyên chỉ hoạt động sáng tác và truyền bá văn học nghệ thuật của những người vốn làm nghề khác, có làm thêm văn học nghệ thuật.

Do vậy, chuyên nghiệp hay nghiệp dư của công việc sáng tác không phải là tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm văn học nghệ thuật. mà chỉ là đặc điểm của phương thức sáng tác văn học hiện đại, trong đó văn học chuyên nghiệp là chủ đạo, là trung tâm, chiếm ưu thế.

Đặc điểm của văn học chuyên nghiệp nhìn ở góc độ này cũng là điều kiện cần cho các sáng tác văn học hiện đại đạt trình độ nghệ thuật cao, có giá trị vững bền. Nhưng cần mà chưa đủ, muốn có điều kiện đủ còn là vấn đề có phạm vi rộng hơn, cao hơn: Môi trường văn hoá xã hội, ý thức văn hoá, bản lĩnh và tài năng của nghệ sỹ…

Trong đó, yếu tố đủ quan trọng nhất là tài năng nghệ sỹ. Vậy thì trên thực tế - dĩ nhiên điều này là quý hiếm nhưng không phải không xảy ra - một người làm văn nghệ nghiệp dư không có đủ điều kiện cần mà lại có điều kiện đủ, vẫn có tác phẩm xuất sắc, đỉnh cao, sống mãi trong lòng người đọc… Và phải chăng phong trào văn nghệ quần chúng đã từng góp phần tạo ra một thời kỳ văn học nghệ thuật đại chúng hoá cũng thuộc về tình trạng yếu kém?

Ở đây, nghị quyết chỉ cảnh báo "tình trạng nghiệp dư hoá" của văn học nghệ thuật chuyên nghiệp. Nghị quyết không hề phủ nhận văn học nghiệp dư như một thành phần trong chỉnh thể văn học hiện đại, mà nhiều người không phân biệt rõ dễ gây hiểu nhầm. Tư tưởng này là hoàn toàn xác đáng với tình hình văn học trước đây và nhất là hiện nay. Văn học không chuyên (trong đó có văn học dân gian hiện đại) góp phần tạo ra một đời sống văn học vô cùng phong phú, hết sức đa dạng, bởi nhu cầu tinh thần và thị hiếu thẩm mỹ của con người hiện đại hôm nay là cực kỳ phức tạp.

Rất nhiều nhóm thị hiếu có mặt trong đời sống bởi các nhóm thành phần xã hội của con người tự chia tách rất nhỏ, thậm chí đến tận từng cá nhân. Đã qua một thời văn học hiện đại do những đặc điểm của lịch sử, ý thức thẩm mỹ cộng đồng dẫn tới thị hiếu thẩm mỹ tập thể (1945-1975). Nhưng từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, tình hình phân bố và hệ thống người đọc bắt đầu chuyển động. Đọc văn học, cảm thụ nghệ thuật bây giờ là việc của nhu cầu cá nhân con người.

Xã hội càng hiện đại, lao động của con người ngày càng căng thẳng, áp lực của công việc càng lúc nặng nề. Con người có nhu cầu giải toả, thư giãn trong những giờ phút nghỉ ngơi ít ỏi. Trong điều kiện đó, văn hoá, văn học đại chúng có môi trường cực tốt để nảy nở.

Văn hoá, văn học đại chúng có mặt đồng thời với nền kinh tế thị trường, và khi nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển theo hướng toàn cầu hoá thì văn hoá, văn học đại chúng, được sự hỗ trợ của các công nghệ truyền thông kỹ thuật cao, càng mang tính thương phẩm rõ ràng hơn và ngày càng được tiêu thụ mạnh. Đây là một cơ hội cho văn học nghiệp dư "được mùa". Nhu cầu của thị trường là hợp sở thích, thị hiếu cá nhân tôi thì tôi mua.

Việc đọc và cảm thụ tác phẩm thuần túy là câu chuyện của mỗi người tùy theo đặc điểm nghề nghiệp, thu nhập, trình độ học vấn và tầng cấp ý thức văn hoá thẩm mỹ của họ. Hứng thú đọc là hứng thú cá nhân, vậy thì miễn chất vấn…

Và rất nhiều người trong các thành phần xã hội khác có thể không có năng khiếu thiên bẩm gì về văn học nghệ thuật, họ vẫn có thể là bạn viết, bạn đọc của nhau thông qua cầu nối hào hiệp là một tờ báo, một nhà xuất bản nào đó.

Những hoạt động viết và đọc nghiệp dư này không có ý đồ lấn chiếm "thị trường" với văn học nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng nó có ích cho đời sống tinh thần văn hoá xã hội, tạo nên một nét đa dạng, phong phú trên chân dung nền văn học nghệ thuật hiện đại đương thời.

