Tín hiệu lạc quan của nghệ thuật biểu diễn

Thứ Năm, 24/09/2020, 07:36
Sau một thời gian gần như “đóng băng” do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, hàng loạt các chương trình, vở diễn lại được các đơn vị nghệ thuật rộn ràng tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả. Nhiều dự án nghệ thuật mới bước đầu được triển khai, một số suất diễn “cháy vé”… mang lại những tín hiệu lạc quan cho nghệ thuật biểu diễn vào nửa cuối năm 2020.


Đời sống sân khấu tưởng chừng như chiếc lò xo bật mạnh sau thời gian bị nén khi các đơn vị nghệ thuật cùng công bố trở lại với rất nhiều công trình, vở diễn được ưu tiên đầu tư. Chỉ riêng với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, khán giả đã có khá nhiều lựa chọn. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát cho biết, trong tháng 9, một số vở diễn đặc sắc dựng theo kịch bản của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả: Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng.

Đây là chuỗi chương trình trong sự kiện đặc biệt nhân kỷ niệm 40 năm Nhà hát công diễn vở kịch đầu tiên của Lưu Quang Vũ, chủ đề “Sức sống Lưu Quang Vũ”. Là hoạt động tưởng nhớ, tri ân cặp vợ chồng tài danh Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh, được nhà hát tổ chức hàng năm nhưng đều thu hút hàng nghìn khán giả. Dư âm của những vở kịch ba, bốn mươi năm tuổi đã lưu lại trong ký ức của nhiều khán giả, lan tỏa trên các diễn đàn văn học nghệ thuật, các mạng xã hội, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Một cảnh trong vở “Ai là thủ phạm”.

Lưu Quang Vũ đã tiếp tục ghi dấu thành công trên hành trình chinh phục thế hệ khán giả trẻ, những người sống cách thời đại của ông rất nhiều năm sau này. Cùng với nhịp sống khẩn trương của xã hội hiện đại, vòng đời của các tác phẩm nghệ thuật dường như ngắn lại bởi xu thế và thị hiếu công chúng luôn biến đổi, nhưng quy luật này có lẽ chưa bao giờ đúng đối với “kịch Lưu Quang Vũ”. Sự kiện năm nay cũng không là ngoại lệ.

Ngoài ra, cũng tại Nhà hát Tuổi trẻ, khán giả còn có dịp xem vở “Bộ cảnh phục” – tác phẩm vừa được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”; nhạc kịch “Trại hoa vàng” được phóng tác từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dự án kịch phim “Hồn Trương Ba da hàng thịt ngoại truyện” của Trung tá, đạo diễn Phạm Lê Nam cũng đang dần được hoàn thiện, dự kiến ra mắt khán giả tại Nhà hát vào tháng 10.

Sân khấu Lệ Ngọc – một trong số đơn vị sân khấu xã hội hóa ít ỏi tại phía Bắc vừa trở thành “hiện tượng lạ” khi liên tục có nhiều đêm diễn “cháy vé”. NSND Lệ Ngọc còn cho biết, ngoài hơn chục suất diễn “Huyền thoại Gò Rồng ấp” thì các vở “Tấm Cám”, “Cây tre thần” đã, đang được khán giả đề nghị diễn lại khá nhiều vào dịp này. Vở kịch “Tình bạn và công lý” – vở diễn ngợi ca người chiến sĩ Công an cũng vừa được đưa ra công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng thế.

Tuy nhiên, để có được kết quả này là những nỗ lực rất lớn của cả nhà quản lý và các nghệ sĩ. Ngoài việc đầu tư kỹ lưỡng về mặt truyền thông, các clip quảng bá trên fanpage riêng cũng như đầu tư chất xám và tài chính cho tác phẩm, đơn vị đều tổ chức ghi nhận ý kiến khán giả sau mỗi suất diễn để điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu khán giả tốt hơn. Hiện tại, sân khấu Lệ Ngọc đang nhận thêm một vở diễn được đặt hàng về công tác phòng chống dịch COVID-19 và sẽ còn tập trung dựng các vở dân gian, về đề tài Hà Nội, phục vụ đa dạng các đối tượng khán giả.