Và cũng hãy "dè chừng", trong cái biển tác phẩm sáng tác theo kiểu nghiệp dư ấy, sẽ có những hiện tượng đột xuất vươn lên chiếm lĩnh được thị hiếu đỉnh cao của công chúng và cạnh tranh thực sự với văn học chuyên nghiệp. Đây là một minh chứng hiển nhiên cho xu hướng xã hội hoá văn học nghệ thuật, một biểu hiện sinh động của tính dân chủ, như một đặc điểm loại hình của văn học hiện đại.

Và ngay cả lý luận văn học, lý thuyết sáng tác, đến văn học hiện đại ngày nay cũng không còn chỉ là câu chuyện trong giới có "thẻ bài", trong phạm vi hàn lâm, bác học nặng "cung cách chuyên chế" như trước, nó cũng đang được phổ cập hoá, xã hội hoá.

Như vậy, ở cặp quan hệ thứ nhất, đã nói đến văn học chuyên nghiệp và văn học nghiệp dư từ sự phân biệt kiểu loại sáng tác. Sáng tác theo kiểu chuyên nghiệp hay kiểu nghiệp dư đều góp phần vào lợi ích tinh thần văn hoá của xã hội, góp phần vào chân dung đa diện phong phú của nền văn học hiện đại ngày nay, trong đó văn học sáng tác theo kiểu chuyên nghiệp là chủ đạo, là trung tâm.

Thứ hai là cặp quan hệ giữa văn học có tính chuyên nghiệp với văn học nghiệp dư hoá, ở đây không còn nói kiểu sáng tác mà được hiểu theo quan hệ định tính, quan hệ chất lượng.

Theo nghĩa này, ta nói đến tính chuyên nghiệp hay tính nghiệp dư của sáng tác. Cách nói: "Viết văn phải trở thành một nghề nghiệp, một nghề nghiệp chuyên nghiệp chứ không thể nghiệp dư, tuỳ hứng được" (1), là nói theo ý nghĩa của cặp quan hệ thứ hai này, nhưng do lỗi diễn đạt nên dễ gây hiểu nhầm.

Cũng từ việc nhấn mạnh, đề cao chất lượng chuyên nghiệp, mà nhà phê bình văn học nhận định: "ở ta đang bị cái nghiệp dư, cái không chuyên, cái bán thành phẩm chi phối, lũng đoạn xã hội" (2). Nếu không xác định góc nhìn thật chặt chẽ, cũng dễ gây mặc cảm cho những người viết không chuyên nghiệp muốn tham gia vào đời sống văn học nghệ thuật hiện đại như đã nói ở trên. Một nhà thơ muốn nói lên "lời cảnh báo về tình trạng "nghiệp dư hoá" trong sáng tác và hoạt động văn học" (3), cũng là nói về xu hướng xuống cấp chất lượng sáng tác của nhà văn chuyên nghiệp, chứ không nên hiểu nhầm rằng đây là sự phản ứng với hoạt động sáng tác của nhà văn không chuyên đang góp phần vào đời sống văn hoá đương đại.

Nền văn học hiện đại đòi hỏi một cách nghiêm túc khắt khe tính chuyên nghiệp trong sáng tác của những người viết được xã hội tôn vinh và đã được thừa nhận hợp pháp, được cấp "thẻ đỏ": Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Báo động của Nghị quyết 23, nỗi lo âu của công chúng văn học chính là ở tình trạng xuống cấp, nghiệp dư hoá của một số  "nhà" trong số trên dưới hàng ngàn nhà văn Việt Nam hiện nay. Đây là nhà văn chuyên nghiệp, được hiểu cả từ hai góc nhìn: sáng tác theo kiểu chuyên nghiệp và sáng tác đạt đến tính chuyên nghiệp. Do vậy, tác phẩm của họ hiển nhiên phải thuộc đẳng cấp nghệ thuật đặc dụng, văn học cao nhã, nghệ thuật "thượng thặng".

Đây là biểu hiện nổi bật, là minh chứng hiển nhiên của tính chuyên nghiệp, như là đặc điểm loại hình của văn học hiện đại. Tính chuyên nghiệp đòi hỏi nhà văn trước hết một ý thức chủ thể với nghề nghiệp của mình. Ý thức chủ thể nghề nghiệp của nhà văn hiện nay chưa ngang tầm với sứ mệnh nghề nghiệp mà xã hội và cuộc sống trao cho họ. Muốn có ý thức chủ thể nghề nghiệp nhà văn phải có bản lĩnh và tài năng.

Một số nhà văn chuyên nghiệp hiện nay đã không còn đủ bản lĩnh nghệ sỹ chân chính của mình trước thách đố của xã hội thị trường, trước yêu cầu dân chủ đòi hỏi khám phá hiện thực bằng chân lý nghệ thuật để góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ. Một số nhà văn không còn một chút ý nghĩ xả thân cho nghệ thuật, hầu như viết chỉ là một kiểu phản ứng bản năng sinh tồn.

Do đó, so với các nhà văn danh tiếng mà có cảnh ngộ đầy bất hạnh trước năm 1945 và với các nhà văn từng ném mình vào cuộc chiến giành độc lập 30 năm, mỗi loại hy sinh theo một kiểu nhưng đều đã hy sinh sự sống riêng của mình để vinh danh văn học nghệ thuật, tức là vinh danh những giá trị văn hoá của con người và dân tộc, thì một số nhà văn chuyên nghiệp ngày nay được xã hội nuôi nấng, cưng chiều lại bị thui chột mất cái thuộc tính của nhân cách nghề nghiệp: sự hy sinh.

Mà ta biết rằng, mọi sự hy sinh có ý thức trên đời này không bao giờ là sự hy sinh hoàn toàn quên mình. Sự hy sinh ấy bao giờ cũng để nhằm khẳng định cái lý tưởng văn hoá mà mình theo đuổi.

Còn về tài năng, nói tới tính chuyên nghiệp của sáng tác người ta nghĩ tới tài năng của nhà văn. Vì đây là câu chuyện chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Văn học hiện đại có tính chuyên nghiệp là nói tới những người chuyên làm một nghề, say mê với nghề và phấn đấu cho sự tinh xảo của nghề để có những sản phẩm thực sự là nghệ thuật. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", đã chấp nhận "dấn thân vô" một nghề thời phải học, phải rèn ngòi bút.

Một năng khiếu thiên bẩm là rất cần thiết, nhưng nhà văn chuyên nghiệp nhất định phải học nghề. Xã hội ngày nay mở ra vô vàn cơ hội và điều kiện cho nhà văn học nghề. Nhiều nhà văn từ Trường Viết văn Nguyễn Du đã thành danh, làm nghề vững vàng. Tất nhiên học nghề văn không chỉ học trong nhà trường, nhưng rõ ràng muốn có nhà văn tài năng phải có công nghệ đào tạo nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Bởi vì chỉ có như thế mới có được những nhà văn đủ trình độ chuyên môn và những tiêu chuẩn nghề nghiệp. Tất nhiên, được đào tạo trong "công nghệ cao", chính quy ra chưa hẳn đã có ngay tác phẩm có giá trị, bởi nó còn lệ thuộc nhiều điều kiện quan trọng khác, nhưng được đào tạo là điều kiện cần, quan trọng nhất cho một nhà văn chuyên nghiệp hiện đại.

Trong lịch sử văn học hiện đại hơn trăm năm qua vẫn có những nhà văn mà nghề viết văn không phải nghề chính, nghề chuyên nghiệp để kiếm sống, thì sáng tác của họ vẫn phải cuộn chảy trong quỹ đạo của dòng thác văn học chuyên nghiệp.

Một trong những loại nhà văn ấy là những chiến sỹ lấy đấu tranh xã hội, hoạt động cách mạng làm công việc chính yếu của cuộc đời. Viết văn như một hành vi cần thiết được họ ý thức để phục vụ cho nghề nghiệp chính… Nhưng như thế không có nghĩa là sáng tác của họ được "đặc cách" tồn tại ngoài quy luật chuyên nghiệp của văn học hiện đại.

Nghĩa là tác phẩm của họ phải đạt đến một giá trị nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp mới có thể đáp ứng được khát vọng và thị hiếu của độc giả. Trong quy luật thị trường, đối diện với thị hiếu của độc giả, mọi kiểu nhà văn đều bình đẳng.

Nhà văn cách mạng Việt Nam cũng phải như vậy. Sáng tác của họ, trong những thời kỳ lịch sử cách mạng trước đây đã đáp đúng nỗi niềm tâm sự, tiếng lòng và khát vọng của những lực lượng cơ bản của dân tộc. Những thế hệ người đọc đông đảo đã tìm gặp thị hiếu của mình và đồng cảm với nhà văn về lẽ sống, về lý tưởng văn hoá qua các sáng tác đó. Nhiều tác phẩm của họ còn là giá trị vĩnh cửu trong lòng các thế hệ người đọc tiếp sau

Vinh, tháng 11 năm 2008

(1). Nguyễn Huy Thiệp, Báo Ngày nay, số 06/2004, Tr16.
(2). Trịnh Đình Khôi, Báo Văn nghệ, số 45/2008, Tr3.
(3). Trần Nhuận Minh, báo Nhân dân, số ra ngày 22/10/2008, Tr5.

Lê Văn Tùng
.
.
.