Được biết, Nhà hát Kịch Việt Nam – “anh cả đỏ” một thời của sân khấu Việt cũng đã đưa trở lại sân khấu vở kịch “Như thế là tội ác”. Không chỉ có nội dung giàu kịch tính, vở diễn còn thu hút bởi sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên kỳ cựu. Ngoài NSƯT Phú Đôn, NS ƯT Quế Hằng…, vở diễn còn có sự tham gia của “ông bố quốc dân” – NSND Trung Anh, người đang rất nổi tiếng sau bộ phim truyền hình ăn khách “Về nhà đi con”. Trong khi đó, vở “Cô gái và chiếc xe máy” có sự đồng hành lớn của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Cùng với “Hành trình Thanh niên Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020” của Hội, tác phẩm được đưa lưu diễn thời gian diễn tại 9 tỉnh, thành trên cả nước.

Xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ, vở diễn hứa hẹn nhiều hấp dẫn từ nội dung đến thiết kế sân khấu, âm nhạc, vũ đạo trẻ trung, tươi mới hướng tới giới trẻ. Vở diễn có sự hòa quyện đặc biệt của văn hóa Việt Nam, Hàn Quốc khi được dàn dựng theo kịch bản của tác giả là người Hàn Quốc, hướng dẫn vũ đạo cũng là nghệ sĩ xứ Hàn - Kim Na Rae phối hợp cùng nghệ sĩ Bùi Đức Kiên…

Dự kiến, trong thời gian tới, khán giả sẽ còn có thêm rất nhiều sự lựa chọn khác bởi nhiều dự án nghệ thuật được đầu tư lớn cả về quy mô lẫn chất lượng. Với Nhà hát Cải lương và Liên đoàn Xiếc Việt Nam, khán giả sẽ có “Huyền sử Việt”. Đây là dự án lớn, lần đầu kết hợp cải lương và xiếc trên sân khấu, dự kiến diễn ra trong nhiều năm.

Trong đó, năm 2020 sẽ là tác phẩm “Cây gậy thần”, khai thác huyền tích về 1 trong “tứ bất tử” của đời sống tín ngưỡng Việt là chuyện về Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, ngoài việc khởi động lại chuyến lưu diễn xuyên Việt vở ballet “Hồ Thiên Nga”, đơn vị còn ráo riết đầu tư cho một dự án lớn khác là nhạc kịch “Những người khốn khổ”….

Về việc thu hút khán giả đến rạp hiện nay, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Chí Trung cho biết, đơn vị vẫn tiếp tục khai thác và dàn dựng các chương trình, vở diễn hướng tới khán giả trẻ, học sinh, sinh viên. Với thế mạnh vốn có của mình, Nhà hát lâu nay đã đáp ứng rất tốt phân khúc khán giả nhỏ tuổi với những vở diễn dành cho thiếu nhi hàng năm. Các chương trình, vở diễn mới sẽ là cơ hội tốt để Nhà hát tiếp tục chinh phục và mở rộng thêm đối tượng khán giả của mình, qua đó mang nghệ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng ở nhiều lứa tuổi.

NSND Lệ Ngọc cũng chia sẻ: Lúc này, sân khấu xác định là phải kéo được khán giả đến rạp. Khán giả là yếu tố sống còn của sân khấu. Bởi, nghệ thuật cũng là một mặt hàng. Nếu tác phẩm dựng xong không có ai xem thì sân khấu không thể tồn tại. Chúng tôi xác định, mình phải chinh phục được khán giả bằng tác phẩm. Khi họ đã tin tưởng rồi thì sẽ còn tìm đến mình. Mỗi đơn vị, mỗi người xem ấy sẽ là những “kênh” truyền thông, quảng bá cho sân khấu sau này.

Ngọc Nguyễn
.
.
.